Hoàng hậu Nam Phương là hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, là một giai nhân nổi tiếng trong lịch sử. Hầu hết những người Việt Nam đều biết đến tên tuổi cũng như dung nhan của bà, nhưng có thể ít người biết tường tận về cuộc đời và, đặc biệt là những năm cuối đời.
Bài viết này xin nhắc về những năm tháng lưu vong xa quê hương của một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, được sinh ra trong một gia đình quyền quý bậc nhất hồi đầu thế kỷ 20, có ông ngoại là ông Huyện Sỹ – Lê Phát Đạt, cha là quận công Nguyễn Hữu Hào. Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp là những thứ bà đều có, nhưng đó là những cái sẽ thoáng qua mau, cho đến nay người ta vẫn nhớ về Nam Phương hoàng hậu với vẻ đẹp đoan chính và đức hạnh được nhiều người kính phục.
Danh hiệu Nam Phương của hoàng hậu được vua Bảo Đại ban cho, với ý nghĩa là hương thơm của miền Nam. Thực ra ban đầu danh hiệu của bà là Nam Hương Hoàng Hậu, nhưng do sự cố trong việc ghi chiếu chỉ bằng tiếng Hán nên từ Nam Hương trở thành Nam Phương. Hơn nữa, chữ Phương trong tiếng Hán cũng có nghĩa là “mùi hương”.
Nam Phương Hoàng Hậu xuất thân trong gia đình giàu có bậc nhất nhất miền Nam thế kỷ 20, rồi trở thành hoàng hậu An Nam. Đến khi phải rời quê hương để lưu vong nơi đất khách, bà vẫn có cuộc sống sung túc với những khối tài sản đồ sộ mà gia đình để lại, có nhiều bất động sản trên khắp nước Pháp lẫn các đồn điền ở vùng khác, các lãnh địa – lâu đài lớn ở Cannes, Limousin, Paris…
Sở hữu nhiều lâu đài, đồn điền như vậy, nhưng rốt cuộc Nam Phương hoàng hậu phải sống những những năm tháng cô đơn vò võ lúc cuối đời vì mang phận là vợ của một vị vua nổi tiếng phong lưu.
Năm 1934, sau nhiều lần gặp gỡ, tìm hiểu, vua Bảo Đại quyết định hỏi cưới cô Nguyễn Hữu Thị Lan bởi mến mộ vì tài sắc hơn người của người con gái miền Nam.
Bất chấp sự cách biệt về tôn giáo (Nhà vua theo Phật Giáo, còn Thị Lan theo Công giáo), cùng với sự cản ngăn gay gắt của đức Từ Cung thái hậu, hai người vẫn đến với nhau.
Đám cưới cử hành ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế). Khi đó vua Bảo Đại 21 tuổi, còn hoàng hậu tròn 20. Cuộc hôn nhân của vị vua cuối cùng triều Nguyễn đi kèm với những thỏa thuận trước đó chưa từng có:
- Thứ nhất là giải tán tam cung lục viện, tuân thủ chế độ một vợ một chồng, không còn chuyện năm thê bảy thiếp như những vị vua trước.
- Thứ hai, hoàng đế tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải là chỉ được phong sau khi hoàng đế qua đời như trước.
- Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử.
Sau hơn 10 năm chung sống hạnh phúc, Nam Phương Hoàng hậu sinh cho hoàng đế Bảo Đại 5 người con là Hoàng thái tử Bảo Long, 3 hoàng nữ Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và hoàng tử út Bảo Thăng.
Thời cuộc thay đổi nhanh chóng, những tháng ngày mật ngọt của vua và hoàng hậu kết thúc bắt đầu từ tháng 8 năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị. Đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông được mời ra Hà Nội để làm cố vấn tối cao cho chính phủ VNDCCH.
Ngày chia tay của Ông Bà Hoàng một thuở được ông Phạm Khắc Hoè (Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại – là người góp phần thúc đẩy vua Bảo Đại thoái vị) kể lại như sau.
6 giờ sáng ngày 2-9, Phạm Khắc Hoè và bộ trưởng chính phủ VNDCCH Lê Văn Hiến đến cung An Định:
“Xe chúng tôi đã vào đậu ngay trước phòng khách mà trong cung vẫn tối tò mò, im phăng phắc – chỉ nghe có tiếng gõ mõ niệm Phật từ trên lầu vọng xuống”.
Một lát sau Hoàng hậu Nam Phương trong sắc phục màu xanh da trời, từ trong nhà đi ra cùng con trai là Bảo Long và 3 con gái Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung. Cựu hoàng Bảo Đại tới hôn vợ, hôn các con với những lời âu yếm. Đây là lần đầu tiên trong đời mình, cựu hoàng đi xa mà không có ai đưa tiễn ngoài vợ con.
Nam Phương với sắc mặt buồn đưa tay trái lên cổ sửa lại sợi dây vàng đeo thánh giá lấp trong áo, tay phải cầm mùi xoa lau nước mắt trong tiếng gõ mõ tụng kinh của đức Từ Cung từ trên lầu vọng xuống đều đều buồn bã. Cựu hoàng – lúc này đã trở thành công dân Vĩnh Thuỵ, sắp sửa thành “ông cố vấn” – khoé mắt hơi ướt, nhưng miệng vẫn mỉm cười, bế Phương Dung lên hôn một lần nữa, rồi bỗng nói to: “Thôi, đi!”.
Bà Nam Phương mở to mắt nhìn theo như muốn níu chồng lại, nhưng ông không quay lại.
(Trích lời kể của ông Phạm Khắc Hoè)
Trong khi bà Nam Phương ở lại cung An Định bên ngoài Hoàng Thành Huế với Đức Từ Cung và các con, thì tại Hà Nội, không lâu sau, cựu hoàng Bảo Đại sống chung với thứ phi Mộng Điệp, phá vỡ lời hứa một vợ một chồng với hoàng hậu năm xưa. Song song với thời gian đó là mối quan hệ với một người đẹp nức tiếng: Lý Lệ Hà.
Thông tin này đến được tai bà Nam Phương qua giới săn tin thông thạo và trung thành với bà. Thời gian đó ông Hoè và ông Lê Văn Hiến có đề xuất đưa bà Nam Phương và các con ra Bắc đoàn tụ cùng với Bảo Đại, nhưng bà đều từ chối. Không rõ tâm tư thực sự của bà ra sao, nhưng trong một lần nói chuyện với ông Hoè – người vẫn đi đi về về giữa Huế và Hà Nội, bà Nam Phương nói:
“Ông Hoè này, tôi cũng muốn ra Hà Nội để vợ chồng, con cái cùng ở với nhau cho hạnh phúc. Nhưng tôi ngại hai điều: một là sẽ làm tốn kém thêm cho Nhà nước trong lúc chính phủ đang còn nghèo, lo trăm chuyện, hai là làm cho Hoàng đế đang ‘vui sướng’ trở thành đau khổ, gò bó. Thôi, tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”.
Tháng 3 năm 1946, cựu hoàng Bảo Đại được chính phủ VNDCCH cử tham gia phái đoàn sang Trung Hoa công tác, nhưng ông tách đoàn và không trở về nước nữa mà sang Hongkong sinh sống. Lý Lệ Hà nghe tin đã bay sang để sống chung.
Biết rõ mối quan hệ thắm thiết của chồng mình với cô Lý, Hoàng hậu với tư thế là một “bà cả” đã viết một bức thư gửi “người đến sau” mà hơn 50 năm sau đó Lý Lệ Hà vẫn còn giữ, có nội dung:
“Em Lý Lệ Hà thân quý! Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hongkong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị, Nam Phương”.
Tháng 12 năm 1946, tình hình chính trị và quân sự giữa Việt Minh và Pháp rất căng thẳng, trong khi đó thì cựu hoàng đã ở luôn Hongkong nên không còn là “ông cố vấn” cho chính phủ VNDCCH nữa. Cảm thấy ở trong cung An Định không còn được an toàn, bà Nam Phương đưa các con vào tạm lánh trong nhà dòng Chúa Cứu Thế, nơi thuộc quyền quản lý của các linh mục người Canada, trung lập giữa 2 bên Việt Minh và Pháp.
Ở đây một thời gian, bà Nam Phương lại muốn rời đi nơi khác để tránh sự rắc rối có thể xảy ra cho nhà dòng, bà được người Pháp giúp đỡ đến ở tạm trong tầng hầm của nhà băng Đông Dương thời gian ngắn, rồi sau đó lên Đà Lạt ở với người chị ruột để lánh xa khỏi những khói lửa binh biến.
Khi đó thái tử Bảo Long đang ở vị trí quan trọng có thể bị các phe phái chính trị lợi dụng làm con bài chiến lược, bà Nam Phương hẳn là rất lo lắng cho an nguy của những người con dòng dõi hoàng gia này, nên bà đã có một quyết định khó khăn là phải rời bỏ quê hương, đưa các con sang Pháp sống, mở ra một cuộc hành trình xa xứ mà từ đó bà không về lại quê hương một lần nào được nữa.
Trong hành trình này, bà Nam Phương cùng các con có ghé ngang qua Hongkong để thăm cựu hoàng trước khi sang đến Pháp. Bên dưới là 2 hình ảnh được chụp ở Hongkong:
Năm 1947 tới Pháp, trong thời gian đầu, mẹ con bà Nam Phương về Cannes, nơi có toà lâu đài Thorenc thuộc gia sản của cha mẹ bà đã mua trước đó.
Năm 1949, Bảo Đại trở về Việt Nam làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, nhưng bà Nam Phương vẫn ở bên Pháp. Những ngày nghỉ lễ, bà thường đi phố cùng các con để mua đồ chơi cho con, hoặc đi xem chiếu bóng với hoàng tử Bảo Thăng, công chúa Phương Dung là hai người con nhỏ nhất.
Hàng ngày sinh hoạt của cựu hoàng hậu là chăm lo cho các con hay đọc sách báo hoặc ra vườn trồng hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích chơi dương cầm cho các con nghe.
Cũng có những lúc Bảo Đại về Pháp, nhưng niềm vui ở bên chồng quá ít ỏi, nhất là từ sau năm 1955, quốc trưởng Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm phế truất và bỏ đi tứ xứ.
Năm 1958, khi các con đều đã lớn, mỗi người đi một nơi, bà Nam Phương rời Cannes để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac thuộc vùng Trung Tây nước Pháp, cách Paris chừng 400-500 cây số. Nơi này có một trang trại lớn của riêng bà Nam Phương mà trước đây gia đình bà (ông bà Nguyễn Hữu Hào) đã mua cho.
Nơi ở của bà có rừng bao quanh, gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách. Về đời sống vật chất thì bà Nam Phương không lúc nào thiếu thốn khi sống ở xứ người. Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào tậu cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và ở đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Marocco, Congo… Những bất động sản này bà đã chia cho các con mỗi người một phần riêng và chỉ giữ lại trang trại ở Charbrignac, gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần trăm con và một vườn hồng lúc nào cũng nở hoa.
Nhà của bà ở cách biệt với những nhà dân ở vùng này, vì là làng quê nên mọi người ít có dịp giao thiệp với nhau. Và đã có lần bà Nam Phương ngỏ ý được trở về Việt Nam để được an tang bên cạnh hai mộ cha mẹ ở Đà Lạt nhưng Bảo Đại và các con không đồng ý.
Dân làng Chabrignac kể rằng, bà Nam Phương giàu có, nhưng sống trầm lặng. Bao nhiêu năm chỉ thấy cựu hoàng Bảo Đại về thăm Hoàng hậu mấy lần, lần được nhớ nhất là vào dịp lễ cưới của công chúa Phương Liên kết hôn với chàng trai người Bordeaux. Buồn nản vì tình cảm của mình, bà Nam Phương chỉ sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Họa hoằn bà mới về thăm Paris vài ngày. Có lẽ vui nhất là dịp nghỉ hè, các con mới có dịp về thăm bà.
Những năm sau này bà Nam Phương ít đi ra ngoài và gặp gỡ ai. Cũng có đôi khi bà Nam Phương đi Paris để thăm các con đang học và làm ăn ở đó. Và ngược lại những dịp hè thì các con có về đây thăm mẹ ở ít ngày cho bà đỡ buồn. Thời gian này bà bị bệnh tim nặng làm khó thở.
Cho đến cuối đời, bà vẫn sống trong nhung lụa nhờ gia đình cự phú của mình. Tuy nhiên, với bà Nam Phương, tiền không giúp mua được niềm vui. Cựu hoàng hậu sống lặng lẽ với thú vui điền viên trong trang trại Charbrignac, bất động sản duy nhất bà giữ lại cho riêng mình, sau khi chia hết các tài sản khác cho các con.
Rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống đúng nghĩa cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam học thức.
Hàng ngày, bà dậy rất sớm, thường tự tay trang trí, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cây cảnh.
Khi có việc ra ngoài, bà thường tự tay lái chiếc xe hơi hiệu Dauphine, có thêm cô hầu gái hay người quản gia đi theo. Bà nuôi trong điền trang 4 người giúp việc nông, một số người hầu gái và một viên quản gia người Pháp. Tất cả người ăn kẻ ở trong nhà đều được bà đối xử thân tình và gần gũi.
Lucien Boudy – một cựu xã trưởng Chabrignac, cho biết Hoàng hậu Nam Phương “…là một mệnh phụ phu nhân rất duyên dáng, đặc biệt thân thiện rộng rãi với dân làng. Bà cũng rất nhân từ và yêu thương với cả người hầu kẻ hạ trong nhà”.
Nam Phương Hoàng hậu sống rất cởi mở, quảng giao, thường xuyên đi thăm thú điền trang để gặp gỡ và trò chuyện thân mật với những người nông dân. Vì thế dân làng rất quý mến bà. Từ chỗ xa lạ, sau 5 năm làm dân Chabrignac, bà đã để lại biết bao tình cảm trong tâm trí người dân địa phương. Họ xem bà là một cô-rê-diên (Người địa phương Correze) chính cống.
Có lẽ sự cô đơn và nỗi đau buồn cho cuộc đời tuy vàng son mà bất hạnh của mình khiến hoàng hậu lưu vong mắc bệnh tim. Ngày 14/9/1963, vừa từ thị trấn Brive cách điền trang 30 km trở về, bà Nam Phương đã cảm thấy đau họng. Viên bác sĩ được mời đến đã khám qua loa và kết luận bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài ngày là khỏi. Kỳ thực, bà bị chứng lao hạch tràng hạt, cơn đau tiếp tục hoành hành dữ dội. Trước khi viên bác sĩ thứ hai kịp đến nơi thì Nam Phương Hoàng hậu, 49 tuổi, đã qua đời vì nghẹt thở.
Bà mất vào ngày 15/9/1963. Đám tang của bà rất lặng lẽ. Ngày đưa tang, ngoài hai Hoàng tử Bảo Long (1936), Bảo Thăng (1943) và ba Công chúa Phương Mai (1937), Phương Liên (1938) và Phương Dung (1942) đi bên cạnh quan tài của mẹ.
Khi được tin bà Nam Phương tạ thế, Bảo Đại trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của người Pháp để an táng người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức mà cho tới tận cuối đời cũng không hề bị ai chê trách hay than phiền. Ngay cả ông Bảo Đại cũng chưa bao giờ dám trách vợ về việc trai gái, vì kể từ ngày ly thân với Bảo Đại, bà Nam Phương không có bất kỳ nhân tình nào, dù là đi khiêu vũ hay đi tắm biển với một người đàn ông khác cũng không. Có lẽ bà Nam Phương được sinh ra trong một gia đình nề nếp nên bà giữ đạo rất nghiêm khắc, ngay cả với các con.
Ngôi mộ của bà Hoàng Hậu Nam Phương, người vợ chính thức đầu tiên của Bảo Đại, rất dễ nhận ra, vì có hai cây tùng trồng hai bên mộ, nay đã cao và to phình. Ngôi mộ có vẻ mới được trùng tu lại, sạch sẽ, đơn sơ. Trên ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá giản dị. Mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:
“Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu chi lăng” (Dịch nghĩa: Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).
Nắp đậy huyệt chỉ là một tấm bê tông phẳng phiu, có chạm nổi hình thánh giá và một tấm bia chìm đề hàng chữ tiếng Pháp “Sa Majesté Nam Phuong Impératrice d’Annam 1913 – 1963”. Trên nắp huyệt dựng một tấm bia khác đề rõ hơn một chút “Ici repose l’Impératrice Nam Phuong, née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 – 15.09.1963” (Tại đây an nghỉ Nam Phương Hoàng Hậu, tên gốc Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 – 15.09.1963).
Có một nghịch lý là, hoàng hậu Nam Phương nổi tiếng là một Đệ nhất phu nhân đẹp nhất nước Nam, nhưng thời gian 5 năm bà làm dân Chabrignac và lăng mộ của bà ở Chabrignac, không mấy người Việt ở Việt Nam hay ở ngay trên đất Pháp biết đến. Trong lúc đó người dân Chabrignac hạt Corrèze thì lại rất tự hào khi quê hương họ đã từng là nơi sinh sống 5 năm cuối đời và là nơi an nghỉ của bà Hoàng hậu đẹp nổi tiếng của Việt Nam, với niềm tự hào ấy, người chủ Domaine de la Perche ngày nay đã xây dựng khu nhà cũ và lăng mộ của bà thành một điểm du lịch ở trung tây nước Pháp.
Vậy là, một cuộc đời oanh liệt của hoàng hậu Nam Phương đã khép lại. Những ngày tháng buồn nhiều hơn vui. Tiền tài, của cải, vật chất, danh vọng, sắc đẹp… thoáng qua đi như bong bóng. Nhưng vẻ đẹp tâm hồn, đức hạnh của bà lại là điều sống mãi, lưu hương lại mãi, như cái tên bà hoàng hậu Nam Phương – Hương thơm từ Phương Nam…
Xin nói thêm về các câu chuyện xung quanh đức tính nhân từ được nhiều người kính nể của Nam Phương Hoàng Hậu, xin trích ra đây những thông tin của nhà nghiên cứu Lý Nhân Phạm Thứ Lang, đó là thi bá Tản Đà đã từng làm thơ tặng cho bà.
Tản Đà là một người hơi khó tính, không phải ai cũng được ông tặng thơ. Nhưng nhân dịp Nam Phương hoàng Hậu tuần du ra Bắc, Tản Đà đã đại diện sĩ phu Bắc Hà có món quà văn nghệ gửi tặng. Ông nói:
“Tôi cũng có chút tình kính mến bà Nam Phương. Vì bà là một con người sinh ra trong gia đình gia giáo, bà rất nhân từ, xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ nên tôi không nề hà gì mà không sáng tác một áng thơ để nhờ chuyển dâng tới tay bà Nam Phương”.
Suy nghĩ một vài phút rồi thi sĩ Tản Đà đề nghị: “Tôi sẽ làm một bài thơ theo thơ ca trù (hát nói, ả đào) thời kỳ cận đại”.
Rồi ông lấy giấy bút ra viết tựa đề:
Bài Hát Mừng Đức Nam Phương Hoàng Hậu Ra Tuần Du Đất Bắc
Nam Phương ngự giá Bắc tuần
Cỏ hoa vùng Bắc tin xuân đón mừng
Trâm hoa tàn quạt tưng bừng
Trời Nam quang cảnh ai từnh thấy chưa?
Năm Đinh Sửu qua Rằm tháng Chạp
Bạn quần thoa đông họp bốn trăm người
Đèn văn minh lửa sáng trưng giời
Góp ngọc nói hoa cười nghênh thánh giá
Cung duy mẫu đức nghi thiên hạ
Lạc đồ tiên nhân giáng tự trần
Bụng từ nhân thương xót kẻ bình dân
Đạo bác ái ân cần câu diễn thuyết
Hội Hợp Thiện được nghe lời khuyến thiện
Lòng hướng dương thêm kiến quyền trung quân
Bắc Nam đâu cũng thần dân.
Sau đây, xin đăng lại những hình ảnh của Nam Phương Hoàng Hậu qua các thời kỳ:
Thời thiếu nữ:
Lễ cưới và tấn phong hoàng hậu năm 1934:
Khi đã trở thành hoàng hậu:
Ảnh chụp cùng các con:
Cuộc sống lưu vong:
Bài viết được trích theo cuốn sách Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phạm Thứ Lang
Hình ảnh từ manhhai flickr
Biên soạn: Đông Kha