Nhạc sĩ Hoàng Việt là tác giả của ca khúc nhạc đỏ nổi tiếng Tình Ca với câu mở đầu là: “Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa, ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba…” được sáng tác vào năm 1957 ở Hà Nội, gửi tình cảm về quê hương miền Nam của ông khi đất nước vừa mới bị chia cắt vài năm. Trước đó 10 năm, ông cũng đã sáng tác ca khúc trữ tình lãng mạn nổi tiếng là Tiếng Còi Trong Sương Đêm được yêu thích đến tận ngày nay, ký với bút danh Lê Trực (ông tên thật là Lê Chí Trực).
Ít người hình dung được rằng hai ca khúc với 2 sắc thái hoàn toàn khác nhau này là tác phẩm của cùng một nhạc sĩ. Hoàn cảnh đất nước đã tạo ra bước ngoặt đó trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Nhạc sĩ Hoàng Việt sinh năm 1928, từ những năm học trung học ở Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Việt đã viết những ca khúc như “Chí Cả”, “Biệt Đô Thành”, và ca khúc theo điệu tango “Tiếng Còi Trong Sương Đêm” rất được yêu thích cho tới nay. Đây đều là những ca khúc mang màu sắc tiền chiến giống như hầu hết các bài tân nhạc khác được sáng tác vào thập niên 1940.
Click để nghe Khánh Ly hát trước 1975
Nam Bộ kháng chiến ngày 23 tháng 9 năm 1945, ở tuổi 17, Hoàng Việt tham gia công tác tại Ty Công an Bà Rịa. Thực dân Pháp lúc ấy đang chiếm đóng gần hết đất Bà Rịa, khiến ông phải chuyển về sống ở Sài Gòn. Vốn có năng khiếu bẩm sinh và lòng đam mê âm nhạc, ông tham gia hoạt động trong nhóm Thăng Long ở Sài Gòn. Đây là một nhóm trẻ yêu nước hoạt động bí mật, trong nhóm có một số thành viên am hiểu âm nhạc.
Cái tên Lê Trực khi ấy gây được tiếng vang một thời ở Sài Gòn, được hầu hết người yêu mến tân nhạc biết tới. Khoảng cuối năm 1949, nhóm Thăng Long bị lộ nên các thành viên phải ly tán, được cho là để tránh “phòng nhì” đang truy tìm. Nhạc sĩ Hoàng Việt cùng vợ (bà Lâm Thị Ngọc Hạnh) đang mang thai con trai đầu lòng đã chạy về An Hữu, Cái Bè và dự định vào khu giải phóng ở Đồng Tháp Mười.
Theo ghi chép trong cuốn sách “Hoàng Việt – nhạc sĩ anh hùng” xuất bản năm 2013, khi vào vùng do Việt Minh kiểm soát thuộc địa phận Cái Bè, ông gặp ngay du kích xã, ông tự xưng mình là nhạc sĩ Lê Trực. Người du kích xã đã ngay lập tức nói: “Lê Trực là nhạc sĩ lãng mạn, nhạc sĩ phản động ở Sài Gòn” và bắt ông giải về trại giáo hóa của huyện, sau đó được đưa về trại giáo hóa của tỉnh Mỹ Tho. Hai vợ chồng ông bị giam ở trại trong 3 tháng.
Tổ quân nhạc Khu 8 khi ấy được thành lập. Hai vợ chồng ông được đưa bảo lãnh đưa về Tổ Quân nhạc (lúc đó đóng ở địa phận Thiên Hộ, Đồng Tháp Mười). Ông từng lấy bút danh trong khoảng thời gian này là “Hoàng Việt Hận”. Mặc dù sống trong điều kiện gian nan tại trại giáo hóa nhưng Hoàng Việt vẫn sáng tác được một số bài hát trong đó có “Mong Ngày Về”. Sau khi đã về Tổ Quân nhạc Khu 8, ông tiếp tục cho ra đời hàng loạt bài hát mới, trong đó có “Lá Xanh”. Năm 1948, theo lời khuyên của các đồng chí, bút danh bấy giờ của ông chỉ còn chữ “Hoàng Việt”, còn chữ “Hận” đã được loại bỏ.
Năm 1951, nhạc sĩ Hoàng Việt được điều lên chiến khu Miền Đông Nam Bộ, tham gia Ban Tuyên truyền Phân liên khu, rồi nhập vào Đoàn Văn công Phân Liên khu miền Đông. Năm 1952, bài hát “Lên Ngàn” được Hoàng Việt sáng tác sau trận lũ lụt, khi đó ông cùng nhà thơ Bảo Định Giang có dịp cùng đi công tác ở Đước Hòa Bình và nghe người dân nơi đây phản ánh cuộc sống nhiều vấn đề về nạn lụt cũng như tỏ ra bi quan trước tình hình khó khăn ngày càng chồng chất.
Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra miền Bắc Việt Nam, để lại người vợ và ba đứa con ở miền Nam. Ngay khi tập kết ra Hà Nội, ca khúc “Mùa Lúa Chín” của ông nhận được giải thưởng “ca khúc toàn quốc”.
Nhạc sĩ Hoàng Việt bắt đầu những năm tháng học chính quy tại chuyên ngành sáng tác khóa đầu tiên với 15 học viên khác khi Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập năm 1956.
Năm 1957, sau hơn hai năm không liên lạc, nhạc sĩ Hoàng Việt nhận được thư vợ từ miền Nam gửi ra, lá thư đã phải di chuyển qua tận Pháp rồi mới về được Hà Nội để đến tay ông. Từ niềm cảm xúc dâng trào khi đọc được lá thư gửi từ bên kia chiến tuyến đó, ông sáng tác bài hát “Tình Ca” trong căn phòng nhỏ gác 2 ngôi nhà số 13 phố Cao Bá Quát, Hà Nội vào một đêm mùa xuân năm 1957 (đây là địa điểm của Trường Âm nhạc Việt Nam khi mới thành lập). Ông viết một mạch đến sáng thì hoàn thành.
Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra
Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang.
Qua núi biếc chập chùng xa xa
Qua áng mây che mờ quê ta
Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha
Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa.
Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao toả sáng
Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa
Bến nước Cửu Long còn đó em ơi!
Bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời
Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xóa nhòa.
Click để nghe bài Tình Ca qua giọng ca Quốc Hương
Nhạc phẩm “Tình Ca” đã ra đời trong những năm đầu đất nước bị chia cắt, là một trong ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Ngay sau khi ra đời, “Tình Ca” đã được ca sĩ Quốc Hương thu thanh và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và gây được sự chú ý của thính giả trong và ngoài nước. Lúc đầu, nhạc sĩ Hoàng Việt không có ý sáng tác hai lời. Nhưng trước khi gửi đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, ông được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khuyên viết thêm lời hai cho có “chất chính trị, tuyên truyền”. Tuy vậy ca khúc đã bị một số quan chức văn hóa và cả một số văn nghệ sĩ phê phán là “bi lụy, yếu đuối” và lập tức bị cấm.
Phải đến năm 1967, ca khúc Tình Ca mới dần dần được cho hát trở lại, nhưng đó cũng là năm nhạc sĩ Hoàng Việt hy sinh ở chiến trường miền Nam, ông đã không bao giờ được chứng kiến được đứa con tinh thần của mình được công chúng đón nhận yêu thích như thế nào cho tới tận ngày nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San từng phân tích trong một bài viết rằng, với ông, đây là bài tình ca cách mạng hay nhất. Với bài thanh nhạc này, người hát có thể bộc lộ được mọi điểm mạnh, yếu trong giọng hát với mọi kỹ thuật hát hiện đại, nên từ lâu đã trở thành tác phẩm mang tính kinh điển, học sinh phải vượt qua trong các kỳ thi tốt nghiệp môn thanh nhạc tại các nhạc viện.
Trở lại thời điểm ca khúc Tình Ca ra đời năm 1957, thời gian này nhạc sĩ còn sáng tác nhiều nhạc phẩm gửi cho miền Nam như “Tìm Em Ở Đâu”, “Quê Mẹ”… và tiểu phẩm “Nhớ Quê Hương” cho cello và piano. Năm 1958, Hoàng Việt được cử đi học tiếp tại Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bulgaria). Tại đây, dưới sự giáo dưỡng trực tiếp của vị giáo sư âm nhạc Goléminiff, Hoàng Việt đã hoàn thành bản giảo hưởng “Quê Hương” cung Đô trưởng, bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, cũng là tác phẩm lớn đầu tiên và cuối cùng của Hoàng Việt. Bản giao hưởng này đánh đã dấu được sự ra đời một thể loại lớn của nhạc bác học – hàn lâm Việt Nam và được thế giới thời bấy giờ chú ý. Trước đó, Việt Nam cũng đã có tác phẩm giao hưởng nhưng là giao hưởng thơ 1 chương hay Tổ khúc giao hưởng ngắn gọn.
Trở về Việt Nam năm 1964 với bằng tốt nghiệp hạng ưu, Hoàng Việt công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1965, sau khi trình diễn báo cáo bản giao hưởng của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông xin được trở lại chiến trường miền Nam để tham gia chiến đấu và tiếp tục viết những bản giao hưởng khác.
Năm 1966, Hoàng Việt cùng một số văn nghệ sĩ (trong đó có Lưu Hữu Phước, Nguyễn Quang Sáng…) vào chiến trường Nam Bộ và làm việc tại Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam. Thập niên 1960, nhiều nhạc sĩ đã vào chiến trường miền Nam để sáng tác âm nhạc bằng những bút danh mới.
Đầu năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Việt vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Trong lá thư viết ngày 9 tháng 3 năm 1966 gửi về Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông thổ lộ: “Những đêm đi rừng từ 2 giờ khuya leo dốc băng rừng, đi suốt đêm 7 giờ tối hôm sau mới đến chỗ nghỉ, chân đau khập khiễng bước một mình theo sau đoàn, xa cả một, hai cây số […] Leo một bậc đá, chân đau buốt óc, nhói tim. Dốc cao, đường dài dằng dặc…”
Tháng 12 năm 1967, Hoàng Việt định vượt qua lộ 4, trở về sông Cửu Long để viết bản Giao hưởng số 2 của mình. Theo nhà báo Lê Hà viết trên báo Ấp Bắc phát hành ngày 27 tháng 12 năm 1967 có đoạn: “Bức thư Hoàng Việt viết cho tôi lần đó dày 52 trang có bản đề cương ba chương Giao hưởng số 2 anh đang tiếp tục xây dựng tiếp theo các phần đã khởi thảo ở Vác-na…”. Nhưng Hoàng Việt chưa kịp qua lộ 4, khi đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bắn chiếc trực thăng của quân Mỹ, chiếc trực thăng sau đó bị bốc cháy và đâm đầu xuống kinh Á Rặt, làng Mỹ Thiện, gần hầm núp của Hoàng Việt. Một loạt máy bay trực thăng đã thay nhau thả hỏa tiễn. Nhiều hỏa tiễn đã nổ vào hầm núp của ông. Sau đó, dân làng đến hầm núp của ông nhưng đã không nhận ra được căn hầm, chỉ còn nhặt được một chùm tóc bạc, và chùm tóc bạc đó được cho là của Hoàng Việt. Hoàng Việt qua đời mà chưa kịp hoàn thành bản giao hưởng thứ hai mang tên “Cửu Long”.
Đại tá, nhạc sĩ Vũ Thành kể lại: “Trong chuyến đi này, khi chia tay […], anh ôm con và nói: Không biết sau này ba đón con hay con lại đón ba trở về. Sau trận đánh ác liệt hôm đó, thi hài nhạc sĩ cùng nhiều đồng đội khác đến nay vẫn chưa tìm thấy. Có nhân chứng kể lại, chỉ tìm thấy một chùm tóc bạc được cho là của nhạc sĩ Hoàng Việt sau trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ.” Một thời gian sau qua đường giao liên, ca khúc “Đêm Trăng Qua Đất Kiến Tường” được xem là tác phẩm cuối cùng của ông.
Trên báo Giao Thông, vợ của nhạc sĩ Hoàng Việt là bà cụ Lâm Thị Ngọc Hạnh, lúc đó đã ngoài 90 tuổi, kể lại: Khoảng năm 1950, khi đang là nữ giao liên nội thành tại khu Tam Tông miếu (đường Cao Thắng, quận 3) thì bà gặp nhạc sỹ Hoàng Việt: “Ông nhà tôi hiền lành, mê sáng tác từ năm 17 tuổi. Tôi mê ổng, mê nhạc, mê sự hiền lành rồi yêu nhau. Chỉ tiếc ổng hy sinh quá sớm, khi mới 39 tuổi nên chưa viết được nhiều tác phẩm và trọn vẹn chuyện tình với mẹ con tôi…”
Theo lời cụ Hạnh, khi hai người có với nhau 3 người con thì ông ra Bắc tập kết. Hơn 12 năm mong mỏi đợi chồng, một mình cụ Hạnh nuôi các con. Đến năm 1966, nhạc sỹ Hoàng Việt trở lại miền Nam, hai người mới gặp lại nhau và sinh thêm người con trai út là đạo diễn Lê Dũng.
Người con đầu của họ là Lê Chí Dũng (sinh năm 1950), thứ hai là nhà văn Lê Hữu Dụng (sinh năm 1954). Ngày nhạc sĩ Hoàng Việt ra Bắc tập kết, bà Hạnh mang người con gái Lê Thị Thanh Bình. Năm 1966, nhạc sĩ quay lại chiến trường miền Nam để chiến đấu rồi hy sinh, lúc đó bà Hạnh đang mang bầu con trai út Lê Dũng.
Nhà văn Lê Hữu Dụng, người con trai thứ 2 của nhạc sĩ, nói rằng khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, trong một buổi họp mặt gia đình tại Sài Gòn, một người chú họ nói: Anh Bảy (tên thường gọi của nhạc sỹ Hoàng Việt) vừa sáng tác bài “Tình Ca” hay lắm. “Nghe chú kể xong, mấy mẹ con tôi tìm cách nghe lại bài hát nhưng không biết làm thế nào bởi lúc này miền Nam rất khó bắt được sóng phát thanh từ Hà Nội. Bẵng đi một thời gian rất lâu, cả nhà tình cờ nghe được ca sĩ Quốc Hương hát bài “Tình Ca” qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Do sóng yếu nên nghe tiếng được, tiếng mất. Tuy nhiên, khi nghe xong bài hát, tôi muốn rơi nước mắt. Bài hát rất hay, da diết, cung bậc lên xuống cao trào…” – ông Dụng nói.
Cụ Ngọc Hạnh tâm sự, lần đầu nghe được lời bài hát cất lên, bản thân đã cảm nhận như bức thư tình mà người chồng nhạc sỹ gửi riêng cho mình, động viên vợ cố gắng nuôi con, chờ ngày chồng về. Nhất là đoạn: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly/ Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời/ Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.
chuyenxua.net biên soạn
Xót xa, thương tiếc !