Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, có nhiều danh nhân mà vai trò và công – tội của họ đến nay vẫn còn có nhiều sự tranh cãi, tiêu biểu nhất trong số đó là nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký (thường được biết đến với tên Petrus Ký, trong đó Petrus là tên thánh của ông).
Trong cuốn sách Trương Vĩnh Ký – Nỗi Oan Thế Kỷ, hai nhà sử học có thể xem là hàng đầu Việt Nam là Phan Huy Lê và Nguyễn Đình Đầu đều tỏ ra thông cảm cho sự “theo Pháp, hợp tác với Pháp” của Petrus Ký, và dẫn lại một câu được xem là triết lý (hoặc tôn chỉ) sống của Petrus Ký lúc sinh thời, đó là “ở với họ nhưng không theo họ”. Câu nói này được diễn giải rằng Petrus Ký đã tự biện minh cho việc ông hợp tác với Pháp (cụ thể là làm thông ngôn cho Pháp ngay từ khi quân Pháp xâm lược Nam kỳ), nhưng vẫn giữ được tinh thần dân tộc, “không theo Pháp” trong nhiều trường hợp: Ông từ chối lời mời nhập quốc tịch Pháp, không bao giờ khúm núm rụt rè trước sĩ quan Pháp, thậm chí nhiều lần ra yêu sách với họ, gửi thư cho vua Đồng Khánh bàn cách đối phó với Pháp. Đặc biệt, là một trong những người Việt đầu tiên làm nghề xuất bản, ông sưu tầm và cho in rất nhiều tác phẩm mang tư tưởng chống Pháp như Cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh, Trung Nghĩa Ca, Hịch Văn Thân…, trong đó Pháp được gọi là “giặc”, nhắc đến “lũ Tây” như là những thứ quỷ ma kinh hồn (dù vậy chính quyền thực dân vẫn cấp giấy phép xuất bản các ấn phẩm này).
Ngoài ra, tinh thần dân tộc ở Petrus Ký còn thể hiện ở ngay vẻ bề ngoài, ông luôn xuất hiện với trang phục áo dài khăn đóng cổ truyền, chứ không phải là đồ Tây đồ Tàu như nhiều người khác.
Đó là những sử liệu đã được xác thực và không có sự tranh cãi nào. Tuy nhiên về câu nói “ở với họ nhưng không theo họ” của Petrus Ký, dù từ trước đến nay hầu như đã được tất cả các nhà sử học lớn mặc nhiên thừa nhận, nhưng mới đây, tác giả Phan Đào Nguyên đã đưa ra những nghi vấn dựa theo những nghiên cứu của mình.
Trước tiên, có một điều cần làm rõ là Petrus Ký chưa từng nói câu Tiếng Việt nào như vậy, và câu nói “ở với họ nhưng không theo họ” đã được trích dẫn ở nhiều bài viết về Petrus Ký chính là bản dịch lại từ câu bằng tiếng latin, nguyên văn là: “Sic vos non vobis”, xuất hiện trong bức thư Petrus Ký gửi cho một người bạn là bác sĩ Alexis Chavanne vào tháng 10 năm 1887. Nguyên văn đoạn thư như sau:
“…. Unum et unicum quaero, esse scilicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis … Haec est mea sors et consolatio.”
Người đầu tiên công bố bức thư này và dịch ra tiếng Việt là tác giả Khổng Xuân Thu năm 1958 trong cuốn sách Trương Vĩnh Ký 1837-1898, điều đáng nói, có vẻ như Khổng Xuân Thu đã dịch sai ý nghĩa câu “Sic vos non vobis” sang tiếng Việt. Tuy nhiên cái sai mang tính mấu chốt này lại trở thành nguồn sử liệu cho các nhà sử học thế hệ sau tham khảo.
Sau đây là bản dịch của Khổng Xuân Thu: “Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm, là có ích đúng như câu châm ngôn La tinh: Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ). Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi.”
Và bản dịch lại của Phan Đào Nguyên: “Điều duy nhất mà tôi theo đuổi là làm sao thành có ích, tuy phải nói thêm rằng: (ích lợi đó) không phải cho tôi. Đó là số phận và là niềm an ủi của tôi.”
Câu hỏi đặt ra là làm sao để biết bản dịch nào mới là chính xác, là đúng với ý của Petrus Ký năm xưa? Mấu chốt của vấn đề là ở câu châm ngôn latin “Sic vos non vobis” bị dịch khác nhau.
Nếu dịch theo nghĩa đen, word by word thì “Sic vos non vobis” nghĩa là “So do you” (bạn cũng vậy), khá tối nghĩa.
Ngày nay, với công cụ google, tác giả Phan Đào Nguyên dễ dàng tra cứu tính đa nghĩa của câu châm ngôn này hơn hẳn so với thời của ông Khổng Xuân Thu. Sau đây là bài nghiên cứu của Phan Đào Nguyên về câu nói: “Sic vos non vobis”:
Theo truyền thuyết, Virgil, vào khoảng năm 41 trước Công Nguyên, lúc đã nổi tiếng, có làm hai câu thơ để ca ngợi hoàng đế Caesar Augustus (cháu của Julius Caesar), và để hai câu thơ đó trước cổng cung điện của Augustus vào một đêm mưa trước một ngày lễ hội của ông ta như sau:
Nocte pluit tota; redeunt spectacula mane:
Divisum imperium cum Jove Caesar habet.
Tạm dịch:
Trọn đêm mưa bình minh cùng lễ hội
Quyền Caesar chia sẻ với thần Jove
Vì là một người khiêm nhường, Virgil đã không viết tên mình là tác giả hai câu thơ. Sau khi đọc được hai câu này, hoàng đế Augustus rất thích thú và quyết tìm cho ra tác giả. Tuy nhiên, Virgil vẫn không nhận là của mình.
Cho đến khi một nhà thơ khác tên là Bathyllus thừa cơ hội nhận là của mình và được Augustus khen thưởng thì Virgil mới tức mình viết thêm những câu sau đây trên cánh cổng cung điện, trong đó ông cố tình để trống phần sau của 4 câu có “sic vos non vobis”:
Hos ego versiculos, tulit alter honores:
Sic vos non vobis, …
Sic vos non vobis, …
Sic vos non vobis, …
Sic vos non vobis, …
Tạm dịch:
Tôi làm thơ, nhưng kẻ nào hưởng lợi
Chẳng vì mình,…
Chẳng vì mình,…
Chẳng vì mình,…
Chẳng vì mình,…
Thắc mắc không biết ai viết những câu trên, Augustus ra lệnh cho Bathyllus làm tiếp phần để trống, nhưng Bathyllus không làm được. Đến lúc đó Virgil mới ra mặt và hoàn tất các câu bỏ trống như sau:
Hos ego versiculos, tulit alter honores:
Sic vos non vobis nidificatis aves;
Sic vos non vobis vellera fertis oves;
Sic vos non vobis mellificatis apes;
Sic vos non vobis fertis aratra boves.
Tạm dịch:
Tôi làm thơ nhưng kẻ nào hưởng lợi
Chẳng vì mình, lũ chim làm tổ mới
Chẳng vì mình, đàn cừu phải mang lông
Chẳng vì mình, làm mật những đàn ong
Chẳng vì mình, giống trâu bò cày cấy
Rồi sau đó thì trắng đen rõ ràng, Virgil càng được Augustus mến trọng hơn.
Đó là nguồn gốc của câu ngạn ngữ “Sic vos non vobis”, nghĩa là “chẳng vì mình”, mình làm việc nhưng chẳng làm lợi gì cho mình, mà làm cho người khác, như là lũ chim yến làm tổ cho con người tẩm bổ, như đàn cừu mọc lông để làm ấm cho con người, như ong làm mật cho con người, và lũ trâu bò kéo cày, dĩ nhiên là cũng cho con người mà thôi.
Sau đó, theo thời gian, “sic vos non vobis” từ nguồn gốc ở những câu thơ của Virgil đã thường được dùng để chỉ trường hợp là một người làm nhưng bị người khác hưởng lợi, nhất là trong hoàn cảnh bị đạo văn như Virgil. Một trường hợp khác là một người làm điều lợi cho người khác chứ không cho chính mình.
Và nghĩa chính xác của “sic vos non vobis” sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh mà nó được sử dụng. Có thể thấy câu ngạn ngữ này hoàn toàn không có trường hợp nào có thể được dịch ra là “ở với họ mà không theo họ” như các bài tiếng Việt đã viết.
Vì vậy, câu nói của Petrus Ký, hoàn toàn có thể dịch là: Không vì mình, mà là vì mọi người, như là một câu châm ngôn sống của ông. Những điều ông làm, không phải là lợi cho mình, mà là để cống hiến cho xã hội, cho dân tộc. Di sản lớn nhất của ông để lại chính là phát triển và phổ biến chữ Quốc Ngữ từ những phát minh ban đầu của các giáo sĩ người phương Tây.
Petrus Ký được xem là có tài năng vượt thời đại. Đọc lại những lá thư mà ông gửi bạn bè ngoại quốc năm mới 20-21 tuổi đã thấy tầm nhìn hơn người của ông. Petrus Ký thông thạo 25 ngoại ngữ, trong đó có 11 ngôn ngữ phương Đông. Ông đã để lại cho đời hơn 100 bộ sách giá trị, những tác phẩm chính là Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi năm 1875, Chuyện đời xưa, Sử ký An Nam, Sử ký Trung Quốc, Giáo trình địa lý Nam kỳ, Pháp-Việt từ điển, Việt-Pháp từ điển. Năm 1865, ông làm chủ biên tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo.
Dù tài năng như vậy, nhưng ông bị nhiều nhà nghiên cứu, nhà lịch sử đương thời chỉ trích, và phủ nhận tất cả thành tựu của ông, trong đó có công lao lớn trong việc phổ biến chữ quốc ngữ, với lý do là ông đã làm việc cho Pháp. Việc Petrus Ký đã hợp tác với quân xâm lược thì không ai có thể phủ nhận, tuy nhiên bên cạnh đó cũng nên nhìn lại đôi nét về thân thế của Petrus Trương Vĩnh Ký.
Ông sinh năm 1837 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, năm 1845 được vào tiểu chủng viện Cái Nhum học với linh mục Henri Borelle. Năm 1849, học với linh mục Charles-Émile Bouillevaux. Năm 1850, đi cùng linh mục Bouillevaux sang học tại chủng viện Pinhalu bên Cao Miên. Năm 1851, được nhận vào học ở đại chủng viện Penang (Poulo Pinang, Pulau Penang) tại Malaysia. Năm 1858, ông về lại quê nhà để tang mẹ, đó cũng là thời gian Pháp bắt đầu xâm chiếm Đại Nam.
Như vậy, Petrus Ký là một người công giáo, từ khi 7 tuổi được gần gũi với những linh mục phương Tây, khi 13 tuổi đã rời quê hương để xuất ngoại. Việc hợp tác với người Pháp sau này cũng theo tiến trình tự nhiên đó. Ngoài ra cũng xin nói thêm rằng thời điểm Pháp xâm lược Đại Nam, triều đình nhà Nguyễn – vua Tự Đức đang có chủ trương bài công giáo gắt gao, nên những giáo dân như Petrus Ký phải có những cuộc hành trình chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quan quân triều đình, từ quê nhà Cái Mơn lên tới Sài Gòn để nhờ sự che chở của Nhà thờ, điều này được ông kể lại khá chi tiết trong lá thư gửi cho bạn học ở Penang năm 1859 (được công bố trong sách của giáo sư Nguyễn Đình Đầu, sau đây xin gọi tắt là “thư Penang”). Trong hoàn cảnh đó, Petrus Ký không có nghĩa vụ phải trung thành với nhà Nguyễn như những nhà trung quân ái quốc đương thời khác.
Vì vậy, việc Petrus Ký bị lên án khi hợp tác với thực dân Pháp, xin xét đến những khía cạnh khác nữa, đó là khi làm những việc đó, ông có gây hại gì tới đồng bào của mình hay không?
Trong một bức công thư gửi đô đốc Pháp để báo cáo tình hình chính trị ở Bắc kỳ trong chuyến đi của ông vào năm 1876, Petrus Ký đã thể hiện quan điểm (đáng bị lên án) rằng “Pháp là đồng minh xuất chúng”, tin tưởng vào sự “bảo hộ” của Pháp để “nâng đỡ” An Nam, nhưng đồng thời ông cũng đã chỉ trích mạnh mẽ những kẻ chèn ép dân lành, dù đó là quan lại hay là chức sắc Công giáo. Điều đó thể hiện rằng ông luôn đau xót cho hoàn cảnh của người dân:
“trên thực tế, tôi luôn cảm thấy nhức nhối vì tấn thảm kịch mà nhân dân Bắc Kỳ bất hạnh đang phải gánh chịu… tôi cho rằng, họ không đáng phải chịu bất hạnh hơn bất cứ dân tộc nào khác”.
“Những khoản thu nhập lớn nhất của họ (quan lại) được trích ra từ thu nhập của các quan trên và nhờ vào các khoản tô thuế bất thường trong việc cấp các loại giấy phép dưới quyền của họ.
…
việc trích thu này hoành hành trên mọi cấp bậc, từ quan nhất phẩm đến chức vụ bé mọn nhất, mối người lại tư lợi tùy theo khả năng của họ. Đến mức đó đã trở thành một lể thói cướp đoạt không khoan nhượng đối với bất cứ ai, dù là quan lại, nhân sĩ, đốc lý, thân hào, người thân cận hay bè bạn của nhận vật quan trọng nào đó. Kẻ trục lợi nhớn nhác vì lợi nhuận giấu giếm, thương nhân nhớn nhác vì buôn bán lén lút. Người làm kỹ nghệ nhớn nhác vì nghiệp kỹ nghệ, bởi lẽ gia sản của tất vả bọn họ đều rơi vào túi tham của cả hệ thống quan quyền.Trong thời gian đó, số lượng lớn người thất nghiệp, thợ nghề, người làm công, nông dân rên xiết trong nghèo đói cơ cực và phải sống qua nhiều ngày không cơm ăn, không việc làm. Trong khi đói nghèo lên đến cực điểm thì khắp nơi người ta yêu cầu cải cách và một chế độ quản lý có khả năng duy trì trật tự, mang lại tương lai cho dân chúng, bảo đảm quyền sở hữu, bảo vệ và tạo điều kiện hoạt động cần thiết cho kỹ nghệ và thương nghiệp, giải quyết nhanh chóng tình trạng mục ruỗng và nạn đói đang đè nặng nhân dân.”
Khi làm việc cho Pháp, cụ thể là công việc phát hành báo chí, điều dĩ nhiên là Petrus Ký quan tâm đến lợi ích của người Pháp, nhưng lợi ích đó phải không xung đột với lợi ích của người An Nam, không muốn đồng bào của mình trở thành những kẻ nhược tiểu, như lời sau đây của ông:
“Về phần mình, tôi chỉ chuyên chú vào những ấn phẩm nào mà theo tôi là có thể góp phần đem lại lợi ích cho cả người Pháp và người An Nam đang cùng chung sống, và tôi tự lãnh lấy nhiệm vụ thắt chặt mối quan hệ này bằng sự hiểu biết, khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên nhanh chóng và hấp dẫn; tôi hy vọng rằng rồi họ sẽ yêu mến lẫn nhau…”
Thêm nữa, trong một cuốn bản thảo viết tay của Petrus Ký đóng dấu Cơ Mật Viện đề ngày 15/4/1886 có một bài viết đầu đề là “Trương-Vương Vấn Đáp” đề cập đến một cuộc trao đổi chính kiến giữa Petrus Ký (Trương) và Đồng Khánh (Vương). Theo bài viết đó, cách giải quyết cho tình hình chính trị của Việt Nam mà Petrus Ký đề nghị với Đồng Khánh là như sau:
“ngoài thì xử trí đối với ngoại quốc cho êm, trong thì đâu đó cho bằng yên, nhân dân an cư lạc nghiệp thì là gốc, ấy là hữu nhân, ấy là đắc chúng”.
Tương tự, năm 1887, sau khi đã về lại Sài Gòn và dù không còn làm trong Cơ Mật Viện, Petrus Ký vẫn gởi cho Đồng Khánh một tập tấu 24 điều, trong đó có điều 23 như sau:
” … Lo làm sao cho dân siêng năng làm giàu, không để người Pháp làm gầy nước ta, thu phục lòng dân ta, thời cái chính sách tự cường há chẳng nghiêm du?”
Thậm chí khi viết cho người bạn Pène Siefert vào tháng 4 năm 1886 với những nhận xét về vua Đồng Khánh, Petrus Ký vẫn cho ta thấy sự quan tâm của ông với người dân:
“Sống giữa những người dân, ông ta (vua Đồng Khánh) bằng sự quan sát của mình đã có thể thông cảm được tình trạng khốn khổ của dân chúng trong nước”.
Theo nhận xét của tác giả Phan Đào Nguyên, qua những câu viết này, và qua những việc làm của Petrus Ký, những người mà ông quan tâm đến là xã hội của người dân An Nam, là đồng bào của ông, chứ không phải là triều đình Huế hay chính phủ thuộc địa Pháp. Mục đích tối hậu của ông luôn luôn là làm cho đời sống của người dân hay xã hội An Nam của ông tốt đẹp hơn.
Gần đây, những người lên án Petrus Ký đã vin vào một lá thư giả mạo (ký tên là Petrus Key, sau đây xin gọi tắt là “thư Petrus Key”), viết vào khoảng tháng 3 năm 1859 cầu cứu người Pháp vì ông bị triều đình truy đuổi sau khi về nước để tang mẹ. Họ (những người chỉ trích Petrus Ký) nói rằng đó là bằng chứng cho việc ông đã kêu gọi quân đội pháp xâm lăng Đại Nam. Tuy nhiên bằng một số sự so sánh với bức thư Penang (đã được nhắc đến ở trên) cũng được viết vào năm 1859 (ngày 4/2, trước khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Gia Định nửa tháng), tác giả Phan Đào Nguyên khẳng định “thư Petrus Key” là sự giả mạo, vì những thông tin trong thư không thực tế, không khớp với hoàn cảnh bị truy đuổi của Petrus Ký lúc đó.
Trong thư Penang, Petrus Ký nói rõ cảm nghĩ của mình – một chàng thanh niên 21 tuổi về sự “bài đạo” của nhà Nguyễn cũng như về cuộc xâm lăng vào Đại Nam của liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Sự bài đạo của triều đình, tuy rất nhẫn tâm, nhưng với Petrus Ký thì lại là một điều tất yếu phải xảy ra, như là một thử thách của Thiên Chúa. Còn với sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp, ông hoàn toàn phản đối, với ông thì đó là một giải pháp còn tệ hơn là bạo lực bắt đạo của triều đình nhà Nguyễn. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với lá thư “cầu cứu” giả mạo (thư Petrus Key).
Ngay từ những dòng đầu của lá thư Penang, Petrus Ký đã nói rất rõ ràng cảm nghĩ của mình về sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp vào Việt Nam với mục đích, hay chiêu bài, là để giúp đỡ các giáo dân Cơ Đốc Giáo.
“Du jour où arrive la flotte française à Tourane pour les chrétiens à qui on devait porter secours, le remède est pire que le mal!”
tạm dịch:
“Từ khi hạm đội Pháp tới Tourane (Đà Nẵng) để cứu giúp các giáo dân Cơ Đốc Giáo, đó trở thành phương thuốc tệ hơn cả căn bệnh gốc”.
“Phương thuốc” ở đây ám chỉ sự hiện diện của quân đội Pháp, còn “căn bệnh gốc” là sự bài đạo của triều đình nhà Nguyễn. Từ khi có sự xuất hiện của Pháp thì triều đình càng có thêm lý do để đàn áp khốc liệt giáo dân Công giáo. Như vậy, sự can thiệp quân sự của Pháp vào Đại Nam, theo Petrus Ký, còn làm cho tình hình tệ hơn cả ban đầu rất nhiều, ngay từ đầu ông đã không ủng hộ nó.
Thời gian đầu hợp tác với Pháp, Petrus Ký làm thông ngôn, sau đó lập ra tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo. Từ năm 1866 đến 1868, ông được bổ làm Giáo sư dạy tiếng Pháp ở trường Thông ngôn Sài Gòn. Năm 1872, ông là Đốc học (Giám đốc) trường Sư phạm dạy người Pháp học tiếng phương Đông. Ngày 1 tháng 1 năm 1874, Petrus Ký lãnh chức Giáo sư dạy chữ Việt và chữ Pháp cho người Pháp và người Tây Ban Nha tại trường Tham biện Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires), rồi làm Chánh đốc học trường ấy, đồng thời lãnh chức Ủy viên thượng Hội đồng Giáo dục (17 tháng 11 năm 1874). Cũng trong năm này, Petrus Ký được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 thành viên của hội “Savants du Monde”, một hội gồm nhiều các khoa học, văn học Pháp. Tháng 6 năm 1886, dưới triều vua Đồng Khánh, Petrus Ký tham gia Cơ mật viện, trở thành Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.
Với những thành tựu đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam, và cả những công lao đối với chính quyền thuộc địa, nên sau khi Petrus Ký qua đời vào những năm cuối thế kỷ 19, ở Sài Gòn đã có những công trình vinh danh ông.
Sau khi ông qua đời 10 năm, báo Lục Tỉnh Tân Văn của Trần Chánh Chiếu đã khởi xướng việc quyên góp tiền đúc tượng Petrus Ký. Đó là bức tượng toàn thân bằng đồng cao khoảng 1,70m, tương đương với chiều cao thực, đặt đứng trên bục cao, tay cầm sách, mặc áo dài, đầu đội khăn đóng – đây là hai loại trang phục đã gắn liền suốt cuộc đời của Petrus Ký.
Bức tượng được đặt ở vị trí này từ năm 1927, đến 1975 thì bị tháo dỡ, chuyển về Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố (Nhà chú Hỏa, 97 Phó Đức Chính).
Ngoài bức tượng toàn thân này, trong sân trường của trường Pétrus Ký có một bức tượng bán thân của Petrus Ký, được điêu khắc Sylve Raffegeard thực hiện ở Saigon năm 1889 (9 năm trước khi mất). Bên hông phải của tượng còn khắc rõ tên của tác giả và năm đúc.
Đến ngày 6-12-1937, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn hóa, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường Petrus Ký đã đặt tượng bán thân bằng đồng này của ông Petrus Trương Vĩnh Ký tại giữa sân trường. Hiện nay bức tượng này vẫn còn trong phòng truyền thống của trường Lê Hồng Phong, tức là ngôi trường trước đây mang tên Petrus Ký.
Trường Petrus Ký được khánh thành vào năm 1927, ban đầu mang tên Collège de Cochinchine (trường cao đẳng Nam Kỳ), sau đó tên trường thành Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ. Tuy nhiên, từ khi ngôi trường này đang xây dựng thì Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Blanchard de la Brosse đã có dự định đặt tên trường này mang tên nhà bác học Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký). Tuy nhiên ý tưởng này của ông Thống đốc chỉ được thực hiện vào 2 năm sau đó, đó là tháng 12 năm 1929, trường Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ được đổi tên thành Collège Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Đây là ngôi trường có kiến trúc độc đáo, rộng lớn, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi trên 8ha, có những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.
Có thể nói đây là tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Trước khi qua đời, đích thân Petrus Ký đã tự thiết kế khu mộ và coi sóc xây dựng cho đến khi mất. Khu mộ này vẫn còn ở đoạn ngã 4 Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng.
Thời gian sau đó, con đường ở gần khu mộ của ông cũng được đặt tên là Petrus Ký. Sau 1975, tất cả những gì liên quan đến ông đều bị xóa tên. Ngôi trường và con đường mang tên Petrus Ký đổi tên thành Lê Hồng Phong. Ở tỉnh Gia Định xưa cũng có đường Trương Vĩnh Ký, đã đổi tên thành Nguyễn Văn Bảo, gần chợ Chợ Vấp.
Gần đây, tên của ông đã được đặt tên đường trở lại ở Sài Gòn, đó là đường Trương Vĩnh Ký ở quận Tân Phú.
Bài: Đông Kha – chuyenxua.net