Mả Ngụy, tên khác là Mả Biền Tru, là cái tên, dấu vết khó xóa nhòa đã tồn tại suốt gần 200 năm qua ở Sài Gòn. Trong các bản đồ Pháp vẽ thời cuối thế kỷ 19, có thể thấy cái tên “plaine des tombeaux”, nghĩa là “cánh đồng mồ mả” nằm ở hướng Tây Nam của Sài Gòn, nơi từng là Đồng Tập Trận của nhà Nguyễn.
Tác giả người Pháp Raoul Postel từng mô tả về Cánh đồng mồ mả (người Việt gọi là Mả Ngụy) như sau: “Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhất về cái nghĩa địa bao la này được gọi dưới cái tên là Đồng Mả Mồ. Đồng này trải dài bên phải của con đường chiến lược (rue strategique), từ Sài Gòn đến Chợ Lớn và bị cắt ngang qua đoạn giữa của nó bởi đường Thuận Kiều (sau là đường Lê Văn Duyệt, nay là đường CMT8), trong chiều ngược lại các chiến tuyến Kỳ Hòa (Chí Hòa), như thể tạo thành một diện tích rộng nhiều dặm vuông”.
Mả Ngụy năm xưa nằm tập trung trong các tổng Bình Trị Thượng và Bình Trị Trung thời vua Minh Mạng, vốn là một vùng đất hoang. Vùng đất này từng được Tổng Trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt cho duyệt binh trong những ngày lễ Tết, nên người dân gọi là Đồng Tập Trận.
Nhìn lại hình ảnh xưa, có thể thấy có rất nhiều mồ mả trong khu vực này, nên người Pháp gọi là “cánh đồng mồ mả”. Nơi này là vùng đất rộng lớn có những nơi là đất hoang ít cây cối, có nơi là đất trũng, thấp, với ao hồ sình lầy, có nơi đất gò mà dân chúng dùng để an táng.
Vì sao gọi là Mả Ngụy? Có ghi chép nói rằng đây là khu mộ chôn tập thể hàng ngàn nạn nhân vụ loạn Lê Văn Khôi thời vua Minh Mạng, xảy ra sau khi Tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt qua đời năm 1832.
Ngay sau đó, nhà vua quyết định xóa bỏ Gia Định Thành (tên gọi chỉ toàn bộ vùng đất phía Nam) và chia ra thành Lục tỉnh là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Sau khi chia nhỏ Gia Định Thành, vua Minh Mạng còn thay thế các quan cai trị vốn là “người địa phương” bằng các quan lại từ “miền ngoài” vào. Không chỉ vậy, vua còn nghe theo lời gian thần nên truy tội của khai quốc công thần Lê Văn Duyệt. Các quần thần đã tìm ra 7 trọng tội để bắt Lê Văn Duyệt thọ hình bằng cách “xiềng mả” tại Gia Định, đồng thời bắt gia đình ông chịu tội.
Về nguyên nhân việc xử tội này, có người nói rằng do vua Minh Mạng có tư thù với Tả quân Lê Văn Duyệt, vì trước đó Lê Văn Duyệt từng không ủng hộ Minh Mạng lên ngôi, rồi xử tử cha vợ vua là Huỳnh Công Lý vì tội tham những dù đã có chiếu chỉ đưa về kinh. Khi còn sống, Tả quân Lê Văn Duyệt có uy quyền quá lớn, là vua một cõi ở Nam kỳ nên cả vua Minh Mạng cũng không dám đụng tới, chỉ dám truy tội sau khi Tả quân qua đời.
Người được lệnh vua thi hành án này là Bạch Xuân Nguyên, người bên họ ngoại của vua Minh Mạng, được học giả Trần Trọng Kim nhận xét là “tham lam, tàn ác”. Không chỉ truy tội Tả quân Lê Văn Duyệt, Bạch Xuân Nguyên còn cho “bắt vợ con và những thủ hạ thân tín của Tả quân”.
Chính vì lý do đó mà con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi quyết định khởi binh chống lại triều đình, sử gọi là loạn Lê Văn Khôi.
Khi còn sống, Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt được đa số người dân ở Gia Định Thành kính trọng và yêu mến vì đã có công mang lại sự yên lành cho vùng đất này, lân bang có dòm ngó tới thì cũng rất nể sợ ông. Vì vậy hành đông truy trội của nhà vua đã động tới lòng yêu mến Đức Thượng Công của người dân Gia Định, nhiều người đã theo ủng hộ Lê Văn Khôi.
Sau khi chiếm được thành Phiên An (tức thành Quy được xây thời vua Gia Long, ở vùng Sài Gòn – Gia Định sau này), Lê Văn Khôi xử tử các quan triều đình sai tới. Vương Hồng Sển ghi: Sau khi báo được cừu lớn, trả hờn cho Tả quân, thì bọn Khôi, Hoành, Trắm đều lên lưng voi rong ruỗi, định về quê cũ là xứ Bắc… Nhưng dân tình hãy còn mến đức Tả quân, chạy theo xin đừng bỏ chúng. Vì vậy, Khôi quày đầu voi trở lại, từ đấy mới làm phản thật sự: đoạt thành, thượng cờ đỏ đều 2 chữ Chiêu An, ngày 22/5/1833, tự xưng Bình Nam Đại nguyên soái và phong cho các tướng lãnh (trích Sài Gòn Năm Xưa).
Như vậy, theo Vương Hồng Sển, không phải Lê Văn Khôi mang ý làm phản từ đầu mà chỉ muốn trả thù cho cha nuôi, rồi dưới áp lực của dân chúng nên mới phản lại triều đình. Để có chính nghĩa, Lê Văn Khôi đã lấy danh nghĩa “ủng hộ hoàng tôn Đán” (tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con trai của Hoàng từ Cảnh – đích tôn của vua Gia Long).
Chỉ chưa đầy 1 tháng, Lê Văn Khôi đã chiếm được cả Lục tỉnh Nam kỳ. Việc này chứng tỏ lòng dân thuận theo Lê Văn Khôi, và trong hàng ngũ binh lính triều đình cũng có nhiều người không phục vua Minh Mạng.
Sau khi bị mất kiểm soát ở cả 6 tỉnh Nam Kỳ, vua Minh Mạng điều quân vào dẹp loạn. Đạo thứ nhất do Phan Văn Thúy làm Thảo nghịch hữu tướng quân, Trương Minh Giảng làm tham tán, đi đường bộ từ Khánh Hòa vào Biên Hòa. Đạo quân thứ 2 do Tống Phúc Lương làm Thảo nghịch tả tướng quân và Nguyễn Xuân làm tham tán, theo đường thủy thẳng vào Vĩnh Long, Định Tường rồi tiến quân lên Phiên An. Đạo quân thứ 3 do Trần Văn Năng làm Bình khấu tướng quân cùng Lê Đăng Doanh và Nguyễn Văn Trọng làm tham tán, đi đường thủy tới Cần Giờ phối hợp với 2 đạo quân kia. Cả 3 đạo quân có khoảng 1 vạn người, tương đương 1 sư đoàn hiện nay.
Tại Phiên An, Lê Văn Khôi bố trí 21 voi chiến, 20 thuyền ở bến Tân Khai, các súng lớn nhỏ trên thành, đóng chặt các cửa thành Quy, chỉ để lại một cửa để ra vào và một lực lượng khác di động bảo vệ hành lang Phiên An – Biên Hòa. Ngoài ra, Lê Văn Khôi cũng có một quyết định có lẽ là sai lầm lớn nhất, đó là cắt đôi đất Nam kỳ, giao cho Thái Công Triều quản lĩnh một nửa. Thái Công Triều vốn là một tướng giỏi của Lê Văn Khôi, trực tiếp đánh chiếm Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Khoảng trung tuần tháng 7 năm 1833, cả ba đạo đại quân xuất phát từ Huế đã đến Gia Định. Thấy lực lượng binh triều đông đảo, địa chủ và phú hào các nơi đều dao động, vốn ủng hộ Lê Văn Khôi nhưng lần lượt quay về với triều đình.
Suy tính thiệt hơn, Thái Công Triều bèn đầu hàng triều đình, rồi dẫn quân đi đánh lại Lê Văn Khôi, lấy lại các tỉnh thành mà trước đây ông đã chỉ huy chiếm được. Vì vậy phiến quân nhanh chóng suy yếu rồi thất bại.
Lê Văn Khôi lui về cố thủ trong thành Phiên An, cho “lấp kín các cửa thành, đắp lũy, che ván bảo vệ kho súng và nơi trú ẩn của các thủ lĩnh” đồng thời tăng cường hỏa lực trên các mặt thành.
Tháng 8 năm 1833, quân triều đình bao vây thành, đến ngày 27/8/1833 mở cuộc tấn công đầu tiên dưới sự thúc giục của vua Minh Mạng. Trước sự chống trả quyết liệt của phiến quân, binh triều bị tổn thất nặng nề, chiến sự giằng dai. Đến cuối năm 1833, Lê Văn Khôi bị qua đời vì bệnh phù thủng, con trai là Lê Văn Câu mới 8 tuổi được tôn làm Nguyên soái, thực quyền thuộc về Nguyễn Văn Trắm.
Sang năm 1834, điều kiện sinh hoạt của phiến quân bên trong thành bắt đầu gặp nhiều khón khăn, nhiều người ra hàng. Nhờ vậy quân triều đình nắm được tình hình bên trong thành nên tăng cường bắn phá vào thành, đồng thời “cử một số dũng sĩ bí mật giám sát bốn phía ngoài thành, ngăn không cho bên trong vượt thành”.
Cái chết của Lê Văn Khôi làm lực lượng suy yếu nhanh chóng, nhưng vẫn đủ sức chống cự quyết liệt suốt 2 năm sau đó. Cuối tháng 3 năm 1834, một số chỉ huy phiến quân bị dao động mạnh, đồng thời Nguyễn Văn Trắm bị trúng phong bại liệt không đi được. Thừa cơ đó, quân triều đình đánh tổng lực, nhưng vẫn chịu thất bại với nhiều tổn thất vì bị chống cự. Từ đó về sau, binh triều còn tổ mở gần chục trận tấn công nữa nhưng đều không thành công. Mãi đến ngày 16/7/1835, với 8 mũi tấn công, quân triều đình mới hạ được thành Phiên An, bắt 1832 người, gồm quản lĩnh cho đến người nhà gồm cả già trẻ.
Những người cầm đầu gồm Nguyễn Văn Trắm, Lê Bá Minh, Đỗ Văn Dự, Lưu Hằng Tín, Phú Hoài Nhơn, Lê Văn Viên (con của Lê Văn Khôi) bị đem giam vào củi sắt giải về kinh thành Huês. Sau khi bộ xẻt, đem gộp những người này với vợ cả vợ lẽ, con trai, con gái của Lê văn Khôi đều đem lăng trì vứt xác xuống sông.
Số còn lại gồm những người hùa theo, không kể đàn ông đàn bà, người già trẻ con, tra rõ quê quán rồi áp giải ra ngoài Đồng Tập Trận ở ngoại thành Gia Định cho xử tử. Chọn một khoảng đất sau thành vài dặm, đem xác ném hết vào hố lớn, lấp đất lên, xếp đá làm gò, dựng bia ghi là “nghịch tặc biền tru xứ” (chỗ bọn giặc chum đầu bị xử tử). Cái gò này sau là Mả Ngụy, hay Mả Biền Tru.
Riêng với Lê Văn Khôi thì đem đào lấy xác băm ra lấy xương giã nhỏ, đem chia 6 tỉnh ném vào hố xí, thịt nấu cho chó ăn, thủ cấp thì chặt ướp muối giải về kinh để bêu khắp chợ.
Nhiều tài liệu cho biết số người bị chôn vùi ở Mả Ngụy khoảng 1200-1800 người. Trong cuốn Địa lý lịch sử TpHCM in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 1, phần lịch sử), Mả Ngụy được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu xác định khoảng gần Mô Súng, tức Ngã sáu Công trường Dân Chủ ngày nay.
Ngoài ra, còn một số ý kiến khác về vị trí Mả Ngụy được học giả Vương Hồng Sển dẫn lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa, dưới phần cước chú có nêu lời của cụ Minh Tải Đặng Văn Ký ở Gò Vasp như sau:
Mả Ngụy Khôi chỗ ngã tư (Verden cũ) Lê Văn Duyệt (nay là CMT8) và Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), khoảng bệnh viện Bình Dân. Từ đường Lê Văn Duyệt vào Chợ Lớn, Mả Ngụy nằm mé tay mặt.
Còn trong cuốn Gia Định xưa xuất bản năm 1973, tác giả Huỳnh Minh cho biết:
Chúng tôi đã dò hỏi, theo các cố lão ở Gia định ngày nay, có vị còn sống lên tới 80-90 tuổi kể lại. mả Ngụy ngày xưa chôn một hầm cả đôi ba trăm xác, không khác nào đời Võ Tắc Thiên đời Đường chôn dòng họ Tiết ở Thiết khưu Phần. Có nhiều hầm chôn tập thể rải rác ở nhiều nơi, chúng tôi may mắn được một cố lão dẫn đến chỉ các nơi Mả Ngụy:
- Trước rạp Đại Đồng đường Cao Thắng một chỗ.
- Trong cuộc đất vườn bà Lớn đường Phan Thanh Giản (bà Lớn này là vợ Tổng Đốc Phương, ở đường Điện biên Phủ ngày nay).
- Nơi vòng rào Viện Hóa Đạo Thống Nhất đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2).
Đó là những nơi gọi là Mả Ngụy, và cũng nghe nói còn một đôi nơi ở vùng Thủ Đức, và đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt), nhưng chúng tôi đến đó tìm không thấy dấu tích gì cả.
Ngoài ra còn có ý kiến của ông Lê Văn Phát trong quyển Khảo về Tả quân Lê Văn Duyệt (xuất bản năm 1924 tại Sài Gòn) cho biết Mả Ngụy ở gần trường đua ngựa cũ, thuộc làng Chí Hòa, tại góc đường Thuận Kiều (nay là Cách Mạng Tháng Tám) và Général Lizé (nay là đường Điện Biên Phủ).
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, song nhìn chung Mả Ngụy cũng chỉ quanh quẩn ở khu vực Ngã Sáu Công trường Dân Chủ – giới hạn bởi 3 con đường Cách Mạng Tháng 8, 3 tháng 2 và Điện Biên Phủ.
Sự biến Lê Văn Khôi với kết cục gần 2.000 người bị xử tử (trong khi dân số Sài Gòn lúc bấy giờ còn ít ỏi), chôn cùng một chỗ đã gây kinh hãi cho người dân thành Gia Định suốt một thời gian dài. Khu vực Đồng Tập Trận thường được nhắc lại như một vùng đất của oan hồn, không ai dám bén mảng, dần trở thành một vùng rừng cây rậm rạp rộng lớn giữa trung tâm Gia Định.
Đến tận ngày nay nhiều người già vẫn còn truyền miệng mấy câu thơ về sự biến này:
“Chiều giông Mả Ngụy cũng giông
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
Sống thời gươm bén cầm tay
Chết thời một sợi lông mày cũng buông
Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn…”
Nguyên nhân là mỗi khi trời chạng vạng, lập lờ giữa ánh sáng và bóng tối, do có nhiều cây cối rậm rạp, hoang vu nên cả khu vực Mả Ngụy mờ đục như bị phủ một lớp sương. Người xưa đồn đại đó là vong hồn của gần 2.000 người bị chôn tập thể, bắt đầu trồi lên để sống phần của người cõi âm.
Mả Ngụy đã trở thành một cánh đồng mồ mả lớn tồn tại hơn 100 năm rồi biến mất trong quá trình đô thị hóa của Sài Gòn. Ngày nay, chỉ còn lác đác vài ngôi mộ ô được nằm lẩn khuất trong các khu dân cư.