Đến nay, khắp thế giới, rất đông người quá quen thuộc mì ăn liền. Đó là thức ăn nhanh, ngon, gọn, rẻ, dễ vận chuyển, dự trữ thuận tiện. Nhưng, bạn có biết mặt hàng ngỡ chừng đơn giản ấy của ngành công nghệ thực phẩm vốn ra đời ở đâu, bao giờ, và từng trải qua đường đi nước bước thế nào chăng? Mì ăn liền xuất hiện tại Việt Nam năm mấy, đã phát triển ra sao?
Mì ăn liền ở Việt Nam có từ bao giờ?
Mặc dù khởi phát từ Nhật Bản song những gói mì ăn liền lần đầu nhập cảng vào miền Nam nước ta lại đóng “mác” Taiwan (Đài Loan). Ấy là năm 1971.
Sơ khởi, mì ăn liền mang thương hiệu Sam Hoa chào hàng, liền được cư dân tại các đô thị Sài Gòn, Cần Thơ, Biên Hòa, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế thích thú đón nhận. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu do thực tế đặt ra, hàng loạt doanh nghiệp gấp rút trang bị máy móc, huấn luyện công nhân, mở nhà sản xuất mì ăn liền. Những tên tuổi đi tiên phong trong lĩnh vực này ở miền Nam thuở bấy giờ: Thiên Hương, Bình Tây, Vifon, Lubico, Safoco. Ngay từ đầu, mì ăn liền “made in Vietnam” đã đạt chất lượng cao, mẫu mã bắt mắt, không chỉ thỏa mãn khả năng tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu một phần.
Năm 1975, bà con miền Bắc lúc ấy bắt đầu làm quen và rất chuộng mì ăn liền từ phía Nam đưa ra. Đấy cũng là thời điểm các nhà máy chế biến mì ăn liền chuyển qua công tư hợp doanh, hoặc trở thành công ty quốc doanh. Sau chiến tranh, đất nước gặp bộn bề khó khăn. Bột mì – nguồn nguyên liệu chính để chế biến mì ăn liền – phải trông chờ ngoại viện nên không thể chủ động về phẩm chất, chủng loại lẫn số lượng sản phẩm. Ngay cả giấy bóng kính cũng cạn kiệt, phải thay bằng giấy kraff nhằm làm bao bì. Hầu tiết kiệm giấy kraff, nhiều nhà máy sản xuất mì ăn liền không bao bì, chỉ phân phối từng chục khối mì “trần trùng trục” trong bịch nilon. Mì ăn liền Việt Nam rơi vào giai đoạn yếu kém nhất về nội dung lẫn hình thức, và tình trạng này kéo dài tới thập niên 1980.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Thông qua các chuyến tàu viễn dương, một số công ty nông lâm sản xin quota nhập mì ăn liền từ Nhật Bản, Đại Hàn, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, v.v. Kết quả: mì nội địa bấy giờ bị “nốc ao” thê thảm! Nhưng chính nhờ cú “đo ván” ấy mà ngành công nghệ thực phẩm trong nước bừng tỉnh để tính kế khả thi. Trước tiên, cần nâng cao chất lượng mì ăn liền kết hợp việc cải tiến bao bì. Một trong những đơn vị sớm đầu tư thực hiện các công đoạn này là Cholimex. Kế đó, Cửa hàng Lương thực quận 5 của TP. HCM mạnh dạn liên kết với nhà máy Vifon tung ra thị trường loại mì ăn liền mang nhãn Miliket. Rồi bao thương hiệu mì ăn liền từng được người tiêu dùng tín nhiệm đã được phục hồi để chia sẻ thị phần: Thiên Hương, Bình Tây, Safoco. Riêng Safoco, sau chuyển tên thành Colusa.
Từ thập niên 1990, việc sản xuất mì ăn liền ở trong nước dần ổn định với quy mô hiện đại, nhất là khi các tập đoàn tầm cỡ của ngoại quốc đến Việt Nam liên doanh. Tập đoàn WeWong của Đài Loan kết hợp với Công ty Lương thực TP. HCM (Foocosa) cho ra đời mì ăn liền chất lượng cao mang các thương hiệu A One, Kung Fu. Nhà máy Vifon cùng Công ty Acecook của Nhật Bản sản xuất mì ăn liền Vifon-Acecook, Good, Phú Hương, Hảo Hảo. Giờ đây, tại nước ta, vô số thương hiệu mì ăn liền khác ạt ào xuất hiện: Vị Hương, Phúc Lộc, Kim Chi, Gấu Đỏ, Vi-ngon, Mivimex, Gomex, Super Unif, v.v. Mỗi thương hiệu lại có lắm chủng loại. Nào hương vị tôm, cua, heo, bò, gà. Nào mì chua cay, mì thập cẩm, mì sa tế, mì chay.
Không dừng lại với sản phẩm mì ăn liền, các hãng còn linh động chế biến thêm phở ăn liền, bún ăn liền, miến ăn liền, cháo ăn liền, hủ tíu ăn liền, bánh canh ăn liền, bánh đa cua ăn liền, v.v., hầu đáp ứng thị hiếu đa dạng, phong phú của muôn “thượng đế”.
Khá đông đồng bào Việt Nam ở hải ngoại cho hay rằng mặc dù công nghệ chế biến mì ăn liền đã phát triển cực mạnh tại nhiều quốc gia, song sản phẩm làm tại đất nước hình chữ S lại được khách hàng ưa chuộng hơn. Dễ dàng kiểm chứng lời phát biểu kia bằng cách nếm thử mì ăn liền của Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Đài Loan để so sánh. Rõ ràng mì ăn liền của Việt Nam mang hương vị đặc biệt đậm đà. Vì sao? Các hãng sản xuất trong nước luôn dùng nước hầm thịt xương động vật có nêm gia vị và cho ép tẩm trực tiếp vào sợi mì. Lẽ tất nhiên, đây chẳng phải “bí quyết” độc quyền.
Có gì trong mỗi gói mì?
Theo quy chuẩn quốc tế, mỗi gói mì ăn liền thông thường nặng 75 gam khối lượng tịnh – tức thành phẩm được cân không tính bao bì, thường ghi tắt bằng tiếng Anh là Net Wt. Cứ 30 gói thì xếp chung vào thùng bìa cứng.
Trong mỗi gói có một khối mì sợi được đóng hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn, hoặc hình elip tùy hãng sản xuất. Kèm theo là túi bột nêm be bé. Ngoài ra, có thể còn thêm túi chứa ít dầu (thường là dầu mè / dầu vừng), cùng túi chứa dăm mẩu rau gia vị sấy khô (thường là hành hoa thái vụn). Cho tất cả các thứ vào tô, chế nước sôi vừa đủ (cỡ 400cc), đậy kín chừng 3 phút, sau đó hể hả xơi.
Từng khối mì như vừa nêu thường được cấu tạo bởi 79 sợi mì, mỗi sợi dài 65cm. Nếu khéo léo kết nối với nhau thì mỗi gói sẽ cung ứng một sợi mì dài 51m. Độ dài này sẽ tăng vọt nhiều lần khi sợi mì ngấm nước và trương nở.
Mỗi gói mì ăn liền đạt giá trị dinh dưỡng ra sao? Bình quân, nó cung cấp 300 ~ 350kcal, với 6 ~ 7 gam chất đạm, 12 gam chất béo và 50 gam carbohydrate. Quả là một cơ cấu dinh dưỡng thiếu hoàn chỉnh. Do đó, sách báo vẫn khuyến cáo mọi người chớ liên tục dùng mì ăn liền. Nếu dùng, cần lưu ý mấy điều:
1. Chỉ nên ăn tạm khi vội.
2. Gặp trường hợp phải dùng thường xuyên một thời gian, cần tìm cách bồi dưỡng thêm mỗi ngày ít nhất 100 gam thịt cá và 250 gam rau quả tươi.
3. Những bệnh nhân đường tiêu hóa cùng những người có tạng biếng ăn, tốt nhất nên tránh hẳn hoặc thỉnh thoảng mới dùng mì ăn liền.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng mì ăn liền đã xác lập riêng một khẩu vị đặc trưng mà thức khác rất khó thay thế nổi, dù đó là mì sợi Trung Hoa hay mì ống spaghetti Ý Đại Lợi. Quan trọng nhất là người tiêu dùng cần xem kỹ hạn sử dụng được in trên gói mì ăn liền trước khi sử dụng. Với điều kiện bình thường, kể từ thời điểm ra lò, mì ăn liền chỉ bảo quản được trong vòng 5 tháng.
Một phát minh vào giữa thế kỷ XX
Thiên hạ đều biết mì sợi được chế biến từ hạt lúa mì và lúa mạch (tiểu mạch và kiều mạch) tít tận thời cổ đại tại Trung Hoa. Ở châu Âu, người Ý lại tự hào với món mì ống cổ truyền spaghetti thường dọn khai vị. Đương nhiên, spaghetti đích thị “hậu duệ” của mì sợi Trung Hoa. Sử sách còn ghi nhận sự kiện nhà thám hiểm Marco Polo (1254 – 1324) sau chuyến du hành phương Đông, đã đem món mì sợi Trung Hoa về giới thiệu tại Ý và dân Ý phỏng theo để tạo nên mì ống. Rồi cách đây cỡ hai thế kỷ, người Ý qua Hoa Kỳ lập nghiệp, đưa theo cả nghề làm mì đặc sản. Chẳng bao lâu, mì ống của Ý lẫn mì sợi của Trung Hoa dần phổ biến tại nhiều quốc gia với lắm kiểu dáng. Riêng tính spaghetti đã có hơn 300 dạng khác nhau. Dù kiểu dáng gì, cả hai loại mì vừa kể thường được dùng tươi. Nghĩa là sau khi mì ra lò trong một thời gian ngắn, phải đun nấu chiên xào mà xơi, chứ mì để lâu thì hỏng. Muốn bảo quản nhiều ngày, mì được phơi sấy khô, và khi cần ăn cũng phải lỉnh kỉnh củi lửa soong nồi khá mất công.
Vậy có cách gì khi nằm ở nhà riêng, thậm chí lúc lang thang tận góc bể chân trời quạnh vắng, chỉ cần ngụm nước sôi là ngay lập tức, xuất hiện tô mì bốc khói giúp ta thưởng thức ngon lành?
Đó là suy nghĩ độc đáo của 安藤百福 / Andō Momofuku / An Đằng Bách Phúc. Nhân vật Nhật Bản gốc Trung Hoa này mày mò thử nghiệm: hấp chín ramen / mì sợi tươi, sau đó chiên (rán) giòn, đoạn cho vào thạp đậy kín, bao giờ thích thì vốc nắm mì và thả vô tô, châm nước sôi, nêm gia vị, lát sau có thể chén tì tì. Sau nhiều thử nghiệm, An Đằng Bách Phúc chính thức cho ra đời sản phẩm mì ăn liền lần đầu tiên vào ngày 25-8-1958.
Cái phát minh sáng chế tưởng dễ dàng và đơn giản kia thực sự tạo bước ngoặt lớn đối với ngành công nghệ thực phẩm, đầu tiên dĩ nhiên tại xứ sở hoa anh đào. Quy trình sản xuất mì ăn liền liên tục được đầu tư nghiên cứu cải tiến nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm, đồng thời hạ thấp giá bán. Vậy mà có lúc, có nơi, mì ăn liền trở thành hàng khan hiếm!
Giải thích sự thành công vượt bậc của mì ăn liền ắt không khó. Sản phẩm này ra đời đúng giai đoạn mà thức ăn nhanh ngày một trở thành nhu cầu phổ biến trong xã hội công nghiệp, con người rất ngại mất thời gian. Nó lại đáp ứng kịp thời “miếng khi đói” cho bao đối tượng lâm cảnh ngặt nghèo như thiên tai hay chiến sự.
Tác giả: Phanxipăng – phanxipang.wordpress.com