Ca sĩ Trường Vũ là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng tại hải ngoại sau năm 1975, và là một trong những ca sĩ thu âm nhiều bài hát nhất, phát hành nhiều dĩa nhạc nhất vào những năm thập niên 1990, 2000.
Giọng hát Trường Vũ ấm áp và tình cảm, thể hiện xuất sắc nhiều ca khúc nhạc vàng đã từng gắn liền với các ca sĩ thế hệ trước. Anh đã từng học nhạc từ 2 nam danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng là Duy Khánh và Chế Linh nên giọng hát cũng mang nhiều ảnh hưởng từ cả 2 giọng ca huyền thoại này.
Trường Vũ có tên khai sinh là Huỳnh Văn Ngoảnh, sinh năm 1963 trong một gia đình người Hoa gốc Triều Châu tại tỉnh Bạc Liêu xưa (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng). Anh mê âm nhạc từ nhỏ, khi còn ở Việt Nam đã thường xuyên nghe và hát theo các bài nhạc vàng từ các băng nhạc thu âm cũ của 2 giọng ca thần tượng Chế Linh và Duy Khánh, là 2 người ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp của Trường Vũ sau này.
Năm 20 tuổi, Trường Vũ tìm đường ra nước ngoài định cư. Anh sống ở Malaysia 1 năm trước khi đến được Mỹ. Trước khi đến với sân khấu ca nhạc, anh phải đi làm phụ nhà hàng với mức lương ít ỏi chỉ vài trăm đô một tháng.
Tại đây, anh làm những công việc như phụ bếp, rửa chén, lau nhà và hầu hết những công việc lặt vặt trong nhà hàng suốt từ 5 giờ sáng đến tận 10 giờ tối mới được về. Trong những ngày đầu trên xứ người, Trường Vũ gặp rất nhiều khó khăn vì không nói rành tiếng Việt, chỉ nghe hiểu được những từ đơn giản. Ngôn ngữ giao tiếp chính của anh vẫn là tiếng Triều Châu và tiếng Quảng Đông.
Thời gian bắt đầu chập chững bước vào nghề ca hát, Trường Vũ may mắn được một người bạn gái người Việt bên cạnh để giải thích cho anh ý nghĩa của những ca khúc nhạc vàng chuẩn bị thu âm. Cô người yêu đó cũng là người giúp Trường Vũ học thành thạo tiếng Việt và khuyến khích anh theo đuổi sự nghiệp.
Trong thời gian đó, Trường Vũ cũng đã theo học với ca sĩ Duy Khánh trong 5 năm, được danh ca này hướng dẫn về phần nhạc lý và phát âm. Thời gian sau đó Trường Vũ cũng may mắn được Chế Linh chỉ dẫn thêm về phần giữ hơi và luyến láy. Vì vậy khi nghe Trường Vũ hát, người ta thấy thấp thoáng giọng hát của cả Duy Khánh lẫn Chế Linh. Thậm chí là một số người không quen nghe nhạc vàng còn không phân biệt được giọng hát Chế Linh với Trường Vũ.
Khi đã ngoài 30 tuổi, sự nghiệp âm nhạc của Trường vũ mới bắt đầu rực sáng nhờ được ca sĩ Chung Tử Lưu phát hiện, mời về cộng tác với 2 trung tâm Phượng Hoàng và Ca Dao, nơi Chung Tử Lưu đang làm biên tập nhạc. Chỉ riêng 2 trung tâm này, Trường Vũ đã thu âm đến gần 80 đĩa nhạc, chứng tỏ sự ăn khách của giọng hát này tại hải ngoại những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000.
CD riêng đầu tiên của Trường Vũ được trung tâm Ca Dao phát hành mang chủ đề Thương Tình Nhân vào năm 1996 với các ca khúc nhạc vàng nổi tiếng đưa tên tuổi của anh đến với công chúng: Tình Như Mây Khói, Đưa Em Vào Hạ, Nó, Con Đường Xưa Em Đi, Linh Hồn Tượng Đá…
Click để nghe CD riêng đầu tiên của Trường Vũ do Ca Dao thực hiện
Từ sau năm 2000, Trường Vũ bắt đầu cộng tác với những trung tâm âm nhạc lớn nhất hải ngoại là Vân Sơn, Thuý Nga, Asia. Cho đến nay, Trường vũ đã thu âm hơn 1000 ca khúc, nằm trong top những ca sĩ thu âm nhiều bài hát nhất cho đến nay.
Trường Vũ đặc biệt nổi tiếng với những ca khúc nhạc vàng mang chủ đề nghèo hoặc thất tình như các bài hát Đám Cưới Nghèo, Thân Phận Nghèo, Nghèo Mà Có Tình, Không Giờ Rồi, Hai Bàn Tay Trắng… và nhạc lính như Rừng Lá Thấp, Bông Cỏ May, Biển Mặn, Chúng Mình 3 Đứa, Nó Và Tôi…
Năm 2006, Trường Vũ được cấp phép về Việt Nam biểu diễn, nhưng anh rất ít khi tổ chức liveshow trong nước. Theo lời Trường Vũ giải thích là vì anh không bao giờ hát nhép, chỉ hát live. Nhưng điều kiện để hát live thì không phải nơi nào cũng đáp ứng được, chỉ có ở 1 số sân khấu ở các tỉnh thành lớn. Còn vùng nông thôn chi phí thấp nên không đáp ứng được dàn nhạc để hát live nên anh không thể hát dù có tâm nguyện lớn là được hát ở khắp mọi miền quê.
Từ năm 2016, Trường Vũ có nhận lời ngồi “ghế nóng” trên một số show truyền hình của đài Vĩnh Long.
Khi được hỏi về dòng nhạc mà Trường Vũ theo đuổi từ khi bắt đầu sự nghiệp cho đến nay, anh trả lời trên báo rằng rất mong có thêm nhiều ca khúc nhạc vàng được cấp phép, đặc biệt là những bài hát hay về người lính. Nguyên văn lời của Trường Vũ trên báo Thanh Niên như sau:
“Giờ tôi chỉ cầu mong cho có thêm nhiều bài hát được cấp phép, có những ca khúc rất hay về người lính. Tôi không hát bài chống đâu mà chỉ hát về tình yêu thời chiến, cuộc đời lính mộc mạc, rất mong Sở Văn hóa sẽ cấp phép”
Về cuộc sống gia đình, Trường Vũ lấy vợ rất muộn. Anh kết hôn vào ngày 27 tháng 10 năm 2005 khi đã 42 tuổi cùng một nữ y tá tên là Anh Thư. Họ đã có với nhau 1 trai và 1 gái.
Trường Vũ tự nhận là người sống khép kín, đồng thời ít nhắc đến vợ con trên phương tiện truyền thông. Anh đã từng giải thích lý do như sau: “Vợ tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi có được ngày hôm nay. Tôi không muốn đưa vợ con vào giới showbiz. Cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn không nhiều cũng một ít”.
Những năm gần đây, Trường Vũ thường chia sẻ về cuộc sống cá nhân, những sinh hoạt đời thường trên kênh YouTube riêng của mình.
Trong sự nghiệp 30 năm ca hát, với thời đỉnh cao vào thập niên 1990, Trường Vũ đã thu âm được hàng ngàn ca khúc, là một trong những ca sĩ phát hành nhiều CD nhạc nhất. Đó là lý do sẽ rất khó để chọn ra những bài hát hay nhất trong hàng ngàn bản thu âm của Trường Vũ, sau đây là 20 ca khúc tiêu biểu nhất theo ý kiến cá nhân của người soạn bài viết này:
Click để nghe video The Best Of Trường Vũ
1- Ngày Đó Xa Rồi
Đây là một sáng tác của Chế Linh với bút danh là Tú Nhi, từng được chính tác giả hát trước năm 1975. Khoảng 20 năm sau đó, một “truyền nhân” của Chế Linh hát bài này trong CD của trung tâm Phượng Hoàng, và dù giọng hát không thể sánh bằng một huyền thoại của thế hệ trước, nhưng bản thu âm của Trường Vũ vẫn rất được yêu thích, một phần được hưởng lợi lớn từ phần hòa âm rất hay của nhạc sĩ Tùng Châu. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Trường Vũ hát Ngày Đó Xa Rồi
Xa nhau, đã cách xa rồi, ta đã xa cách lâu rồi.
Thì thôi, em nhé dù thương yêu hay đau cũng thế thôi.
2- Nó Và Tôi
Một bài hát rất xúc động của nhạc sĩ Song Ngọc viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh (với bút danh Vọng Châu).
Ðôi đứa đôi nơi ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối
Chát cay đầu môi chiều khu ᴄhιến mưa sụp sùi
Nhìn trong lòng giấy nét quen xưa nghiêng đỗ gãy
Nó đi nhưng còn đây
Bản thu âm Trường Vũ hát bài này nằm trong cùng CD với bài Ngày Đó Xa Rồi, và tựa đề Nó Và Tôi cũng chính là chủ đề của CD.
Có thể nói bài hát Nó Và Tôi với tiếng hát Trường Vũ hát sau đây cũng là phiên bản hay nhất của ca khúc này sau năm 1975:
Click để nghe Trường Vũ hát Nó Và Tôi
Cùng với Trúc Hồ thì nhạc sĩ Tùng Châu là 1 trong 2 nhạc sĩ trẻ hòa âm nhạc vàng hay nhất từ thập niên 1990 cho đến nay, và CD Viết Từ KBC của Trường Vũ tại trung tâm Phượng Hoàng là một trong những CD đỉnh cao của Trường Vũ nói riêng và của cả làng nhạc hải ngoại khi đó.
CD này có 10 bài, trong đó có 5 bài thuộc dạng “để đời”, đó là Viết Từ KBC, Mười Năm Tái Ngộ, Thương Về Quán Trọ, Kỷ Niệm Một Mùa Hè và Ngoại Ô Buồn.
3- Viết Từ KBC
Từ bản thu âm trong CD này, từ sau đó khi nhắc đến bài hát Viết Từ KBC, người ta chỉ nhắc đến bản thu âm đầu tiên của Trang Mỹ Dung trước năm 1975, và bản thu âm của Trường Vũ. Mời các bạn nghe lại:
Từ KBC giá lạnh rừng sâu.
Anh gửi lời thăm về em yêu dấu.
Qua bao ngày chúng mình xa nhau.
Chắc em để phấn son nhạt màu
và buồn trong cả giấc chiêm bao.
Click để nghe Trường Vũ hát Viết Từ KBC
4- Mười Năm Tái Ngộ
Bài hát được nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác năm 1967, sau tròn 10 năm kể từ lúc ông đặt chân lên Sài Gòn. Bài hát viết cho câu chuyện có thật, và 2 người bạn trong Mười Năm Tái Ngộ chính là 2 nhạc sĩ nổi tiếng của nhạc vàng: Thanh Sơn – Trường Hải, 2 người cùng tuổi, học chung và cùng quê ở Sóc Trăng:
Suốt đêm không ngủ bên tách cà phê đen chúng ta ôn chuyện đời.
Ngày mình còn thơ in như hình với bóng phút giây chưa hề rời.
Xuân qua mấy lần chôn kín chuyện xa xưa
Tình cờ gặp nhau hai đứa cùng đơn vị không ngăn được nỗi mừng
Anh kể tôi nghe ngày anh mới ra trường.
Click để nghe Trường Vũ hát Mười Năm Tái Ngộ
5- Thương Về Quán Trọ
Một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được ký với bút danh Hoa Linh Bảo, nhắc về tình bằng hữu rất trân trọng giữa những người bạn đã lớn lên cùng nhau. Đến một ngay một người đi tòng chinh, một người thương nhớ:
Người người như đợi chờ
Một màu lam thương nhớ
Hỏi thăm anh mới biết tôi lên đường tòng chinh…
Click để nghe Trường Vũ hát Thương Về Quán Trọ
6- Kỷ Niệm Một Mùa Hè
Bài hát rất hay về tuổi học trò thời chinh ᴄhιến của nhạc sĩ Song Ngọc. Một anh lính nhỏ lòng chợt thấy bâng khuâng nhớ trường xưa bạn cũ khi chợt thấy phượng nở lúc hè về:
Tôi lính nhỏ đi chinh ᴄhιến miền xa
Đã từ lâu phố vui không tìm về
Đời ngược xuôi trên đường mây nẻo gió, tuổi thư sinh bỏ dở…
Mỗi lần trông hoa phượng nở đẹp quá
Chợt bâng khuâng thương những ngày vui qua
Giấy thơm học trò bạn bè xưa trường cũ mới xa ngày nào
Click để nghe Trường Vũ hát Kỷ Niệm Một Mùa Hè
7- Ngoại Ô Buồn
Bài hát này được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác dịp Mậu Thân năm 1968, khi từ thành đô cho đến nông thôn đều nhuốm màu tang thương, không còn sự êm đềm của một vùng ngoại ô thường lúc nào cũng thanh bình xa dấu lửa binh.
Từ tiền tuyến tôi về,
thăm căn nhà ngoại ô,
thấy lòng thương vô bờ
Cũng con đường này đây,
cũng mái nhà này đây,
còn mang kỷ niệm đầy
Click để nghe Trường Vũ hát Ngoại Ô Buồn
8- Căn Nhà Ngoại Ô
Một trong những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc vàng, từng làm nên tên tuổi của nữ ca sĩ Kim Loan trước năm 1975. Sau này khi Trường Vũ gia nhập trung tâm Asia, anh đã hát bài này với một phần hòa âm mang tính chuẩn mực. Sau này cũng có thêm các ca sĩ khác hát lại trên trung tâm Asia, và đều sử dụng lại y nguyên phần hòa âm này, như Đan Nguyên, Huỳnh Phi Tiên hay bản đàn tranh của Thiên Kim.
Click để nghe Trường Vũ hát Căn Nhà Ngoại Ô
Cả 2 bài hát Căn Nhà Ngoại Ô và Ngoại Ô Buồn đều được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác với bút danh là T.H
9- Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ
Một trong những ca khúc đã làm nên tên tuổi của Trường Vũ trong những năm đầu sự nghiệp. Tác giả của bài hát là Hà Phương kể lại rằng khi lần đầu tiên về Việt Nam thăm nhà, Trường Vũ đã lặn lội xuống tận vùng hẻo lánh ở Bến Tre để tìm thăm ông và cám ơn về bài hát đã giúp mình thành công trong sự nghiệp.
Click để nghe Trường Vũ hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ
Trời đổ mưa
Cho phố vắng mênh mông
Khơi lòng bao nỗi nhớ.
Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ
Mưa rơi tự bao giờ.
Đó là lời bài hát phổ biến và được nhiều người thuộc của Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ. Tuy nhiên đó không phải là lời nguyên thủy của bài hát này. Trước năm 1975, đây là 1 ca khúc nhạc lính được ca sĩ Giang Tử hát lần đầu như sau:
Trời đổ mưa cho ướt áo chinh nhân, mưa về trên đồn vắng.
Trời làm mưa cho ướt áo em thơ mưa rơi từ bao giờ?
Mùa mưa đó anh đi vào sương gió
những đêm mưa tỉnh nhỏ gợi nhớ thuở học trò, tâm tình thường hay ngỏ
trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa.
10- Đêm Buồn Tỉnh Lẻ
Một bài hát của Chế Linh sáng tác và đã gắn liền với giọng hát Chế Linh từ trước đến nay. Tuy nhiên Trường Vũ cũng đã tạo được dấu ấn riêng biệt, rất nhập tâm và diễn tả được buồn xa vắng cô đơn của một anh lính xa nhà nhớ người yêu.
Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào…
Click để nghe Trường Vũ hát Đêm Buồn Tỉnh Lẻ
11- Đoạn Tái Bút
Bài hát Đoạn Tái Bút là đồng sáng tác của hai nhạc sĩ Bằng Giang và Tú Nhi (Chế Linh), có thể xem là một trong những bài nhạc vàng thất tình nổi tiếng nhất, có nội dung là một chàng trai bị phụ rẫy: em đi thật xa, để quên chuyện ngày qua…
Ta xa rồi em nhé, đường em em cứ vui
Đừng về bên gác trọ, để mặc tôi với đời
Em đi thật xa, để quên chuyện ngày qua
Ở đây dù mưa gió một mình tôi sẽ đi qua…
Click để nghe Trường Vũ hát Đoạn Tái Bút
12- Tý Ngọ Của Tôi
Bài hát này của nhạc sĩ Hàn Châu thực ra có tên gốc là Hoa Mười Giờ Lỗi Hẹn, tuy nhiên có một thời gian bị VS đổi tên bài hát, đổi tên nhạc sĩ, nên nhiều người tưởng rằng bài hát này tên là Tý Ngọ Của Tôi của nhạc sĩ VS.
Có lẽ không có ca sĩ nào hát bài này hay hơn Trường Vũ.
Click để nghe Trường Vũ hát Tý Ngọ Của Tôi
Trên đường đi về tình cờ tôi gặp em
Người con gái trên lầu cao sau hàng chậu hoa mười giờ…
13- Túy Ca
Bài hát được nhạc sĩ Châu Kỳ phổ từ thơ của thi sĩ quân đội là Trương Minh Dũng, đã từng được các ca sĩ huyền thoại là Duy Khánh, Chế Linh trình bày, nhưng Trường Vũ vẫn rất được yêu thích khi hát lại bài này.
Click để nghe Trường Vũ hát Túy Ca
14- Bông Cỏ May
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương có nội dung đơn thuần là chuyện tình yêu thời ᴄhιến, và nếu để ý kỹ, chúng ta có thể phát hiện trong lời nhạc có chứa đựng nhiều chi tiết táo bạo của một tình yêu nồng nhiệt và mãnh liệt của tuổi trẻ:
Những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về
vùng ngoại ô có cỏ bông may.
Ở đây êm vắng thưa người, còn ta với trời.
Thời gian vào đêm, rừng sao là nến,
khói sương giăng lối cỏ quen.
Click để nghe Trường Vũ hát Bông Cỏ May
15- Xua Đi Huyền Thoại
Một bài hát vốn gắn liền với tên tuổi của Trường Vũ:
Thôi em hãy đi về,
chuyện tình đôi ta
xin đưa vào huyền thoại,
lời hứa năm xưa tôi ấp ủ trong lòng.
Click để nghe Trường Vũ hát Xua Đi Huyền Thoại
16- Áo Nhà Binh
Sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phượng Vũ, từng nổi tiếng qua giọng hát Duy Khánh:
Từ độ tình nhân xa khuất nẻo,
tôi lê gót chân hành từng đêm nghe hoang vu.
Tuổi đời trên năm ngón hao gầy
khói thuốc đen tay vàng ngược xuôi tâm tư mênh mang…
Click để nghe Trường Vũ hát Áo Nhà Binh
17- Đám Cưới Nghèo
Nhắc đến ca sĩ Trường Vũ, người ta thường nhớ tới “nhạc nghèo”, và ca khúc tiêu biểu nhất trong thể loại này là 1 sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Anh Thy với bút danh là Thu Anh: Đám Cưới Nghèo.
Nhạc sĩ bạc mệnh Anh Thy đã trải qua mấy mối tình lận đận, và ca khúc Đám Cưới Nghèo được ông viết dựa theo hoàn cảnh của chính mình khi đó.
Click để nghe Trường Vũ hát Đám Cưới Nghèo
18- Chúng Mình Ba Đứa
Một Chuyến Bay Đêm và Chúng Mình Ba Đứa là 2 sáng tác của nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh viết về cùng một câu chuyện. Đó là chuyện 3 người bạn thân thiết, sau này nhập ngũ theo 3 binh chủng khác nhau nhưng vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm cùng nhau. Đặc biệt là cả 3 cùng yêu mến một người con gái tên Hương:
Đôi khi thấy buồn về thăm chốn xưa
Đôi mắt đẹp mà cả ba đứa ưa
Xa em vài tháng mà giờ trăng tròn lắm
Muốn hoài ghé thăm…
Click để nghe Trường Vũ hát Chúng Mình Ba Đứa
Cuối cùng, xin nhắc về 2 bài nhạc lính nổi tiếng mà nếu không cần giới thiệu gì nhiều thì bất kỳ ai cũng biết đến, đó là Rừng Lá Thấp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và 24 Giờ Phép của nhạc sĩ Trúc Phương, là 2 bài nhạc lính đã được Trường Vũ hát rất thành công:
Click để nghe Trường Vũ hát Rừng Lá Thấp
Click để nghe Trường Vũ hát 24 Giờ Phép
Đông Kha (chuyenxua.net)