Có một chủ đề quen thuộc trong thi ca Việt Nam xưa đến nay, đó là những ca khúc, những bài thơ nhắc đến “cô hàng xóm” và “cô láng giềng”.
Cảm xúc thuở thiếu thời của người trai thường là sự rụt rè, ngập ngừng, xen lẫn niềm ao ước đối với cô bạn nhà ở gần bên, người mà đã quen biết nhau tự thuở nào. Rồi bỗng nhiên một ngày họ lớn và cùng nhau bỡ ngỡ trước những khác lạ của nhau. Dù mai sau, chàng trai có ra đi khắp nơi phương trời và chia xa, nhưng trong lòng vẫn luôn vấn vương trong lòng những cảm xúc thầm kín buổi ban đầu đó với cô láng giềng.
Hai nhà ở cạnh nhau, có thể cách nhau một bờ giậu thưa, rất có thể đó chỉ là một giậu mồng tơi, nhưng đó cũng là cái cớ cho sự ngập ngừng bẽn lẽn của thi sĩ Nguyễn Bính:
Giá đừng có giậu mùng tơi
Thể nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Còn trong âm nhạc, cô hàng xóm của nhạc sĩ Hoàng Quý ở cách một bờ rào tường vi rất đẹp:
Năm xưa khi tôi bước chân ra đi.
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường Vi.
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi.
Đừng nói đến phân ly.
Đó là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc, ca khúc Cô Láng Giềng. Bài hát được ông cảm tác, sáng tác cho người vợ thân yêu của mình, là người đẹp Hoàng Oanh.
Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm.
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền,
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu…
Chỉ 2 chi tiết là đôi mắt đen hạt huyền và làn tóc như mây chiều, khán giả có thể hình dung đây là một người con gái rất đẹp, dịu hiền làm xao xuyến dậy lên nỗi yêu thương trong lòng người nhạc sĩ. Sau bao nhiêu bước trên dặm đường đã mỏi, người trai trở lại quê nhà, trên con đường rực rỡ nắng xuân, vương đầy cánh hoa đào. Ở cuối con đường đó, anh biết rằng có người con gái vẫn mắt đăm đăm chờ vì lời ước nguyện sẽ mãi chờ nhau không phân ly.
Trong nhạc vàng, có rất nhiều ca khúc nói về tình yêu giữa 2 người lối xóm láng giềng với nhau, đó là Cô Hàng Xóm (nhóm Lê Minh Bằng), Ngày Con Về (Nguyên Thảo), Căn Nhà Ngoại Ô (Anh Bằng), Cô Bé Ngày Xưa (Hoài Linh).
Ca khúc nổi tiếng Cô Hàng Xóm có nội dung là một mối tình không thể ngỏ vì khoảng cách giàu nghèo. Cuộc sống của 2 người là 2 bức tranh đối lập:
Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh
Tuy bé nhưng thật xinh
Tháng ngày sống riêng một mình
Nhà ở bên em sống trong giàu sang
Quen gấm nhung đài trang
Đi về xe đón đưa…
Cho dù cô gái cũng có tình cảm và năng lui tới nhà chàng, nhưng vì sự môn đăng hộ đối vẫn còn hằn sâu trong quan niệm của người đời trở thành hố sân ngăn cách những đôi lứa yêu nhau:
Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Làm tôi thấy trong tâm tư xôn xao
Như lời âu yếm mặn nồng của đôi lứa yêu nhau
Hai năm trôi qua, nhưng tình không dám ngỏ
Tôi sợ thân mình là bọt bèo
Làm sao ước mơ duyên tơ mai sau
Tôi sợ ngang trái làm mộng đời chua xót thương đau…
Một ca khúc “hàng xóm” khác là của nhạc sĩ Anh Bằng, rất nổi tiếng qua giọng hát Kim Loan trước 1975: Căn Nhà Ngoại Ô. Ca khúc này được sáng tác năm 1966, khi nhạc sĩ Anh Bằng đã 40 tuổi và yên bề gia thất (con út của nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1960). Bài Căn Nhà Ngoại Ô cũng giống như nhiều bài hát khác của Anh Bằng, không phải là câu chuyện có thật của đời ông. Đó có thể chỉ là câu chuyện mà tác giả hư cấu, tưởng tượng, nhưng có thể xem đó là đại diện cho hoàn cảnh của rất nhiều người sống vào thời đó: Gặp nhau, yêu nhau, rồi lại xa nhau vì hoàn cảnh đất nước. Điều đặc biệt, đó là 2 người ở cạnh nhà nhau, cùng nhau lớn lên từ thuở còn chung sách đèn:
Tôi ở ngoại ô, một căn nhà tranh có hoa thơm trái hiền
Cận kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn…
Vì là hàng xóm của nhau nên họ được cùng nhau tận hưởng hoàn cảnh “hái hoa vườn trăng suốt đêm vang tiếng cười”.
Tình cảm đó của đôi thanh mai trúc mã đã lớn dần theo năm tháng, cho đến một ngày họ ngỡ ngàng thấy trong lòng dậy lên những cảm xúc khác lạ. Đó cũng là thời điểm họ không còn được ở gần nhau vì chàng trai lên đường làm người chinh nhân:
Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện mãi tôn thờ, và yêu không bến bờ…
Cô gái sau này cũng lên đường ra mặt trận để làm nữ cứu thương. Cho dù thời cuộc có ngăn cách nhau như thế nào, họ vẫn nuôi một hy vọng rằng trái đất vẫn tròn, đôi lứa sẽ gặp lại nhau vào một ngày mai sau.
Một ca khúc nhạc vàng khác có thoáng nhắc qua cô láng giềng, là bài hát viết về mẹ của 2 nhạc sĩ Nguyên Thảo và Thanh Phương mang tên Ngày Con Về. Mời bạn nghe lại tiếng hát Chế Linh trước năm 75:
Bài hát nhắc về người lính trận luôn nhớ thương về quê nhà an lành, nơi đó có mẹ già sớm tối quạnh hiu một mình. Ngày con đi lúc trời vừa hừng đông, mẹ cầm gậy trúc đứng run run để tiễn người con đi vì nước. Ở miền quê đó còn có cô láng giềng đã cùng nhau lớn lên, không biết là nàng có thể đợi chờ được nhau khi năm tháng đang mỏi mòn qua đi vì chinh chiến. Người lính mong một ngày được bình yên trở về bên mẹ già, bên cô láng giềng năm xưa và có thêm đàn con để mang niềm vui về cho mẹ lúc tuổi già. Đó chắc cũng là mong muốn đơn sơ, giản dị của biết bao người trong thời ly loạn:
Con ước mơ bình yên con về
Bên đông đủ bạn bè năm xưa
Nhà mình vui như ba ngày Tết
Có cô láng giềng dễ thương
Thêm cháu nhỏ mẹ vui tuổi già.
Đông Kha (nhacxua.vn)