Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay là trường chuyên nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Trước năm 1975, đây cũng là ngôi trường dành riêng cho nam sinh nổi tiếng nhất đô thành với cái tên Petrus Ký, là niềm tự hào của nhiều thế hệ từng học tại đây.
Ngôi trường Pétrus Ký ban đầu là một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat (là trường trung học đầu tiên của Nam Kỳ, nay là trường Lê Quý Đôn). Tuy nhiên, nếu như Collège Chasseloup Laubat nằm ở trung tâm Sài Gòn chỉ dành cho con em người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp, thì trường Pétrus Ký nằm ở khu vực “hẻo lánh” vào thời điểm đó là khu Chợ Quán ở thành phố Chợ Lớn, thu nhận toàn bộ là học trò người Việt, dạy từ lớp 6 đến lớp 12.
Nguyên do là vào khoảng năm 1925, số học sinh người Việt theo học chương trình trung học Pháp ở trường Chasseloup Laubat ngày càng nhiều, khu người bản xứ ở trường này không đủ chỗ vì phòng ốc có hạn, nên chính quyền thuộc địa cho lập một phân hiệu mới của Chasseloup Laubat theo thiết kế của kiến trúc sư Hébrard de Villeneuve, cơ sở dành cho học sinh bản xứ, khánh thành sau 2 năm xây dựng.
Ngày 28/11/1927, Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Alexandre Varenne ban nghị định đặt tên trường là Collège de Cochinchine (trường cao đẳng Nam Kỳ). Trường này được đặt dưới sự quản lý của hiệu trưởng của Collège Chasseloup Laubat cùng với một giáo sư phụ trách tổng giám thị, chuyển 200 học sinh khu bản xứ từ trường Chasseloup Laubat sang.
Nhiều học sinh các tỉnh, sau khi xong bậc tiểu học ở quê, có thể lên Sài Gòn dự thi vào trường mới này. Về sau, từ thời Ðệ nhất Cộng Hoà, do số học sinh tăng nhanh, muốn vào trường công lập phải qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao, nên học sinh nào đậu vào trường là niềm hãnh diện lớn cho bản thân và cả gia đình.
Đầu năm học 1928-1929, đó là ngày 11/8/1928, Toàn quyền mới của Đông Dương là René Robin đổi tên trường thành Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ.
Xuất xứ trên trường Pétrus Ký
Thực ra từ trước khi ngôi trường này xây xong thì Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Blanchard de la Brosse đã có dự định đặt tên trường này mang tên nhà bác học Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký). Đó là vào ngày 18/12/1927, một bức tượng toàn thân của Pétrus Ký được khánh thành ở công viên trước dinh Norodom (sau này là Dinh Độc Lập), bên cạnh Nhà Thờ. Nhân dịp này, Thống Đốc Nam Kỳ đã công bố quyết định “Trường Trung Học Pháp-Việt đang xây tại Chợ Quán sẽ lấy tên Pétrus Ký Trung Học Đường”.
Tuy nhiên ý tưởng này của ông Thống đốc chỉ được thực hiện vào 2 năm sau đó, đó là tháng 12 năm 1929, trường Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ được đổi tên thành Collège Pétrus Trương Vĩnh Ký. Sang năm sau đó, trường mở thêm bậc trung học nên được gọi là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi tắt là Pétrus Ký và tên này được sử dụng trong gần 50 năm, từ 1929 đến 1975.
Xin nói thêm về bức tượng toàn thân của Pétrus Ký cao khoảng 1,70m, tương đương với chiều cao thực của ông. Tượng đúc bằng đồng, đặt đứng trên bục cao, mặc áo dài, đầu đội khăn đóng – đây là hai loại trang phục đã gắn liền suốt cuộc đời của ông Petrus Ký.
Chi phí để dựng tượng này được quyên góp với sự khởi xướng ban đầu của báo Lục Tỉnh Tân Văn của Trần Chánh Chiếu vào năm 1908, lúc đó Pétrus đã qua đời được 10 năm. Bức tượng được đặt ở vị trí này từ năm 1927, đến 1975 thì bị tháo dỡ, chuyển về Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố (Nhà chú Hỏa, 97 Phó Đức Chính).
Ngoài bức tượng toàn thân này, trong sân trường của trường Pétrus Ký có một bức tượng bán thân của Petrus Ký, được điêu khắc Sylve Raffegeard thực hiện ở Saigon năm 1889 (9 năm trước khi mất). Bên hông phải của tượng còn khắc rõ tên của tác giả và năm đúc.
Đến ngày 6-12-1937, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn hóa, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường Petrus Ký đã đặt tượng bán thân bằng đồng này của ông Petrus Trương Vĩnh Ký tại giữa sân trường. Hiện nay bức tượng này vẫn còn trong phòng truyền thống của trường Lê Hồng Phong.
Xin nói trở lại về trường Pétrus Ký, ngôi trường có kiến trúc độc đáo, rộng lớn, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi trên 8ha, có những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.
Có thể nói đây là tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Trường có 3 phần riêng biệt: khu học, khu nội trú, khu trò chơi – thể thao. Khu học sinh hình tứ giác mà 2 chái nhô ra là phòng dành cho hành chánh – văn phòng, các lớp học tập trung tại hai dãy nhà 1 tầng bao quanh sân chính. Phía trong cùng là các phòng chuyên môn, giảng đường có bậc và có phòng thực hành, thí nghiệm.
Khu nội trú gồm có 1 phần là nhà ăn chứa 600 chỗ, phần khác là 4 tòa nhà xếp đặt theo hình nanh sấu.
Từ thời đệ nhất cộng hoà, một số cơ sở và đất đai của Trường Pétrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để dùng cho những cơ quan giáo dục khác.
Ba dãy lầu lớn của Trường Pétrus Ký được dùng cho ĐH Khoa học và ĐH Sư phạm. Nhà tổng giám thị Pétrus Ký được dùng làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ, một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số viên chức Bộ Giáo dục Sài Gòn.
Tuy bị cắt xén nhiều nhưng Trường Pétrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam.
Trường Petrus Ký có 2 cấp học: Cao đẳng tiểu học (sau này được gọi là Trung học đệ nhất cấp, nay gọi là cấp II) và đệ nhị cấp (sau này được gọi là Trung học đệ nhị cấp, nay gọi là cấp III).
Trước năm 1975, trường Pétrus Ký dạy từ lớp 6 đến lớp 12 (đệ thất tới đệ nhất). Sau năm 1975, trường đổi tên thành Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Nhưng từ năm học 1976-1977, trường không nhận học sinh vào lớp 6 nữa, rồi chấm dứt cuốn chiếu các lớp 7,8,9 cho tới năm 1979 thì chỉ còn là trường dạy cấp 3. Từ năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong.
Cơ sở của trường Petrus Ký – Lê Hồng Phong có thời gian bị ngắt quãng vì thời cuộc, đó là vào năm 1942, học sinh phải dời về học tạm ở trường sở Sư phạm Sài Gòn ở đường Dr Angier (nay là khu vực trường Trưng Vương – Võ Trường Toản bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm), được một thời gian ngắn thì về lại trường cũ.
Năm 1945, cơ sở trường Petrus Ký bị quân đội Nhật trưng dụng làm doanh trại, học sinh trường phải dời về trường Tiểu học Tân Định, nhưng không được bao lâu thì phải tạm ngưng hoạt động. Chỉ đến khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Pháp quay trở lại Sài Gòn thì trường mới mở cửa trở lại vào ngày 1/4/1946, nhưng phải dạy nhờ ở chủng viện Công giáo Saint Joseph ở đường Lucien Mossard (nay là Nguyễn Du), đến đầu năm 1947 thì quay lại trường cũ.
Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của ngôi trường danh tiếng này:
–
–
–
–
–
–
–
Bài: Đông Kha (chuyenxua.net)