Sài Gòn nửa đầu thế kỷ 20 qua miêu tả của Hồ Biểu Chánh

Trong các tiểu thuyết của mình, nhà văn Hồ Biểu Chánh thường lấy bối cảnh ở miền quê lục tỉnh Nam Kỳ, số phận của người nông dân, tá điền và những khó khăn trong đời sống của họ để làm nhân vật chính cho những tác phẩm của mình, nhưng nhiều nhất vẫn là không gian, cuộc sống diễn ra hằng ngày ở Sài Gòn, vốn được xem là Hòn ngọc Viễn Đông, là bao lơn của Thái Bình Dương thời bấy giờ. Ngay trong các câu chuyện của ông xảy ra ở lục tỉnh, nhưng chúng ta vẫn thấy các nhân vật đó đều có dịp lên Sài Hòn để buôn bán, làm ăn, đi thăm người quen, đi học hay vui chơi, giải trí…

Đọc các tác phẩm của ông như Vì Nghĩa Vì Tình, Bỏ Vợ, Lời Thề Trước Miễu, Lạc Đường, Ở Theo Thời,… Chúng ta dừng như vẫn cảm nhận được rằng, cho dù Sài Gòn ngày nay đã trải qua hàng thập niên đổi thay, với biết bao biến thiên và thăng trầm của lịch sử, nhưng vẫn còn giữ được những dáng dấp rất riêng, rất đặc trưng của vùng đất phương Nam.

Buổi sáng ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20 được ông miêu tả khá bình dị, với những con đường vắng, đẫm sương mai, cảnh vật im lìm: “Gần hết nửa canh năm, hướng đông sao mai đã ló mọc. Bầu trời rực sáng, nên chỗ đen đen, chỗ đỏ đỏ; mặt cỏ gội sương nên khoảnh ướt ướt, khảnh khô khô. Có một người đàn ông, tuổi trên bốn mươi, ở phía dưới trường đua ngựa cũ Sài Gòn, theo đường quản hạt lầm lũi đi riết lên xóm Chí Hòa, hai tay có ôm một đứa con nít chừng năm, sáu tuổi. Mấy nhà ở dọc theo hai bên lộ còn ngủ, nên cảnh vật im lìm, duy có một cỗ xe bò chở rau, cải, khoai, đậu ở trên miệt Bà Quẹo thủng thẳng đi xuống, cặp bò na nần, lồng đèn leo heo, bánh xe lét két.”

Còn buổi chiều thì người qua lại dập dìu, dân cư đông đúc:

“Ngài đứng coi chơi một hồi rồi lên xe kéo bảo xa phu chạy lên Chí Hòa. Trời đã chạng vạng. Đường lên Chí Hòa thiên hạ qua lại dập dìu, xe hơi, xe thổ mộ chạy liên tiếp, tiếng kèn với tiếng chuông nghe không dứt.

Quan Phủ Bình thấy cảnh cũ đường xưa thì ngài bồi hồi trong lòng. Cách hai mươi mấy năm trước, một buổi chiều ngài đều đi qua quãng đường nầy, tuy hồi đó thiên hạ qua lại ít hơn, nhà cửa hai bên đường thưa thớt hơn song mùi danh lợi chất chứa đầy lòng, tranh tương lai chớn chở trước mắt. Bây giờ ngài trở lại đường nầy, tuy dân cư đông đảo hơn, nhà cửa tốt đẹp hơn, song thấy cảnh ấy lòng lại lạnh tanh, trí lại chán ngán.”

Và Sài Gòn với nhiều tụ điểm vui chơi giải trí. Trước tiên là một phiên hội chợ đêm:

“Cuộc chợ đêm Sài Gòn đã mở cửa bữa trước rồi, mà tối bữa sau mới 7 giờ, mấy nẻo đường vòng theo chợ, thiên hạ nườm nượp, kẻ ngồi xe, người thả bộ, đổ vô mấy cửa, riu riu như bị gió đùa, cuồn cuộn như dòng nước chảy. 

Tại cái cửa lớn, người ta tụ lại chật nứt, trai chải đầu láng nhuốc, gái thoa môi đỏ lòm, giả ngậm thuốc điếu phì phà, khó bay tưng bừng, mẹ dắt bầy con, đứa chạy nghênh ngang, đứa theo sau núc ních, kêu nhau ỉnh ỏi. Tốp chen lấn mua giấy, tốp ùn ùn vô cửa, người mặc y phục đàng hoàng chung lộn với kẻ bình dân lao động không ái ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẻ hân hoan hớn hở, vì ai cũng biết chắc trong giây phút nữa đây sẽ được xem xét thấy nhiều cuộc vui để thỏa chí háo kỳ, hoặc để tạm quên các sự khổ cực của loài người trên trần thế.

Ở trong chợ đèn điện đốt sáng trưng, lại thêm máy nói cất giọng ồ ề rao hàng om sòm, làm cho thiên hạ càng rộn rực chen nhau mà vô riết, dường như sự vô trễ một chút rồi giảm bớt sự vui nhiều lắm vậy.

Sau đó chúng ta lại đến sân vận động xem đánh quần vợt và bóng đá: 

“Qua tuần sau người ta tổ chức hai cuộc thể thao rất to tát, để tranh giải thưởng. Có giấy lớp dán cùng vách, lớp rải cùng đường, lại nhiều tờ nhựt báo cũng cổ động trót bốn năm bữa, mà nói rằng chiều thứ bảy có một cuộc đánh tennis, rồi chiều chúa nhật lại có một cuộc đá banh tròn, trong hai cuộc đều tuyển chiến tướng đại tài ở Nam Kỳ để tranh đấu với chiến tướng Cao Mang.

Thầy Phát rủ thầy Ký mua vé vô coi luôn hai bữa, coi đánh tennis mỗi người mất một đồng, còn coi đá banh mỗi người mất hết năm cắc. Tuy đánh tennis thâu tiền vô cửa mắc, mà thiên hạ cũng đi coi đầy sân, tiếc vì hai người đấu với nhau mới có hai sết, mỗi người ăn một sết, rồi một người chịu thua, thành ra không có tranh kịch liệt, nên không thú vị. Còn bữa đá banh thì thiên hạ lớp ngồi lớp đứng giàn nào cũng đầy nhóc. Chiến tướng ráp đá, ban đầu hai bên hăng hái, nhưng mà cách chơi còn hòa nhã. Cách mười phút đồng hồ, chiến tướng Nam Vang ăn được một bàn. Chiến tướng Nam Kỳ quyết gỡ, nên nỗ lực công kích dữ dội. Bên Nam Vang ráng thủ thắng, thành ra xung đột. Chiến tướng trong sân thì nóng nảy, công chúng trên giàn thì lại đốc sức la lối om sòm. Chiến tướng đá banh mà coi thế không cần trái banh nữa người này lừa đá ống quyền người kia, người kia kiếm thế đá trong ngực người nọ. Vì sức lực yếu, lại luyện tập ít, nên đá mới nửa cuộc rồi bên nào cũng bết hết, người thì đưa chơn đá gió, kẻ thì không chịu theo banh, làm cho khán giả la rùm, biểu trả tiền lại.”

Rồi vào trường đua ngựa:

“Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi đây, phần đông là An Nam, chẳng những là đông bên hạng 0đ,25 đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng 1đ,10 ngồi trên khán đài An Nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa. Khi mới vô, thầy Phát tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền đến coi chơi cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, thầy dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm, đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót, chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu, lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ cũng khá rình rang, riêng các vở diễn cải lương thì được cho công diễn ở vị trí khá quan trọng là nhà Hát Tây (nay là Nhà hát Thành phố):

“Ăn cơm rồi hai người dắt nhau đi. Tuy đã nhứt định đi coi Vườn thú rồi về, xong xuống tới đó coi cùng vườn rồi, Ba Sang theo nài nỉ hoài, ông Cử phải đi luôn ra đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi – TG). Đến trước rạp hát Tây thấy có một cáu băng trống hai người mới ngồi lại mà nghỉ chơn. Lối 2 giờ rưỡi chiều, lại nhằm mùa mưa, nên mặt trời ui ui, khí trời mát mẻ. Hai người ngồi coi đoàn xe hơi qua lại, cái thì chở khách mặt mày hớn hở, cái thì chở khách bộ tịch buồn hiu, nghe bọn kéo xe luận đàm, đứa thì có tiền no đủ, nói nói cười cười, đứa thì kiếm chưa đủ tiền xe nên than phiền số phận. 

Cách một lát có một đứa nhỏ ở phía dưới mé sông đi lên, tay lắc chuông kêu leng – keng, vai vác một tấm bảng đỏ lói, đi tới cái băng chỗ ông Củ và Ba Sang ngồi, đứa nhỏ ấy dựng tấm bản một bên, rồi ngồi gần Ba Sang mà nghỉ chơn. Ba Sang không biết chữ, không hiểu tờ giấy đỏ dán trên tấm bảng ấy nói chuyện gì, nên vỗ vai thằng nhỏ mà hỏi: 

 – Em rao bán giống gì vậy em?

Thằng nhỏ cười đáp: 

– Trời ơi, anh nầy quê quá, bảng rao hát cải lương chớ bán giống gì. Anh không thấy hình đó sao? Hình đó là hình cô đào nhứt trong gánh, tối nay thủ vai Bàng Quí Phi cụp lắm.

Ba Sang với lấy tấm bảng, cầm coi cái hình, khen cô đào xinh đẹp, rồi kêu ông cử mượn đọc, coi những hàng chữ in ở trên cái hình đó nói giống gì vậy. Ông Cử không nỡ tiếc công lại cũng muốn biết cái bảng rao hát tuồng gì, nên ông liền cầm tấm bảng mà đọc như vậy: 

– Hát tại nhà hát thành phố Saigon/ Tối chúa nhựt 16 Aout 19…/ Ban hát cải lương Sắc Thinh đi Lục tỉnh mới về/ Sẽ diễn tuồng Xử Tội Bàng Quí Phi/ Cô Sáu Hảo thủ vai Bàng Quí Phi xuất sắc/ Hay lắm! Hay lắm!

Hai thầy dắt nhau xuống rạp hát Thanh Bạch, thấy ngoài cửa dán giấy đề “Hát hay lắm” chữ lớn đại, nghe trong rạp kèn trống vang vầy. Thầy Ký mua hai cái giấy hạng nhứt rồi dắt nhau vô cửa. Bầu gánh cổ động thì khoe hát hay lắm, mà kép hát ra sân khấu thì hát không ra tiếng. Hai thầy ngồi coi tới chín giờ rưỡi, không thấy lớp nào hay, nên thối chí rủ nhau ra về.”

Vốn là chốn phồn hoa đô thị, bên cạnh một Sài Gòn năng động làm ăn, còn có một Sài Gòn sặc sỡ đèn màu với những lối ăn chơi xa xỉ đủ điều:

“Cách vài ngày sau hai anh em dắt nhau vô một nhà hàng bán rượu mà coi “An Nam nhảy đầm”. Thầy giáo Phát thấy con trai con gái đeo nhau mà nhảy trước mặt công chúng thì trái với con mắt quê mùa của thầy quá, nên hối thầy Ký uống rượu riết cho hết mà ra.”

Hay:

“Xe chạy chầm chậm, thầy Phát ngó vô mấy quán nem, thì quán nào khách khứa cũng đông nức song khách từ dụm mà ngồi, mà bàn nào cũng có đờn bà và cũng cười giỡn om sòm. Thầy Tài biểu sốp phơ ghé xe ngay cái quán lớn hơn hết, rồi dắt vợ và em lại ngồi một cái bàn để ngoài sân, kêu bồi đem nem ăn. Cái bàn ngang phía bên kia thì có ba người ngồi; một người chạc chừng hai mươi bốn, hai mươi năm tuổi, mặt dồi phấn trắng nõn, đầu xức dầu rồi chải tóc láng lẩy, mình mặc bộ đồ ga-bạc-đin xám, chơn mang một đôi giày nửa trắng, nửa vàng. Người trai ấy ngồi giữa, hai bên có hai cô cặp kè. Một cô mặc áo quần toàn màu đỏ, một cô mặc áo quần toàn màu xanh, áo thì vắn chúng hai tay và trôn có giún tai bèo, cô nào cũng dồi phần mặt trắng toát, má ửng hồng, môi đỏ lòm, mày nhỏ rức.

Thầy Phát tuy ngồi ăn nem, mà mắt liếc qua cái bàn đó, thì thấy hai cô giỡn hớt với cậu, nói nói, cười cười, rồi lại ôm mặt mà hun, không kể ai hết. Ăn uống rồi cậu móc bóp ra trả tiền, hai tay cặp hai cô, vác mặt hân hoan bước lên xe mà đi.”

Sài Gòn quả là chốn phồn hoa đô hội, người dân nơi đây được hưởng thụ những vinh hoa, nhưng cũng còn quá nhiều cảnh đời cơ cực, sống trong những xóm lao động nghèo hèn:

“Trời chạng vạng tối, dãy nhà lá ở dài theo bờ kinh Dérivation, là cái kinh đào từ Lăng-Tô vô Rạch – Cát để chở lúa gạo trong các nhà máy Chợ – Lớn đem ra thương khẩu Sài Gòn, lần lần lu lờ, làm cho phai bớt cái vẻ nghèo hèn thấp thỏi được chút ít. Tuy vậy mà đám con nít chạy chơi ngoài lộ, đứa quần áo lang thang, đứa mặt mày dơ dáy; những người đờn bà ngồi ngoài cửa hứng mát, hoặc đút cơm cho con ăn, phần nhiều hình vóc ốm o, tóc tai xụ xọp; những đờn ông làm ở các sở, mãn giờ đi về dập đều, người nào cũng da nám tay chai; quang cảnh ấy, cũng đủ chứng cho cái xóm nầy là xóm bình dân lao động.”

Và những thân phận nghèo khổ đó đã bất chấp tất cả để được ăn và uống:

“Thầy Ký ăn hủ tiếu, thầy với thịt với hủ tiếu ăn hết, chỉ còn một mớ giá với nước rồi xô cái tô qua một bên mà uống cà phê. Cái tô hủ tiếu vừa mới trịch qua, thì có một người trai và một đứa nhỏ đứng hờm hồi nào gần đó không biết, áp lại giành bưng cái tô. Người trai giành được bèn kê cái tô vô miệng mà húp nước hủ tiếu rồn rớt, rồi lại lấy đũa và mớ giá mà nuốt nữa. Đứa nhỏ giành không lại, thì đứng ngó lườm lườm, coi bộ tức giận lắm. Thầy Phát thấy vậy mới móc túi lấy một đồng xu mà cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ chưa kịp tạ ơn, bỗng thấy cái bàn gần đó có người đứng dậy đi, mà bỏ ly cà phê còn dư bộn, nó chụp lấy đồng xu rồi với bưng ly cà phê dư mà uống ọt ọt. 

Thầy băng qua mé nhà chợ, thầy gặp một tốp con nít đứa quần áo lang thang, đứa ở trần trụi, mỗi đứa có một cái thúng, thấy ai mua đồ thì chạy theo xin đội giùm về nhà. Lại cũng có nhiều con nít khác nữa, đứa ôm nhựt trình, đứa ôm sách, đón mời khách mua giùm. Con nít đến tuổi này thì phải ở tại nhà trường, vì cái nghèo mà phải chịu cực khổ từ lúc thơ ngây, ăn không no, ngủ không khỏe, đau không ai săn sóc, làm không ai dạy khôn, rõ ràng sanh làm người ta chẳng phải là hạnh phước, rõ ràng chốn dương trần chẳng phải là nơi khoái lạc.”

Qua những trang viết của Hồ Biểu Chánh, phần nào đã cho ta hình dung được những sinh hoạt cũng như đời sống xã hội của người dân Sài Gòn 80 năm về trước. 

Nhà văn Hồ Biểu Chánh sinh năm 1884 (giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc ấp Thành Nhứt, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang).

Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.

Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.

Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.

Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và dành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.

Viết một bình luận