Ở phần đầu tiên của loạt bài viết về những công trình – tòa nhà có tuổi đời trên 100 năm mà ngày nay vẫn còn lại ở Sài Gòn, chúng tôi đã giới thiệu những công trình mang tính biểu tượng mà hầu như ai cũng biết tới, như là Nhà Thờ Đức Bà, Opera House, Bưu Điện Sài Gòn, Chợ Bến Thành, Tòa Đô Chánh…
Ở các phần tiếp theo, xin giới thiệu những tòa nhà có quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn là công trình kiến trúc độc đáo tuổi đời khoảng trên dưới 100 năm và đã trở thành di sản của Sài Gòn.
Bài viết này xin nhắc về tòa nhà từng là Ngân hàng Đông Dương (thời Pháp thuộc), sau đó là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (thời VNCH), và nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngày nay, những ai đi ngang qua khu vực cầu Mống ở Quận 1 (đường Bến Chương Dương cũ) đều có ít nhiều cảm giác choáng ngợp trước một tòa nhà vuông vức, theo kiến trúc tân cổ điển rất ấn tượng.
Thời Pháp, đây là là trụ sở của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam, là một phần của Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, viết tắt là BIC) được thành lập ngày 21 tháng 1 năm 1875 ở Paris để phát hành tiền mặt cho các xứ thuộc địa của Pháp ở Châu Á, cũng như điều hành quyền lợi kinh tế của Pháp ở Viễn Đông.
Ngân hàng Đông Dương có rất nhiều chi nhánh trải rộng khắp thế giới, trong đó ngay trong năm 1875, Sài Gòn là một trong những nơi đầu tiên mà BIC có chi nhánh. Trụ sở của BIC ở Sài Gòn nằm trên đường dọc theo rạch Bến Nghé được đặt tên là Arroyo Chinois (sau này đổi tên thành Quai de Belgique, rồi Bến Chương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), chính là vị trí mà sau này tòa nhà hoành tráng hơn được xây dựng cùng một chỗ và còn lại cho đến ngày nay.
Sau đó, trụ sở ban đầu này được sửa chữa và nâng cấp để lớn hơn, như hình sau đây:
Trong tấm bản đồ Sài Gòn năm 1900 ở dưới đây, vị trí số 39 được chú thích rõ là trụ sở ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indo-Chine). Số 39 đó chính là vị trí ở ngay chân cầu Mống.
Do quy mô ngày càng lớn của Ngân hàng Đông Dương, nhu cầu cần xây dựng trụ sở lớn hơn, nên sang thập niên 1920, tòa nhà có quy mô nhỏ ban đầu được đập bỏ hoàn toàn để xây mới. Trong chờ tòa nhà mới được hoàn thành, Ngân hàng Đông Dương chuyển sang tòa nhà ở góc đường Hàm Nghi – Công Lý (Somme – Macmahon cũ), như trong hình sau đây:
Sau khi trụ sở mới được hoàn thành thì tòa nhà bên trên từng là trụ sở của đài phát thanh Pháp Á lừng danh một thuở.
Tòa nhà Ngân hàng Đông Dương mới được xây dựng năm 1928 ở bên cầu Mống và hoàn thành năm 1930, đưa vào sử dụng năm 1931. Đến nay, tòa nhà này đã có tuổi đời hơn 90 năm.
Sau đây là hình ảnh được chụp vào cuối thập niên 1920, khi tòa nhà này vẫn chưa chính thức khánh thành:
Tòa nhà này do kiến trúc sư Félix Dumail thực hiện, được làm từ các khối đá granit khai thác từ Biên Hòa, tạo tác thành các cột vuông uy nghiêm bao quanh, lấy cảm hứng từ kiến trúc Khmer.
Điểm nổi bật của tòa nhà này là phần mép mái được trang trí đường viền được cho là lấy cảm hứng từ rắn thần Naga canh giữ các lối vào Angkor Thom của người Khmer. Bên trong tòa nhà (đại sảnh) được xây dựng theo phong cách Art Deco tráng lệ, tuy nhiên đa số mọi người chỉ được phép chiêm ngưỡng nó từ bên ngoài, ít người có cơ hội đi vào bên trong để xem.
Sau năm 1953, các chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam đều bị giải thể. Nhiệm vụ phát hành giấy bạc được chuyển cho Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào (Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) kể từ năm 1951. Riêng các chi nhánh khác ở ngoài Việt Nam thì vẫn hoạt động bình thường.
Từ năm 1955, tòa nhà trở thành trụ sở của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tức ngân hàng trung ương của VNCH, nhận bàn giao lại các nhiệm vụ cũ của Ngân Hàng Đông Dương.
Hình ảnh mặt sau của ngân hàng (bên đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu):
Sau năm 1975, nơi đây trở thành trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kiến trúc của tòa nhà này đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 2016, các cơ quan chức năng đã đưa tòa nhà này vào danh sách các di tích quốc gia cần được bảo vệ.
Thông tin thêm về Ngân Hàng Đông Dương, ngân hàng này có trụ sở chính không phải ở Đông Dương như cái tên của nó, mà đặt ở chính quốc. Ngân hàng ra đời năm 1875 trong hoàn cảnh Pháp vừa mới chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ được chỉ vài năm, nền kinh tế đang trì trệ và Chính phủ Pháp đang gặp những khó khăn về tài chính.
Ngay từ đầu, Ngân hàng Đông Dương đã được trao đặc quyền như các ngân hàng thuộc địa lâu đời. Tuy nhiên, nó có một đặc quyền đặc biệt lớn là độc quyền phát hành tiền Đông Dương, được dùng trong toàn cõi Đông Dương.
Được sự tán thành của Quốc hội Pháp, ngày 21-01-1875, Tổng thống Pháp Patrice Macmahon ra sắc lệnh về việc “thiết lập Đông Dương ngân hàng và cho cơ quan này được hưởng độc quyền phát hành tiền tại các xứ Đông Dương, các thuộc địa Pháp miền Thái Bình Dương và các tỉnh Ấn Độ thuộc Pháp”.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp về việc ký ban hành thành lập Ngân hàng Đông Dương thì phạm vi hoạt động của Ngân hàng Đông Dương rất rộng lớn, trải dài từ Thái Bình Dương đến tận Ấn Độ Dương. Ngân hàng được Chính phủ Pháp cho hưởng một số đặc quyền sau:
– “Ngân hàng Đông Dương có quyền nhận tiền kí thác của các khách hàng tư nhân cho nên nó trở thành Ngân hàng Ủy thác của khách hàng;
– Một ngân hàng nông tín, vì Ngân hàng Đông Dương có quyền cho các nông gia vay;
– Một ngân hàng thương mại, vì Ngân hàng Đông Dương có quyền cho tư nhân vay và chiết khấu các thương phiếu;
– Một ngân hàng doanh nghiệp, vì ngân hàng Đông Dương có quyền tham dự vào việc thiết lập những công ti kĩ – nghệ, thương mại hay nông nghiệp”.
Cũng theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp, Ngân hàng Đông Dương có trụ sở chính tại số 96, đại lộ Haussmann, thủ đô Paris của nước Pháp với vốn điều lệ ban đầu là 8.000.000 francs vàng, mỗi francs vàng nặng 322 mgr vàng nguyên chất và được chia ra làm 16.000 cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu có giá khởi điểm 500 francs. Tất cả các cổ phiếu này được nêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Paris.
Ra đời không bao lâu, Ngân hàng Đông Dương đã liên tục tăng vốn điều lệ: Từ 8.000.000 francs ban đầu lên 24.000.000 francs (năm 1900), 72.000.000 francs (năm 1920), 120.000.000 francs (năm 1931), 150.000.000 francs (năm 1940). Đến năm 1945, vốn của Ngân hàng Đông Dương là 157.500.000 francs. Điều đó chứng tỏ ngân hàng hoạt động rất mạnh và làm ăn đạt hiệu quả, đúng như mong đợi.
Về mạng lưới chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương, lúc đầu ngân hàng dự kiến mở bốn chi nhánh: hai ở Pháp (Marseille và Bordeaux), một ở Sài Gòn và một ở Pondichéry (Ấn Độ thuộc Pháp). Còn theo Phạm Quang Trung, bên cạnh những chi nhánh trên, tính đến trước năm 1945, Ngân hàng Đông Dương còn có thêm các chi nhánh sau: Hải Phòng 1885, Hà Nội 1886, Nouméa 1888, Phnompenh 1890, Đà Nẵng 1891, Hong Kong 1894, Thượng Hải 1898, Quảng Đông 1902, Hán Khẩu 1902, Singapore 1905, Papeete Nam Mỹ 1905, Bắc Kinh 1907, Thiên Tân 1907, Vân Nam 1920, Nam Định 1926, Cần Thơ 1926, Vinh 1927, Quy Nhơn 1928, Huế 1929, London 1940, Tokyo 1942, Đà Lạt 1943.
chuyenxua.net biên soạn