Năm 1957, ở Sài Gòn đã có một cuộc thi trẻ em rất đáng chú ý. Lúc đó, truyền hình chưa có, may mà có một tờ báo Gia Đình đưa bài và ảnh khá rõ nét nên thể hiện được sự hấp dẫn của cuộc thi.
Cuộc thi này mang tên “Cuộc thi Trẻ Em Lành Mạnh và Khéo Nuôi”, được Bộ Y Tế và Xã Hội thời đó tổ chức tại Nhà Bảo sanh (nay là bệnh viện phụ sản) Từ Dũ vào ngày 5 tháng 3 năm 1957 nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Hội Phụ Nữ Việt Nam.
Cuộc thi đã thu hút đến hơn 300 các bà, các cô bồng con em mình tới nhà Bảo sanh Từ Dũ để dự thi.
Trong suốt 2 giờ rưỡi, cuộc thi được tiến hành chia ra làm ba nhóm: Nhóm A gồm những trẻ em từ 6 đến 12 tháng. Nhóm B từ 13 đến 18 tháng và nhóm C từ 19 đến 24 tháng. Ban giám khảo cả ba nhóm đều là các bác sĩ, hầu hết là bác sĩ nữ. Tất cả hơn 300 em bé dự thi, bé nào cũng bụ bẫm, kháu khỉnh, dễ thương.
Các em bé trong phòng thi thản nhiên cười toe toét, khóc vang trời và ngáp, trong tiếng cười của các bà mẹ, các bác sĩ và y tá.
Hai căn phòng rộng ở nhà Bảo sanh Từ Dũ được dùng làm nơi diễn ra cuộc thi. Các em bé lần lượt được các cô nữ y tá đem lên bàn cân, và được đem ra trước mặt ban giám khảo để chấm điểm. Mỗi bác sĩ giám khảo chấm về một mặt khác nhau bao gồm cân nặng, bụ bẫm, khéo nuôi (nuôi bằng sữa bò hay sữa mẹ). Tổng số các điểm cộng lại chia ba lấy số trung bình để định đoạt thứ hạng.
Sau vòng loại, còn 170 bé vào chung kết. Bé nào cũng mập mạp, dễ thương, nên ban giám khảo lại càng cân nhắc trong việc quyết định các giải thưởng. Trong số các em dự thi có hai ba cặp trẻ sinh đôi được cử tọa nhiệt liệt hoan hô.
Cuộc tuyển lựa kéo dài cho đến 6 giờ 30 chiều. Cuối cùng, bé Nguyễn Văn Bách chiếm giải nhất. Bé Nguyễn Thị Thu Hiền giải nhì và các giải ba. Giải nhất được một huy chương vàng y năm chỉ và một lập lắc vàng y ba chỉ. Giải nhì được một lập lắc vàng ba chỉ. Giải ba được một lập lắc vàng ba chỉ.
Những bé khác đều được giải an ủi gồm có một hộp Ovaltine và hai hộp sữa.
Những giải chính thức đều được phát tại tòa Đô Sảnh Sài Gòn (trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố ngày nay), còn những giải khuyến khích được phát ngay tại chỗ.
Cuộc thi xa xưa này lúc đó nhằm khuyến khích các bà mẹ quan tâm đến việc nuôi con khỏe mạnh theo đúng cách thức của khoa học dưỡng nhi. Có nhiều bà mẹ mang con đến tham gia, chứng tỏ phụ nữ Sài Gòn – Gia Định thời đó đã biết quan tâm đến việc chăm sóc con trẻ.
Phạm Công Luận
(Theo tạp chí Gia Đình số 3 năm 1957)