Saigon ngày xưa có một vùng mang tên Chợ Đũi, đó là khu vực nằm giữa các trục đường Phạm Ngũ Lão, Hồng Thập Tự, Cống Quỳnh và Lê Văn Duyệt (ngày nay là CMT8) và Phan Văn Hùm (nay là Nguyễn Thị Nghĩa). Trong khu vực này có một họ đạo mang tên “họ đạo Chợ Đũi”, thành lập năm 1859, với ngôi nhà thờ được nhiều người quen tên là nhà thờ Huyện Sỹ, do đại phú gia Lê Phát Đạt hiến đất và 1/7 gia sản để xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Ông Lê Phát Đạt có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ, là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu. Ông từng làm quan cấp huyện nên còn được gọi bằng cái tên Huyện Sỹ.
Cái tên Chợ Đũi bắt nguồn từ việc khu vực này từng có một ngôi chợ chuyên bán loại vải đũi, là loại vải thô được làm từ kén của tơ tằm. Trong quá trình dệt tơ lấy lụa, những sợi tơ to thô sẽ được dùng làm vải đũi, phần còn lại sẽ dùng làm dệt lụa. Sợi vải đũi nhìn bề ngoài hơi giống loại vải linen, nhưng thực ra 2 loại khác nhau, vì vải đũi là từ tơ tằm tự nhiên, còn linen được dệt từ sợi flax, là loại cây bản địa mọc ở các nước Châu Âu.
Trước 1975, khi nhắc đến Chợ Đũi thì người ta nghĩ đến khu vực đường Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp (nay là CMT8 – Võ Văn Tần), đối diện rạp Nam Quang. Ngoài ra thì trong bản đồ vẽ năm 1883, có thể thấy chợ Đũi nằm gần góc đường Chasseloup Laubat – Thuận Kiều, sau 1975 đổi tên đường thành Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng 8.
Nhìn lại các tấm bản đồ xưa vào đầu thế kỷ 20, cũng ngay gần góc đường này có ghi một ngôi chợ mang tên là chợ Phú Thạnh. Chợ Đũi có phải là chợ Phú Thạnh hay không thì đến nay không có ai biết rõ, vì ngôi chợ mang tên Chợ Đũi là một trong những ngôi chợ xưa nhất của Sài Gòn, và từ lâu đã không còn.
Cũng có người cho rằng Chợ Đũi còn mang một cái tên khác là Chợ Điều Khiển. Trong Cổ Gia Ðịnh phong cảnh vịnh xuất bản 1882, học giả Petrus Ký có nhắc đến Chợ Ðiều Khiển như sau: “Dù võng nghênh ngang chợ Ðiều Khiển, Quan quân rầm rập cầu Khâm sai”, phần chú giải ghi: “Chợ Ðiều Khiển thân ở trong Chợ Ðũi, đường vô Chợ Lớn, nguyên trước có quan điều khiển ở đó”. Theo bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi chú tên chợ này.
Tuy nhiên có vẻ như Chợ Điều Khiển là một ngôi chợ khác nằm trong khu vực rộng lớn mang tên là khu Chợ Đũi, kéo dài từ Vườn Tao Đàn sang tới Ngã 6 Sài Gòn (nay là Ngã 6 Phù Đổng), bao gồm cả ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho cũ (nay là công viên 23/9) và ngôi nhà thờ nổi tiếng mang tên Nhà thờ Chợ Đũi (Nhà thờ Huyện Sỹ) ngày nay nằm ở đường Tôn Thất Tùng (đường Bùi Chu cũ).
Khoảng năm 1859, vì thời cuộc, khoảng hơn 1000 giáo dân di cư từ Đàng Ngoài vào phía Tây Nam của thành Gia Định (thành Phụng) để sinh sống ở xung quanh Chợ Đũi, nên khi thành lập họ đạo thì đã lấy luôn tên là Chợ Đũi.
Vì số giáo dân khá đông, Giám mục Dominique Lefèbvre (Đức Cha Ngãi) đã dựng một nhà thờ bằng lá tại đây vào khoảng năm 1862, đến khoảng năm 1885 thì thay bằng một nhà thờ bằng ngói.
Năm 1900, nhà thờ ngói bị hư hỏng nặng, họ đạo Chợ Đũi được ông bà Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt) hiến tặng một khoản tiền lớn để xây dựng nhà thờ mới, khánh thành năm 1905 và vẫn còn đến ngày nay. Người ta thường gọi đây là Nhà thờ Chợ Đũi, hay là Nhà thờ Huyện Sỹ.
Nhà thờ Chợ Đũi được xây theo kiến trúc Gothic, là một trong số hiếm công trình sử dụng vật liệu đá granit Biên Hòa ở mặt tiền. Đó vốn là loạt đá rất cứng, nên đằng trước Nhà thờ không có các chi tiết trang trí truyền thống như thường thấy.
Ban đầu, nhà thờ nằm trên con đường mang tên Frère Guilleraut, đến 1955 đổi tên đường thành Bùi Chu (tên của giáo phận nổi tiếng liên quan mật thiết đến lịch sử hình thành Công giáo tại Việt Nam), sau 1975, đường mang tên là Tôn Thất Tùng.
Ông Huyện Sỹ – Lê Phát Đạt qua đời năm 1900, khi mà nhà thờ vẫn chưa được xây dựng xong. Đến năm 1920, bà Huyện Sỹ là Huỳnh Thị Tài qua đời, người ta đưa cả hai ông bà an táng ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ này. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày.
Đối diện bên phải là tượng bà Huyện Sỹ với tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà.
Có lẽ là cũng nhờ Họ đạo Chợ Đũi và Nhà thờ Chợ Đũi này nên cái tên này vẫn còn nhớ cho đến tận ngày nay, dù ngôi chợ mang tên Đũi từ lâu đã không còn, và khu vực Chợ Đũi rộng lớn nằm ở ngày trung tâm Sài Gòn, ngày nay cũng đã không còn ai gọi là Chợ Đũi nữa, dần dần khu vực Chợ Đũi bị thu hẹp lại. Trước 1975, khi nhắc đến Chợ Đũi thì người ta nghĩ đến khu vực đường Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp, đối diện rạp Nam Quang, nơi có nhiều hàng quán rất ngon phục vụ giới bình dân Sài Gòn xưa.
Ngày nay, dấu tích xưa duy nhất còn lại liên quan đến cái tên Chợ Đũi là bức tường có ghi chữ Ecole Maternelle De ChoDui, tức là trường mầm non Chợ Đũi, trước 1975 là trường nữ tiểu học Phan Văn Trị, ngày nay là trường Ernst Thälmann.
Dấu tích này nằm trên bức tường phía sau trường, phía mặt đường Phạm Ngũ Lão, tuy nhiên dòng chữ này cũng đã bị mất từ lâu, chữ còn lại vết hằn ở trên tường.
Bài: Đông Kha (chuyenxua.net)