Tiền thân của Trường Đại học Bách Khoa ở Sài Gòn ngày nay là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, đã được thành lập vào năm 1957, theo sắc lệnh số 213-GD ngày 29/6/1957 của tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trung tâm Giáo dục này này được hợp nhất từ 4 trường, đó là:
Trường Cao đẳng Công chánh được thành lập năm 1911 tại Hà Nội, hoạt động liên tục đến năm 1945 thì tạm ngừng. Đến năm 1947 Trường được tái lập tại Sài Gòn và đặt trụ sở tại Trường thực nghiệm Bộ Công Chánh và Trường Pétrus Ký. Năm 1957 Trường được chuyển về Trung tâm Quốc gia kỹ thuật. Trường Công Chánh đào tạo cả 2 bậc kỹ sư (4-5 năm) và cán sự (2 năm) cho 2 ngành công chánh và địa chánh. Sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ làm việc tại các Bộ Công Chánh, Bộ Cải Cách Điền Địa, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Kinh Tế và các xí nghiệp.
Trường Cao đẳng Hàng Hải thành lập từ năm 1951, tới 1957 được sáp nhập vào Trung tâm. Trường này chỉ đào tạo cấp cán sự, có 2 ngành là chỉ huy đào tạo thuyền trưởng và cấp cán sự cơ khí, đào tạo chuyên viên cơ khí trên tàu thuyền.
Trường Cao đẳng Công Nghệ thành lập từ năm 1956, tới năm 1957 thì sáp nhập vào Trung tâm, đào tạo cấp kỹ sư cho các ngành Công Kỹ Nghệ. Ngành này dạy về các loại máy, đúc, luyện kim, mộc, vật liệu…
Trường Cao đẳng Điện học có 2 ngành: Điện năng và Điện tử. Trường Điện cũng đào tạo 2 cấp: kỹ sư và cán sự. Ngành điện năng thiên về giảng dạy sản xuất điện năng, phân phối cũng như kiểm soát việc phân phối điện năng. Ngành điện tử chú trọng nhiều về điện kỹ nghệ truyền thanh và truyền hình, sau đó mở thêm ngành viễn thông để cung cấp chuyên viên cho ngành bưu điện.
Vì học trình của các khoa trực thuộc của Trung tâm giáo dục này khác nhau, nên bắt đầu niên học 1958 Bộ Quốc gia Giáo dục điều chỉnh lại để cả ba ngành công chánh, công nghệ và điện học đều đào tạo kỹ sư 4-5 năm học hoặc cán sự 2 năm học. Riêng Trường Hàng Hải thì năm 1973 mới chính thức thuộc cấp cao đẳng.
Năm 1962, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ được bổ sung thêm Cao đẳng Hóa học, ban đầu chỉ có đào tạo cấp cán sự, có 2 ngành là cán sự phòng thí nghiệm và ngành sản suất. Tới năm 1968 nâng bậc đào tạo thành Cao đẳng, đào tạo cán bộ chuyên về thiết kế những cơ xưởng kỹ nghệ về hóa chất, chuyên viên điều chế.
Trường nằm trên một khu đất rộng hơn 10 héc ta, diện tích xây dưng là hơn 20.000 mét vuông, cơ xưởng công nghệ rộng hơn 6000 mét vuông, theo số liệu năm 1972. Trường nằm ở góc đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) và Tô Hiến Thành.
Những kỹ sư, cán sự tốt nghiệp Trung tâm Quốc Gia kỹ thuật các ngành nói trên, nếu thi hành nghĩa vụ quân sự, vào trong quân ngũ có thể phục vụ tại những ngành Công binh, quân cụ, quân nhu, truyền tin, hoặc các cơ xưởng kỹ thuật của các binh chủng lục quân, hải quân.
Điều kiện để dự thi vào Trường: Thí sinh phải có Tú Tài Toán, hoặc Tú tài kỹ thuật hay một văn bằng tương đương. Tất cả thí sinh sẽ thi cùng môn với nhau, khi ghi danh sẽ chọn từng ban học nhưng sẽ thi chung, đến khi sắp hạng trúng tuyển thì được sắp theo từng ngành học (tức là các Trường trực thuộc Trung tâm là Công Chánh, Công Nghệ, Hàng Hải, Điện, Hóa). Thí sinh thí hai môn chính là Toán và Lý Hóa, thời gian thi là 4 tiếng. Ngoài ra sinh viên có Tú tài Kỹ thuật muốn ghi danh thi vào trường Quốc Gia Công Nghệ thì sẽ được sắp hạng riêng nhưng phải thi thêm môn Kỹ nghệ họa.
Các giáo sư giảng dạy tại Trung tâm được tuyển chọn, theo công bố năm 1972 thì cấp Giảng nghiệm viên (nay gọi là trợ giảng) cần có bằng Cử nhân hoặc Bachelor. Cấp Giảng sư cần có bằng Cao học Khoa học/bằng Master hoặc văn bằng cao hơn ở cấp Tiến sĩ kỹ sư hoặc Tiến sĩ quốc gia, hoặc Ph.D.
Sinh viên kỹ thuật thường có chương trình học rất nặng. Hàng tuần phải thêm 40 tiếng đồng hồ, cần có những sinh hoạt giải trí, thể thao, văn nghệ xã hội, nên Trung tâm có một Phụ tá Sinh viên vụ đặc trách vấn đề này.
Trong lúc học, sinh viên học cấp kỹ sư, và sinh viên cấp cán sự từ năm thứ 2, đều bắt buộc có 1-2 tháng tập sự (nay gọi là thực tập) tại các công ty như Điện lực Việt Nam, Xi măng Hà Tiên, hay Đài Truyền hình. Thời gian tập sự đó giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc trong tương lai.
Sau mỗi kỳ tập sự, sinh viên phải làm một bản phúc trình gửi về trường để chấm điểm.
Sau đại học, sinh viên tốt nghiệp ưu tú, hay những ai có mong muốn học tiếp thì sẽ được nhà trường giới thiệu với các đại học nước ngoài.
Đến năm 1972, Trung tâm Quốc gia kỹ thuật Phú Thọ được nâng cấp thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật, rồi sau đó thành Trường Đại học Kỹ thuật năm 1974, là cơ sở duy nhất đào tạo kỹ sư và cán sự tại miền Nam lúc bấy giờ. Cũng trong năm 1974, Trường được gom vào thành một thành phần của Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức.
Sau năm 1975, theo quyết định số 426/Ttg ngày 27/10/1976 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trường được mang tên Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM.
Sau đây là những hình ảnh Đại học Bách Khoa, đa số là chụp năm 1986:
Đường bên ngoài trường:
Đông Kha – chuyenxua.net