Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 13 – Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối

Ông Lãnh là tên cây cầu nổi tiếng ở Sài Gòn, cùng với cầu Khánh Hội và cầu Camette, là 3 cây cầu cùng bắc qua rạch Bến Nghé để nối Quận Nhứt với Quận Tư ở phía Khánh Hội hiện nay. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ nổi tiếng Sài Gòn tồn tại hơn 100 năm, bắt đầu từ thế kỷ 19.

Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Ông Lãnh, nằm bên rạch Bến Nghé năm 1955

Bên cạnh Cầu Ông Lãnh là khu chợ Cầu Muối, một thời là chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn.

Vị trí chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối trong bản đồ hiện nay

Ngày nay, cái tên Cầu Ông Lãnh còn được đặt tên cho một phường của Quận 1 Sài Gòn, trung tâm của phường là đường Nguyễn Thái Học ở đầu cầu Ông Lãnh. Ngoài ra, môt thời gian dài hồi nửa đầu thế kỷ 20, người ta còn gọi một đoạn đường ven rạch Bến Nghé (xưa là đường Bến Chương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) là đường Cầu Ông Lãnh, vì nó đi qua khu vực Cầu Ông Lãnh.

Đường Cầu Ông Lãnh thuộc tuyến đường quan trọng nối Sài Gòn với Chợ Lớn thời đầu thế kỷ 20, còn được gọi là Đường Dưới

Vào thời thế kỷ 19, đường Nguyễn Thái Học ngày nay vẫn còn là một con rạch nối từ rạch Bến Nghé đi vào bên trong (thường được gọi là rạch Cầu Ông Lãnh), theo ghi chép của Petrus Ký thì trên rạch này có một cây cầu gỗ bắc qua con rạch nhỏ này để dẫn vào một lò mổ gia súc (thường gọi là Lò Heo), được gọi là cầu Ông Lãnh. Như vậy ban đầu cầu Ông Lãnh (cũ) không bắc qua rạch Bến Nghé như hiện nay.

Nếu theo đúng lời Petrus thì cầu Ông Lãnh ban đầu nằm ở vị trí như trong bản đồ dưới đây (bản đồ Sài Gòn năm 1882)

Nói thêm về rạch Cầu Ông Lãnh, nó khởi nguồn là một con rạch từ nhiên, đi từ rạch Bến Nghé chạy quanh khu Cầu Quan – Cầu Muối – Cầu Kho, với nhiều nhánh tẽ mang tên địa phương của những cây cầu: cầu Kho (rạch Cầu Kho), cầu Muối (rạch Cầu Muối), Cầu Quan (rạch Cầu Quan)… Sau này người Pháp mở rộng rạch Cầu Ông Lãnh thì một đoạn của con rạch này trở nên thẳng tắp giống như là một con kênh đào.

Đoạn rạch Ông Lãnh lúc đã được mở rộng, được thể hiện trong bản đồ Sài Gòn năm 1878. Lúc này con rạch đã được quy hoạch để làm đường, trong bản đồ ghi là Rue projetée (quy hoạch đường), chính là đường Nguyễn Thái Học hiện nay

Sang đến thập niên 1910-1920, khi người Pháp tiến hành xây chợ Bến Thành, mở đại lộ Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo) và lấp rạch Cầu Ông Lãnh để làm thành đường Abattoir/Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học) thì họ mới xây thêm một cây cầu bắc qua rạch Bến Nghé ở khu vực cầu Ông Lãnh cũ, được gọi là cầu Ông Lãnh (cầu mới).

Khu vực cầu Ông Lãnh trong bản đồ Sài Gòn năm 1896. Khu vực ghi chữ Abattoir là Lò mổ, là khu chợ Cầu Muối sau này

Bản đồ Sài Gòn năm 1926 có vẽ rõ cầu Ông Lãnh ở vị trí mới, bắc qua rạch Bến Nghé (Arroyo Chinois). Đường Kitchener trong hình là đường Nguyễn Thái Học ngày nay

Cây cầu “mới” này được trùng tu nhiều lần, trước khi bị đập bỏ năm 2000 để xây dựng cầu Ông Lãnh hiện nay to và rộng hơn cũ.

Một số hình ảnh cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Lãnh và khu Cầu Ông Lãnh ngày xưa:

Về xuất xứ của tên gọi ông Lãnh, có nhiều giả thuyết khác nhau, trong đó giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là theo nhà bác học Petrus Ký ghi chép lại, ông Lãnh là Lãnh Binh Thăng, tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng, một võ tướng chống Pháp thời kỳ đầu tiên, từng là thuộc tướng của Bình Tây Đại Nguyên Soái – Trương Định.

Năm 1848, dưới thời vua Tự Đức, Nguyễn Ngọc Thăng được thăng chức “lãnh binh”, nên thường được gọi là Lãnh Binh Thăng.

Tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở đầu xâm lược Đại Nam khi tấn công vào Đà Nẵng. Sau 5 tháng bị cầm chân, liên quân này quyết định đem 2/3 lực lượng để đánh vô thành Gia Định, lúc đó đang được Võ Duy Ninh làm hộ đốc trấn giữ. Lãnh Binh Thăng đóng quân ở Thủ Thiêm đã đem quân ra cứu viện, nhưng do quân viễn chinh đến từ Âu Châu vượt trội về khí tài nên thành Gia Định thất thủ. Lãnh Binh Thăng đã cho quân trấn thủ ở vùng chùa Cây Mai, thời gian này ông đã cũng cố đồn lũy và cho xây một cây cầu gỗ qua rạch Bến Nghé để tiện cho việc đi lại, sau này được Pháp xây lại bằng cầu bê tông, người dân quen gọi là cầu Ông Lãnh.

Dù triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước năm 1862 để nhượng 3 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, nhưng Lãnh Binh Thăng vẫn không đầu hàng, rút quân về Gò Công rồi phối hợp với nghĩa quân Trương Định chiến đấu ngoan cường trước khi cả 2 lần lượt hy sinh vào các năm 1864 và 1866.

Nghe tin Lãnh Binh Thăng mất, vua Tự Đức có phong sắc, áo, mão và một thanh gươm. Ông được an táng ở Giồng Keo, làng Lương Mỹ, tổng Bảo Thành (nay là ấp Căn Cứ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

Từ năm 1955, thời đệ nhứt cộng hòa, ở Bến Tre có con đường mang tên Lãnh Binh Thăng. Ở Sài Gòn cũng có con đường tên Lãnh Binh Thăng ở Quận 11.

Về cây cầu mang tên Ông Lãnh, ghi chép sớm nhất là của Petrus Ký, phỏng đoán rằng “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”.

Ngay trong tấm bản đồ Sài Gòn năm 1867, chỉ 1 năm sau khi Lãnh Binh Thăng mất, có ghi chú vị trí Cầu Ông Lãnh, điều đó cho thấy có thể rằng tên cầu này được đặt ngay khi lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng còn sống. .

Bản đồ Sài Gòn năm 1867

Cũng theo ghi chép của Petrus Ký, 5 ngôi chợ nổi tiếng ở Sài Gòn là Bà Hạt (nay thuộc quận 10), Bà Quẹo (quận Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Bà Hom (Bình Tân) và Bà Điểm (huyện Hóc Môn) được đặt theo tên 5 người phụ nữ vốn là các bà vợ của Lãnh Binh Thăng.

Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.

Tuy nhiên, thông tin này không được nhiều nhà nghiên cứu tán thành. Cụ Vương Hồng Sến nói rằng nên thận trọng khi nói rằng “Ông Lãnh” và “Bà Chiểu”, Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo” là vợ chồng. Theo cụ Sển, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đàn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.

Tháng 8 năm 1864, phó đô đốc de La Grandière ký quyết định lập một ngôi chợ trên khu đất nằm bên rạch Bến Nghé, ở phía đông cầu Ông Lãnh, đó chính là chợ Cầu Ông Lãnh nổi tiếng. Theo nhà văn Sơn Nam, đến năm 1874 chợ Cầu Ông Lãnh mới xây cất xong. Nơi đây dần phát triển thành khu chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cầu Ông ãnh và chợ Cầu Ông Lãnh thập niên 1940

Ở cách không xa chợ Cầu Ông Lãnh là một khu chợ nổi tiếng khác, đó là chợ Cầu Muối.

Theo cụ Vương Hồng Sển ghi trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, khu vực mang tên Cầu Muối đã có từ thời triều Nguyễn. Từ rạch Cầu Ông Lãnh, có một nhánh rẽ khác, và có một cây cầu ván nhỏ bắc qua nhánh rẽ này để vận chuyển muối, vì vậy cây cầu nhỏ được đặt tên là Cầu Muối, và con rạch nhỏ này cũng mang tên rạch Cầu Muối.

Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc 2 bên bờ rạch, ngay bên cạnh lò mổ. Những năm cuối thập niên 1910, rạch Cầu Ông Lãnh bị lấp để làm đường thì các rạch nhỏ xung quanh (trong đó có rạch Cầu Muối) vẫn còn, nằm bao quanh khu vực lò mổ. Con đường nằm ở vị trí rạch Cầu Ông Lãnh cũ được đặt tên tên chính thức là đường Abattoir (đường Lò Mổ), sau đó đổi tên thành đường Kitchener, trước khi mang tên đường Nguyễn Thái Học từ năm 1955 cho đến nay. Có thể nhìn thấy rõ rạch Cầu Muối nằm bao quanh lò mổ trong các tấm bản đồ Sài Gòn đầu thế kỷ 20 sau đây:

Bản đồ Sài Gòn năm 1921. Lúc này rạch Ông Lãnh đã được lấp, thành đường Kitchener. Ô số 82 là Lò mổ, xung quanh khu này vẫn còn hệ thống rạch nhỏ. Đường Gallieni trong hình là đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Trong bản đồ này, vẫn chưa có cầu Ông Lãnh bẳc qua rạch Bến Nghé (kinh Tàu Hủ)

Đường Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học) và Chợ Cầu Muối xưa

Năm 1947, khu lò mổ được di dời, một số tiểu thương đang buôn bán trái cây từ miền Tây Nam Bộ lên chợ Cầu Ông Lãnh đã có sáng kiến mua rau cải đặc sản từ Đà Lạt về phân phối trên khu đất hoang của khu vực Lò Heo cũ, cũng là kho muối cũ, Cầu Muối cũ. Chợ rau này nằm ngay trên khu vực kho muối cũ, sát bên cạnh Cầu Muối cũ, nên được gọi là chợ Cầu Muối. Một thời gian dài chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối tồn tại song song và gần nhau.

Trên bảng tên chợ Cầu Muối ghi rõ chợ được thành lập chính thức năm 1947, tái thiết năm 1971 (là năm chợ bị cháy lớn)

Một số hình ảnh chợ Cầu Muối trước 1975:

Chợ Cầu Muối bị cháy cuối năm 1971

Đầu năm 1971, chợ Cầu Muối bị cháy lớn, chính quyền đã phải dùng đến trực thăng để chữa cháy. Trong các hình sau đó, có thể thấy hình ảnh máy bay quân sự lấy nước ở rạch Bến Nghé, ngay chợ Cầu Ông Lãnh, để chữa cháy cho chợ Cầu Muối:

Một số hình ảnh khác về vụ cháy chợ Cầu Muối năm 1971:

Tháng 4 năm 1999, tại chợ Cầu Ông Lãnh cũng xảy ra hỏa hoạn khiến toàn bộ khu nhà lồng chợ trái cây bị thiêu rụi. Cũng trong khoảng thời gian này, chính quyền thành phố đã có chủ trương di dời các chợ đầu mối ra ngoại thành.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận