Mùa phố vắng, người thưa, thi thoảng bắt gặp hình ảnh vài ba chiếc xe đạp thong dong trên đường xanh bóng cây, để lọt những vệt nắng đầu ngày trên vỉa phố như gợi lại cả miền hoài niệm về một góc Sài Gòn xưa êm đềm.
Cách đây ít lâu, đọc báo thấy thông tin thành phố sắp thực hiện dự án xe đạp công cộng, những người Sài Gòn thuộc lớp U-70 như tôi không khỏi có chút bâng khuâng. Bởi xe đạp là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Nỗ lực làm sống lại phương tiện xanh này có ý nghĩa khôi phục lại cho Sài Gòn một dòng chảy yên bình trong cuộc sống quá đỗi náo nhiệt của đô thị hiện đại, sầm uất bậc nhất Việt Nam này.
Theo lời ba tôi kể lại, thập niên 1950 được xem là thời kỳ hoàng kim của xe đạp ở Sài Gòn. Thành phố có hẳn những con đường dành riêng cho xe đạp, nổi tiếng nhất là đường Nancy (nay là đường Nguyễn Văn Cừ ở quận 1) hay một số con đường nhỏ chạy song song theo đường Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo, quận 1).
Thời đó, nhà nào sắm được một chiếc xe đạp nhập từ Pháp về, thường là những người khá giả, tầng lớp thượng lưu, là cả một niềm hãnh diện. Thầy ký, thầy phán đến sở làm hầu hết đều dùng phương tiện này. Giới bình dân, những người lao động nhập cư thì khiêm tốn hơn, với những chiếc xe đạp sản xuất trong nước. Những vòng quay xe đạp đưa người bán hàng rong ra chợ, len lỏi trong từng con hẻm nhỏ. Đặc biệt, những cô nữ sinh trong tà áo dài trắng đạp xe đến trường trông thướt tha, thục nữ, từng là nàng thơ của những chàng trai si tình.
Thời của tôi những năm thập niên 1960, từ ấu thơ xe đạp đã giúp đứa trẻ tự tập cân bằng. Khi dần lớn, đi học đến trường, xe đạp chở theo bao kỷ niệm đẹp của tuổi mộng mơ.
Đến khi vào đời, xe đạp còn là người bạn đồng hành cùng những giọt mồ hôi đổ theo ngày tháng vất vả mưu sinh. Với tôi, hình ảnh chiếc xe đạp còn gắn thêm với những mối tình thầm lặng khó phai nhoà.
Năm 1973, tôi rời tỉnh lỵ Biên Hòa để xuống Sài Gòn học đại học với một vật mang theo bất ly thân là chiếc xe đạp hưu trí của ba tôi, cũng là chiếc xe duy nhất của gia đình. Sở dĩ tôi gọi tên như vậy là vì chiếc xe đạp này ba tôi dùng đi làm suốt hai thập niên 50 và 60. Khi ba về hưu, đó là tài sản duy nhất ông có được, nên mẹ tôi thường gọi là “chiếc xe đạp hưu trí”.
Trước khi những vòng xe lăn bánh trên các nẻo đường phố Sài Gòn, tuổi học trò thời trung học của tôi cũng đã gắn liền với nó. Những buổi đi cắm trại dã ngoại, ban đêm bên đống lửa tàn, bọn tôi lật ngược chiếc xe đạp lại, áp cái bình Dinamo nhỏ vào thành bánh xe, thay phiên nhau quay tay bàn đạp để phát sáng ngọn đèn phía trước xe cho cả lũ còn ngồi nán lại ca hát về khuya. Hay những buổi tụ tập tự phát không hẹn trước, những lúc trống tiết dạy đột xuất của thầy cô, chúng tôi chơi trò oảnh tù tì, bắt cặp từng đôi nam nữ đèo nhau qua cầu. Khi lên dốc cầu, vì cố gắng đạp chở bạn gái ngồi sau nên sên xe bị đứt giữa chừng, làm ùn tắc cả đoàn xe trên cầu. Lại bắt con gái người ta xuống xe đẩy bộ đổ mồ hôi ướt áo, đến nỗi dỗi hờn.
Thời trung học qua đi, khi xuống Sài Gòn ở nhà trọ học tiếp đại học, chiếc xe đạp hưu trí của ba tôi cho mang theo cũng là người bạn đồng hành bắt đầu cho cuộc sống tự lập mưu sinh. Mỗi buổi sáng tinh mơ, khi thành phố còn ngái ngủ, con hẻm trong xóm lao động đã lao xao tiếng ồn, hàng quán cà phê cóc đã mở cửa, gánh xôi bắp, bánh mì, tàu hủ, sữa đậu nành… đã bày bán dọc theo con hẻm, chỉ chừa một khoảng giữa cho xe chạy. Tôi đã dắt xe ra khỏi nhà trọ, vừa đạp dọc theo hẻm, vừa chào hỏi bà Ba, cô Tư, bác Sáu…, ra đường chính đến đại lý các toà soạn báo để nhận nhật báo đi bỏ mối tháng cho các gia đình. Những con đường đạp xe qua hàng ngày để bỏ báo và mỗi tối đi dạy kèm, tôi tự thầm gọi tên riêng là “đường cơm áo”, đã theo tôi suốt quãng đời sinh viên.
Mối tình đầu của tôi không phải là “nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi” mà chính là “nhờ chiếc xe đạp chở tình” trên những đường phố vắng đưa người yêu về khu ký túc xá. Những buổi tối hẹn hò sau giờ đi dạy kèm hay sau giờ sinh hoạt, chúng tôi cùng ngồi trên chiếc xe đạp dạo vòng quanh những con đường rợp bóng cây, từ khu ký túc Minh Mạng (trên đường Ngô Gia Tự bây giờ) ra tới đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) cây dài bóng mát. Ghé qua khu bán hàng ăn đêm cạnh trường nữ Gia Long (nay là Nguyễn Thị Mình Khai) để ngồi bên nhau ăn bò pía, uống nước đá đậu đỏ bánh lọt. Rồi dắt bộ đi bên nhau dưới ánh trăng vàng chiếu xuyên qua hàng cổ thụ trên đường Cường Để (Tôn Đức Thắng) và cúi xuống “nhặt chiếc lá vàng” đặt vào bàn tay nàng “làm bằng chứng yêu em”. Không ai khác hơn, chính chiếc xe đạp là chứng nhân cho nụ hôn trao nhau trước khi tiễn người em gái khuất dần sau cánh cửa khuôn viên ký túc xá.
Đầu thập niên 1980, khu Dân Sinh ở quận Nhứt là nơi bán đồ kim khí điện máy đủ các loại. Mỗi kỳ lãnh lương dạy học, tôi ra đó tìm mua về từng món đồ phụ tùng, ráp dần thành một chiếc xe đạp đòn ngang để thay thế chiếc “xe đạp hưu trí” đã cũ của ba tôi. Ngày đầu tiên chiếc xe đạp mới toanh lăn bánh trên đường cũng là ngày chở theo mối nhân duyên đời tôi tới tận hôm nay. Chúng tôi đi từ Sài Gòn về tận Long Khánh trên chiếc xe đạp đòn ngang này để chàng rể về ra mắt ba má vợ tương lai. Trên quãng đường dài và nhiều con dốc nối tiếp nhau, chúng tôi phải vừa đạp xe vừa dắt bộ khi qua những con dốc cao. Nhưng mệt nhọc nào sá chi, vì có tình yêu của mình bên cạnh. Bây giờ, mỗi khi đi ngang cung đường này, lòng tôi lại nao nao hồi tưởng lại chiếc xe đạp đòn ngang năm xưa, một chứng nhân của cuộc đời.
Đời người ai cũng có những kỷ niệm gắn liền với cuộc sống, ở nơi mình sinh ra và lớn lên, ở nơi mình tạm dung thân trên đất khách quê người, hay ở nơi mình chọn làm quê hương thứ hai gắn bó gần trọn cuộc đời. Để rồi khi ký ức gợi về, giữa bao nhiêu kỷ niệm ngồn ngộn, ta vẫn nhớ như in những ký ức biết nói. Đó là những miền nhớ mãi mãi không gì có thể thay thế được. Với tôi, Sài Gòn là quê hương thứ hai, ở đó có những vòng xe đã cùng tôi lăn bánh một thời mưa nắng trên các nẻo đường mưu sinh gian khổ. Nơi đó đã cho tôi hạnh ngộ những mối tình dưới trăng sao thoáng qua trên chiếc xe đạp kỷ vật của gia đình. Và nơi đó đã se duyên nợ trăm năm của tôi với một người con gái trên chiếc xe đạp đòn ngang chở nhiều kỷ niệm.
Thượng đế đã ban cho mỗi người một món quà quý giá mà ai cũng có, đó là ký ức. Trong ký ức có những miền nhớ luôn đi theo suốt cuộc đời, có những miền nhớ theo năm tháng dần phôi pha. Cám ơn Thượng đế đã ban cho tôi một vùng ký ức không phai, cùng với chiếc xe đạp đã từng là một kỷ vật quý báu tôi luôn mang theo suốt cuộc đời.
Tác giả bài viết giàu chất thơ này, Lê Phong Quan, sinh năm 1955, là bạn đồng môn với người thi sĩ tài hoa Nguyễn Tất Nhiên ở trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Sau khi thôi nghề dạy học, ông dành phần lớn thời gian để thực hiện các chương trình vì cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục và sáng tác thơ, nhạc. Năm 2018, ông cho ra mắt tập thơ “Đi bên lề thôi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Bắt nguồn từ thông tin về dự án xe đạp công cộng sắp được triển khai tại TP.HCM, ông hồi tưởng lại “một thời xe đạp” của mình và mong muốn TP.HCM sớm trở thành một “thành phố xe đạp” như những đô thị được xem là những thành phố thân thiện với du lịch bằng xe đạp nổi tiếng trên thế giới như Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), San Francisco (Mỹ) hay Kyoto (Nhật Bản).
Bài viết do tác giả Lê Phong Quan gửi đến cho chuyenxua.net
Bài đã đăng trên Savour Vietnam Magazine.