Những ngôi chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa: Kỳ 4 – Chợ Bình Tây (Chợ Lớn)

Ngày nay, hẳn đã có không ít người đã từng bối rối khi lần đầu đến vùng Chợ Lớn nhưng lại không thể tìm ra ngôi chợ nào có tên Chợ Lớn. Ngôi chợ sầm uất, đông đúc và lớn nhất vùng này lại mang biển tên là Chợ Bình Tây, đồng thời cũng thường được gọi bằng cái tên không chính thức là Chợ Lớn mới, thay thế cho Chợ Lớn cũ đã không còn tồn tại từ hàng trăm năm trước. Sự trúc trắc này bắt nguồn từ những thăng trầm và biến đổi trong lịch sử lâu đời của vùng đất này.

Khu vực Chợ Lớn bắt đầu manh nha hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 17, khi những người Hoa không thần phục nhà Thanh, bỏ Trung Quốc sang Nam Kỳ sinh sống và lập ra làng Minh Hương. Đến cuối năm 1778, làng Minh Hương trở nên đông đúc hơn khi đón nhận thêm những người Hoa từ Cù Lao Phố (Biên Hòa) chạy đến lánh nạn quân Tây Sơn. Dù phải trải qua nhiều phen biến loạn, những khu chợ của người Hoa dần hình thành và phát triển sầm uất.

Năm 1859, khi Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, khu vực Chợ Lớn đã hình thành cho riêng mình một ngôi chợ sầm uất có tên là Chợ Sài Gòn (cũ), nhưng do đây là ngôi chợ lớn nhất trong vùng nên người dân thường gọi là Chợ Lớn. Để củng cố vị trí vững chắc của mình tại Nam Kỳ, Pháp quyết định quy hoạch và xây dựng thành phố Sài Gòn hoàn toàn mới từ những năm cuối thế kỷ 19, trở thành trung tâm hành chính của Nam Kỳ (nay là khu vực trung tâm Quận 1). Tuy nhiên, người Pháp cũng hiểu được tầm quan trọng của khu vực Chợ Lớn trong nền kinh tế Nam Kỳ. Song song với việc xây dựng thành phố Sài Gòn là trung tâm của toàn miền Nam, người Pháp không quên việc nắm giữ yết hầu kinh tế của vùng. Ngày 6/6/1865, thành phố Chợ Lớn chính thức được công bố thành lập. Ngôi chợ Sài Gòn (cũ) tại vùng này chính thức có tên gọi mới là Chợ Lớn (cũ).

Chợ Lớn cũ, nơi ngày nay là bưu điện Quận 8

Chợ Lớn (cũ) khi đó được xây dựng trên rạch Chợ Lớn, nhìn thẳng qua kênh Phố Xếp vẫn là ngôi chợ tấp nập nhất trong vùng cho đến khoảng năm 1880, là năm chợ Bình Tây (cũ) được xây dựng. Chợ Bình Tây (cũ) được xây dựng khang trang, rộng đẹp hơn tại vị trí đắc địa ngay bến quai de Mytho, đối diện chợ là Cầu Bình Tây bắc qua kênh Tàu Hũ, xung quanh là chợ cá (giao điểm của rạch Chợ Lớn và rạch Phố Xếp) tấp nập người mua kẻ bán.

Chợ Bình Tây cũ

Hai ngôi chợ của thành phố Chợ Lớn là Chợ Lớn (cũ) và Chợ Bình Tây (cũ) tiếp tục tồn tại song song trong suốt mấy chục năm sau đó. Năm 1923, rạch Chợ Lớn bắt đầu bị san lấp để làm đường lộ, khiến cho Chợ Lớn không còn là khu chợ thuận tiện cho việc buôn bán vì giao thông đường thuỷ đã bị cắt đứt hoàn toàn. Chợ Bình Tây (cũ) nằm ở vị trí đắc địa hơn, thuận tiện giao thông thuỷ – bộ nhưng lại không đủ lớn để bao thầu các hoạt động kinh doanh, thương mại của vùng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Chợ Lớn mới (Chợ Bình Tây)

Thời điểm đó, Quách Đàm, một thương nhân người Hoa nổi tiếng nhất nhì vùng Chợ Lớn với tầm nhìn xa, tiềm lực kinh tế lớn mạnh và những mối quan hệ sâu rộng trên chính trường đã ấp ủ dự định cho việc xây dựng một ngôi chợ quy mô, hoành tráng nhất vùng trên khu đất rộng lớn mà ông đã mua với giá rẻ từ trước đó. Năm 1928, chợ Bình Tây (mới) được khánh thành, nhưng Quách Đàm thì đã mất từ hơn một năm trước đó (5/1927).

Ngày 12/09/1928, trước khi chợ Bình Tây được khánh thành, trên tờ Công Luận Báo, tác giả Phú Đức đã có bài viết về những suy tính và những nước đi của Quách Đàm khi quyết định xây chợ Bình Tây, cũng như không khí hân hoan, náo nức của cư dân vùng Chợ Lớn chờ đón ngày khai thị như sau:

“Chợ mới Bình Tây

Đại kỳ mưu của Quách Đàm

Lễ khánh thành chợ mới nầy là một cái lễ đại cáo thành công của Quách Đàm và cũng là lễ kỷ niệm Quách Đàm.

Chú Quách Đàm đã mất mà tên tuổi chú Quách Đàm vẫn còn. Lịch sử chú Quách Đàm ta đã được rõ, tưởng không cần phải thuật lại. Ai không nghe nói chú Quách Đàm cách vài mươi năm về trước là một người khổ cực nghèo khó đi mua da trâu? Mà ai không nghe chú Quách Đàm vài năm về sau nầy là một người sung sướng sang trọng, là tay đại phú hộ? Trước dày sành đạp sỏi, giang nắng dầm mưa, sau lên xe xuống ngựa, lầu son gác tía. Một người như Quách Đàm trên đời hiếm có vậy.

Hôm nay nói đến tên Quách Đàm không phải là vô vị. Nhắc đến tên Quách Đàm là nói đến cái chợ mới ở Bình Tây. Chợ mới nầy cất đã hoàn thành, ngày khai thị là 28 Septembre, nhằm ngày Trung Thu. Ngày Trung Thu sắp đến, ngày khai thị chợ mới Bình Tây sắp đến. Cuộc lễ khai thị có lẽ lớn hơn cuộc lễ khai thị Sài Gòn. Ngày ấy sẽ thấy cái xóm Bình Tây trở nên náo nhiệt là thế nào. Kẻ lo làm cộ dự cuộc lễ, người lo sẵn tiền chơi lễ, nay đi đến đâu cũng nghe có người nói chuyện khai thị Bình Tây.

…..

Nói đến chợ Bình Tây tất phải nói đến tên chú Quách Đàm. Chú Quách Đàm cho đất cất chợ, chú Quách Đàm cho hai trăm bốn chục ngàn đồng để cất chợ, ai nghe nói không nói chú Quách Đàm giàu bạc mà lại lòng báo nghĩa. Nói như vậy là chưa đúng với sự thật. Một tên mua bán da trâu mà trở nên một tay đại phú hộ, ta chẳng nên nói câu đại phú do thiên là đủ đâu ta phải rõ là một người thượng trí.

Thuở còn sanh tiền chú Quách Đàm thấy chợ ở Chợ Lớn tuy rộng lớn, song một ngày một nhỏ, vì không đủ chỗ cho kẻ bán, không còn đường cho người mua, Quách Đàm nghĩ rằng sớm muộn chánh phủ phải kiếm đất mua đặng cất chợ khác rộng lớn hơn.

Thấy như vậy Quách Đàm bèn xuất tiền mua một sở đất được bốn mẫu, đầy những hào vũng bỏ hoang tại Bình Tây không bao nhiêu tiền. Quách Đàm định sẽ cắt ra một vuông đất đặng cho thành phố Chợ Lớn để cất chợ cũ thì đất chung quanh chợ mới sẽ cất giá cao là dường nào. Các chủ phố ở chung quanh chợ nghe tin ấy rõ biết cái mưu của Quách Đàm rồi. Chợ dời thì chỗ buôn bán ở quanh chợ phải thất lợi nhiều, như chợ cũ và chợ mới Saigon vậy. Mấy thương gia không thể ngồi xem các cửa hàng của mình nát. Chủ phố không thể ngồi điềm nhiên tọa thị để phố bỏ không. Mấy chủ phố ở gần chợ cũ bèn quyên tiền đi LO. Lo gì? Lo cho ai?

Quách Đàm thấy mấy chủ phố quyết vãi bạc đánh một trận với mình, không thể chịu thua bèn xuất ra một số tiền to để lo xa lo gần. Việc lo gần của Quách Đàm ta không được nói, chỉ nói lo xa, là cho thành phố Chợ Lớn số tiền là 242.000 đồng bạc để cất chợ.

Hai bên thắng bại vì số bạc lớn nhỏ. Kết cuộc, chợ Bình Tây đã cất hoàn thành, chẳng cần nói ra ai cũng biết Quách Đàm được cả thắng vậy. Thương thay các chủ phố kia ra tiền lo cho khỏi dời chợ, mà chỉ có được lời hứa thôi. Ngày nay cuộc lễ khai thị sấp chơi, các chủ phố kia trông thấy đó chẳng buồn sao?

Nguy nga thay chợ Bình Tây! Đồ sộ thay chợ Bình Tây! Thấy chợ Bình Tây, ai chẳng khen ngợi Quách Đàm. Ta tiếc giùm cho Quách Đàm đã ra người thiên cổ, chẳng được mục thưởng cuộc lễ vẻ vang nầy!

Tuy nhiên, Quách Đàm dầu đã thác, nhưng cái vĩ tích Bình Tây còn đó, con cháu Quách Đàm còn đó, thì cái danh của Quách Đàm, cái lợi của Quách Đàm đời đời cũng chẳng mất đi đâu đặng. Có thể nói rằng:

Lễ khánh thành chợ mới này là một cái lễ đại cáo thành công của Quách Đàm và cũng là lễ kỷ niệm Quách Đàm vậy.”

Đúng như bài viết, Thành phố Chợ Lớn đã tổ chức lễ hội khánh thành chợ như một lễ hội cộng đồng kéo dài suốt 3 ngày từ ngày 28/9 đến hết ngày 30/9/1928 với nhiều hoạt động như: Ban ngày thì có rước cộ rồng, cộ xe của các bang hội người Hoa diễu hành qua các con đường quanh khu Chợ Lớn, tổ chức các hoạt động thể thao như thi đá banh, đua xe đạp, đánh tennis,… Buổi tối thì có bắn pháo bông, tổ chức khiêu vũ, hát bội, chiếu bóng,… từ chập tối cho đến tận khuya phục vụ hoàn toàn miễn phí cho người dân.

Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brose và hàng loạt quan chức cao cấp của Sài Gòn – Chợ Lớn đã có mặt trong buổi lễ khánh thành diễn ra vào lúc 4h30 chiều ngày đầu tiên của lễ hội, ngày 28/9/1928.

Ngày khánh thành chợ Bình Tây

Dù được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Pháp, chợ Bình Tây hoàn toàn mang dấu ấn kiến trúc Á Đông với đồ hình bát quái trong khuôn viên hình chữ nhật rộng 25.000m2. Toàn bộ mái chợ được lợp bằng ngói âm dương uốn lượn, trang trí thêm long phượng. Ngôi tháp giữa trên mái chợ nhô cao bốn mặt gắn đồng hồ và “lưỡng long chầu châu”. Chợ có 12 cửa ra vào (cả chính lẫn phụ).

Một năm rưỡi sau ngày khai thị, ngày 14/03/1930, lễ đặt tượng Quách Đàm trong khuôn viên chợ Bình Tây đã được gia đình Quách Đàm tổ chức long trọng với sự tham gia của hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền Pháp.

Tượng Quách Đàm được đúc bằng đồng đen (đúc tại Pháp), đặt trên bệ đá trắng gắn kỳ lân và giao long phun nước bằng đồng, tóc thắt bím, đầu đội nón nhỏ, mặc triều phục nhà Mãn Thanh, tay cầm bản đồ.

Sau 45 năm yên vị trong khuôn viên chợ Bình Tây, năm 1975, tượng Quách Đàm bị gỡ xuống, đưa về Bảo Tàng Mỹ Thuật lưu giữ. Tuy nhiên, nhiều năm sau, để tưởng nhớ người có công lập ra ngôi chợ, các tiểu thương đã làm một pho tượng bán thân nhỏ, đặt vào vị trí cũ, thường xuyên nhang khói, cúng lễ.

Sau nhiều năm hoạt động, gồng gánh lượng người mua bán ra vào tấp nập, chợ Bình Tây bị xuống cấp khá nhiều. Chợ trải qua nhiều lần tu sửa vào năm 1992 và năm 2006, trước khi được đại trùng tu vào năm 2016 bằng tiền đóng góp của các tiểu thương. Sau 2 năm tạm ngưng hoạt động để tu sửa, tiêu tốn 104 tỷ đồng, tháng 11/2018, chợ Bình Tây đã chính thức hoạt động trở lại với 1.446 sạp hàng. Hầu như toàn bộ kiến trúc ngôi chợ đã được phục dựng, tu sửa nguyên trạng so với thiết kế ban đầu từ năm 1928. Riêng nền được nâng cao hơn trước và xây dựng thêm tầng hầm có diện tích 172m2 để phục vụ cho hoạt động của ngôi chợ.

Chợ Bình Tây hiện nay nằm ở địa phận quận 6, là một trong những khu chợ sỉ lớn nhất Sài Gòn, chuyên bỏ sỉ hàng hoá đi khắp các tỉnh thành trong nước và sang cả Lào và Campuchia.  Bốn mặt chợ là 4 con đường kinh doanh tấp nập gồm: Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình và Phan Văn Khoẻ.  Ngày nay, Chợ Bình Tây không chỉ là nơi kinh doanh, buôn bán tấp nập mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và mua sắm.

Một số hình ảnh xưa của chợ Bình Tây:

Dãy nhà bên hông chợ:

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận