Năm 1971, có một vụ cháy lớn xảy ra ở chợ Cầu Muối. Đám cháy lớn tại khu dân cư đông đúc, hàng hóa chật chội nên xe cứu hỏa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đám cháy nên phải nhờ tới sự trợ giúp của trực thăng CH-47 “Chinook” bên quân đội Mỹ lấy nước sông Sài Gòn gần đó để chữa cháy từ trên không. Những hình ảnh xưa đã có lưu lại những khoảnh khắc kinh hoàng này của người dân xóm chợ:
Trực thăng CH-47 “Chinook” có khả năng chở 7,6m3 nước một lúc. Đây vốn là loại phi cơ trực thăng vận tải quân sự hạng nặng được chuyển đổi thành trực thăng cứu hỏa. Trực thăng CH-47 là phương tiện cứu hỏa tối tân nhất thế giới thời điểm đó. Một số hình ảnh trực thăng lấy nước chữa cháy:
Một số hình ảnh khác về vụ cháy chợ Cầu Muối năm 1971:
Gần đây, một số tài liệu ghi rằng vụ cháy này xảy ra ở chợ Cầu Ông Lãnh. Tuy nhiên đây là sự nhầm lẫn, vì chợ Cầu Ông Lãnh khác với chợ Cầu Muối. Hai chợ này nằm song song với nhau và có lịch sử hình thành riêng biệt. Nếu như chợ Cầu Ông Lãnh là chợ đầu mối nông sản nằm ngay dưới chân cầu Ông Lãnh bắc qua bên Khánh Hội, thì khu chợ Cầu Muối chủ yếu bán rau củ, nằm sâu vào trong một chút.
Theo cụ Vương Hồng Sển ghi trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, khu vực mang tên Cầu Muối đã có từ thời triều Nguyễn. Từ rạch Cầu Ông Lãnh, có một nhánh rẽ khác, và có một cây cầu ván nhỏ bắc qua nhánh rẽ này để vận chuyển muối, vì vậy cây cầu nhỏ được đặt tên là Cầu Muối, và con rạch nhỏ này cũng mang tên rạch Cầu Muối.
Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc 2 bên bờ rạch, ngay bên cạnh lò mổ. Những năm cuối thập niên 1910, rạch Cầu Ông Lãnh bị lấp để làm đường thì các rạch nhỏ xung quanh (trong đó có rạch Cầu Muối) vẫn còn, nằm bao quanh khu vực lò mổ. Con đường nằm ở vị trí rạch Cầu Ông Lãnh cũ được đặt tên tên chính thức là đường Abattoir (đường Lò Mổ), sau đó đổi tên thành đường Kitchener, trước khi mang tên đường Nguyễn Thái Học từ năm 1955 cho đến nay. Có thể nhìn thấy rõ rạch Cầu Muối nằm bao quanh lò mổ trong các tấm bản đồ Sài Gòn đầu thế kỷ 20 sau đây:
–
Năm 1947, khu lò mổ được di dời, một số tiểu thương đang buôn bán trái cây từ miền Tây Nam Bộ lên chợ Cầu Ông Lãnh đã có sáng kiến mua rau cải đặc sản từ Đà Lạt về phân phối trên khu đất hoang của khu vực Lò Heo cũ, cũng là kho muối cũ, Cầu Muối cũ. Chợ rau này nằm ngay trên khu vực kho muối cũ, sát bên cạnh Cầu Muối cũ, nên được gọi là chợ Cầu Muối. Một thời gian dài chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối tồn tại song song và gần nhau.
Một số hình ảnh chợ Cầu Muối trước 1975:
Nguyên nhân vụ cháy và chi tiết quá trình chữa cháy đó xảy ra như thế nào? Mời các bạn đọc lại bài phỏng vấn người trực tiếp chỉ đạo quá trình cứu hỏa hơn 50 năm trước là Thiếu Tá Huỳnh Văn Lợi (Chánh sự vụ Sở Cứu hỏa Đô Thành). Cuộc phỏng vấn này thực hiện sau vụ cháy khoảng 1 tháng:
- Xin Thiếu Tá cho biết tại sao chợ Cầu Muối bị cháy?
Thiếu Tá Lợi: Chúng tôi được Nha Giám Đốc Cảnh sát điện thoại cho biết chợ Cầu Muối bị cháy ngày 21/1/1971, lúc 12 giờ 50, chúng tôi liền điều động các xe cứu hỏa để rời trại. Viển vọng đài cứu hỏa cũng báo cáo có khói đen mịt nên đoàn xe rời trại đi ngả Trần Hưng Đạo, đồng thời chúng tôi cũng cho các Chi của chúng tôi biết để tiếp viện cho trại trung ương: đó là các Chi Quận IV, Quận VI và Quận VIII.
Khi đến đường Hồ Văn Ngà [nay là Lê Thị Hồng Gấm], đoàn xe không thể tiến được vì đồng bào đã bày hàng hóa đầy lối đi. Vì vậy chúng tôi không thể vào chỗ cháy được, phải xuống xe dẹp đường và cho xe tiến vào trong.
Chúng tôi không biết rõ nguyên nhân vụ xảy ra hỏa hoạn, nhưng nghe đồng bào kể lại nguyên nhân của vụ cháy là do một người giữ em đã để nhang hun muỗi cháy vào một cái gối và phát cháy lớn.
- Phải chữa trong bao lâu mới dập tắt được ngọn lửa?
Thiếu Tá Lợi: Đám lửa cháy lúc 12 giờ 50 và chúng tôi đã chữa tới 3 giờ.
- Đoàn chữa lửa có gặp cản trở gì khác không? Có phải phi cơ trực thăng Hoa Kỳ cũng tới trợ giúp?
Thiếu Tá Lợi: Hai chi cứu hỏa Quận IV và Quận VIII cũng bị nghẹt không đi được vag khi vô tới nơi, chúng tôi cũng đã bao vây lấy ngọn lửa.
chuyenxua.net biên soạn