Số phận bức tượng Petrus Trương Vĩnh Ký từng được dựng bên cạnh Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn

Với nhiều thành tựu đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam, và cả những công lao đối với chính quyền thuộc địa Pháp, sau khi nhà báo – nhà văn hóa Petrus Trương Vĩnh Ký qua đời năm 1898, ở Sài Gòn đã có những công trình vinh danh ông. Năm 1927, phân hiệu tạm thời của trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn) dành cho học sinh người bản xứ được xây dựng ở Chợ Quán, lấy tên là Collège de Cochinchine (trường cao đẳng Nam Kỳ), và tới năm 1929 thì trường này mang tên Petrus Trương Vĩnh Ký (sau 1975 đổi thành trường Lê Hồng Phong trên đường Nguyễn Văn Cừ).

Chân dung Petrus Trương Vĩnh Ký

Cũng trong thời gian này, 1 bức tượng toàn thân của Petrus Ký được dựng nên và đặt ở trung tâm Sài Gòn, ngay bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, bên trong khuôn viên công viên cây xanh phía trước Dinh Norodom (sau 1955 là Dinh Độc Lập). Số phận của bức tượng đồng này là một câu chuyện khá thú vị.

Sau khi Trương Vĩnh Ký qua đời hơn 10 năm, báo Lục Tỉnh Tân Văn đã khởi xướng việc quyên góp tiền để đúc tượng Petrus Ký. Cuộc vận động và quyên góp để xây tượng này trở thành một sự kiện lớn, với sự tham gia của đông đảo mọi giới, từ nông thôn tới thành thị, nhờ sự lan tỏa qua báo chí thời đó.

Các tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn, Văn Minh, Trung Lập… đã đăng nhiều kỳ về Trương Vĩnh Ký, và Hội Dựng Hình Petrus Ký cũng được thành lập, gây quỹ để có kinh phí xây dựng tượng. Hôi trưởng “Hội dựng hình Petrus Ký” là ông Nguyễn văn Của.

Việc dựng tượng được sự đồng ý của chính quyền thời đó, và kinh phí hoàn toàn là do quyên góp được từ những thương nhân, mạnh thường quân, trong đó có cả ông Trương Văn Bền, ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba (savon Viet-Nam) danh tiếng.

Việc đúc tượng Petrus Ký diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, với thời gian ít nhất là kéo dài hơn 1 năm, tượng được làm ở bên Pháp, như trong bài báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 28/1/1927 nói rằng trụ đá đã dựng xong ở chỗ gần Nhà thờ, nhưng còn phần tượng thì phải chờ gửi từ Pháp quốc sang.

Bài báo cho biết “vì thợ có ý muốn khoe nghề mình và khoe danh ông Petrus Ký cho người Paris biết mặt, nên xin phép Hội cho để hình ngài lại 3 tháng chưng để tại nhà mỹ nghệ Paris”. Sau 3 tháng nữa thì tượng mới được gửi sang Việt Nam, và tính thời gian di chuyển tàu biển thì tới tháng 9 tượng tới bến cảng, và việc dựng tượng sẽ xong trong năm 1927. Mời bạn đọc chi tiết bài báo bên dưới.

Đúng như dự đoán cúa báo Lục Tỉnh Tân Văn bên trên, tháng 9 tượng tới nơi, và sang tháng 10 thì việc dựng tượng lúc đó đang tiến hành, như tường thuật của báo Văn Minh số ra ngày 20/10/1927, có nhắc tới “một toán người đang lo xây một cái trụ đá rất xinh đẹp”… như sau:

Theo bài báo bên trên, ngày khánh thành dự định diễn ra vào ngày 19/12/1927, thậm chí Hội dựng hình còn dự định đề xuất lên Thống đốc Nam kỳ cho học sinh trường công nghỉ 1 ngày để tham dự lễ khánh thành.

Mẩu tin ngắn sau đây đăng trên Trung Lập báo, ra ngày 28/10/1927, thông báo tượng đã dựng xong:

Bài trên báo Văn Minh số 94 ra ngày 9/12/1927 cho biết thông tin rằng ngày khánh thành chính thức sẽ diễn ra vào ngày 18/12/1927, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến.

Theo bài báo này, vào đêm ngày 22/11/1927, Hội Dựng Hình Petrus Ký đã họp để tổng kết chi phí dựng tượng, trong đó 22.000 quan tiền trả ch “thợ nắn hình” (tức điêu khắc gia) người Pháp Roux Comtant, số tiền còn dư lại là 1500 quan tiền. Trong số này lấy ra 400 đồng đưa cho con của Petrus Ký là Trương Vĩnh Tống (có mặt trong buổi họp) để trả trước một phần cho nhà thầu Nguyễn Văn Nhiêu làm rào sắt xung quanh tượng. Số tiền còn lại (1100 quan) thì giữ làm quỹ.

Trong buổi họp này, hội trưởng cũng công bố dự kiến chương trình buổi lễ khánh thành khá chi tiết. Đó là lúc 9 giờ sáng sẽ tập trung ở mộ Petrus Ký bên đường Gallieni (nay là Trần Hưng Đạo), tại đây mọi người sẽ tiếp đón Thống đốc Nam kỳ. Tới 5 giờ chiều sẽ chính thức diễn ra lễ khánh thành tượng Petrus Ký ở bên đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn) gần chỗ Nhà thờ, sẽ có đội quân lễ và quân nhạc góp mặt.

Lê khánh thành tượng toàn thân Petrus Ký bên cạnh Nhà Thờ

Tại buổi lễ còn có người nhà của Trương Vĩnh Ký, những thân hào ở làng Cái Mơn (ở Bến Tre – là quê gốc của Petrus Ký, trong bài báo có nhắc từ “nhao rúng”, tức nhau rún – nơi chôn nhau cắt rún) và thân hào ở Chợ Quán (nơi ở của Petrus Ký) cũng đều được mời tới dự. Bài báo này cũng nếu rõ kế hoạch đọc bài phát biểu (“đít-cua” – discour) trong buổi khánh thành của ông Hội trưởng, Đốc lý Sài Gòn, Thống Đốc Nam kỳ, lời cảm tạ của họ Trương… Bên dưới là chi tiết bài báo:

Trong bài báo tờ Văn Minh số ra ngày 20/12/1927 (2 ngày sau lễ khánh thành), có tường thuật khá chi tiết về buổi lễ, mọi việc đều diễn ra đúng kế hoạch: Sáng hôm đó mọi người tập trung ở mộ bên đường Gallieni để làm lễ tạ, 8h30 đã tề tựu đông đủ, đúng 9h thì Thống đốc Nam kỳ tới. Lúc làm lễ tạ mộ, ông Thống đốc đọc chiếu chỉ của Vua Bảo Đại truy phong cho Petrus Ký chức Thượng-thơ bộ trưởng (quan thượng thư) của triều đình Huế.

Mộ Petrus Ký ở đại lộ Gallieni, nay vẫn còn ở đường Trần Hưng Đạo

Có mặt tại mộ Petrus Ký, ngoài Thống đốc Nam kỳ còn có những chức sắc lớn khác của chính quyền thuộc địa là Đốc lý Sài Gòn và Đốc lý Chợ Lớn (tương đương thị trưởng).

Làm lễ tạ mộ xong, mọi người trở về, trả lại “cảnh quạnh yêm điềm” cho khu mộ, theo nguyên văn bài báo, còn theo ngôn từ hiện này thì có nghĩa là “cảnh cô quạnh êm đềm”. Mời bạn đọc chi tiết bài báo này ở bên dưới:

Khi hoàn thành, bức tượng toàn thân Petrus Trương Vĩnh Ký bằng đồng cao khoảng 1,70m, tương đương với chiều cao thực, đặt đứng trên bục cao, tay cầm sách, mặc áo dài, đầu đội khăn đóng – đây là hai loại trang phục đã gắn liền suốt cuộc đời của Petrus Ký.

Cách mạng tháng 8 năm 1945, hầu hết các bức tượng được xây thời kỳ Pháp thuộc đều bị giật đổ, nhưng tượng Petrus Ký này vẫn còn nguyên. Trong một bài viết năm 1980, giáo sư Trần Văn Trung đặt câu hỏi: “…Quần chúng biểu tình tuần hành và kéo đổ các tượng Tây như Bá Đa Lộc, Francis Garnier, Gambetta, Rigault de Genouilly… nhưng lại không đụng đến tượng Trương Vĩnh Ký ở ngay chỗ tụ họp mít tinh. Tại sao? Chúng tôi rất mong được các vị có mặt tại chỗ chứng kiến hoặc chỉ đạo những cuộc mít tinh lúc đó cho biết lý do”.

Thời gian sau đó, Giáo sư Trần Văn Giàu – năm 1945 là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến. cho biết rằng “Xứ ủy Nam bộ đã ra lệnh hạ tất cả tượng của người Pháp đổ xuống sông Sài Gòn, nhưng tượng cụ Trương Vĩnh Ký thì để lại”, mặc dù tượng đó ở ngay chỗ tập trung biểu tình.

Thông tin này được ghi trong lá thư tay của GS Trần Văn Giàu viết năm 2002, gửi cho Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, hiệu trưởng trường trung học tư thục Trương Vĩnh Ký, như sau:

Anh Mai,

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” là tính quen của những ai làm nghề giảng lịch sử. Hôm nay xin anh cho tôi nhắc lại một chuyện hồi nửa thế kỉ về trước mà liên quan đến việc anh và các bạn Trường Trương Vĩnh Ký ở thành phố ta.

Hôm đó là ngày 24 tháng 8 năm 1945. Tại nhà số 6 đường Colombert, trời sẩm tối, chúng tôi có một hội nghị quan trọng để truyền lệnh giờ tổng khởi nghĩa, nhắc lại cách thức làm khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn. Cán bộ lãnh đạo đông đủ. Trong cuộc họp đó, tôi nhớ mình có căn dặn riêng anh Tư Carê (gọi là anh Tư Carê vì anh ấy cúp tóc kiểu carê) rằng: “Mai mốt các anh kéo đổ các tượng đồng thì các anh có thể gởi tượng Rigô đờ Giơnuiy (ở đầu đường Pôn Blăngsi), tượng Gămbêta (ở vườn Ông Thượng), tượng Cha Cả-Hoàng tử Cảnh (ở đầu đường Catinat) xuống sông Thị Nghè, nhờ bà Thủy giữ giùm, còn pho tượng này (tôi chỉ ra tượng Trương Vĩnh Ký ở ngay trước cửa 6 Colombert, trong vườn của dinh Toàn quyền) thì các anh hãy đưa vào gara Zancông Dênsinh”.

Tư Carê và mấy bạn trẻ hỏi liền:

Sao không nhờ bà Thủy giữ mà gửi vào gara để làm gì?

Tôi đáp: “Để làm gì, sau sẽ biết, còn bây giờ thì các anh hãy tuân lệnh cái đã”.

Cuộc họp truyền lệnh ở 6 Colombert chấm dứt nhanh.

Cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền bắt đầu.

Anh Mai à, sau Cách mạng tôi không có dịp nào để hỏi thêm cho biết số phận của các tượng đồng ở Sài Gòn thời Pháp thuộc. Tôi nhớ tượng của Trương Vĩnh Ký không lấy gì làm đẹp nhưng đủ vẻ trang nghiêm với bộ khăn đóng áo dài.

Nay anh và các bạn lập trường trung học mang tên Trương Vĩnh Ký, tôi rất bằng lòng!

23/3/2002

Trần Văn Giàu (đã ký)

Nhờ mệnh lệnh của GS Trần Văn Giàu mà tượng Trương Vĩnh Ký được yên ổn trong năm 1945, và trong các hình ảnh thời kỳ thập niên 1960 chụp khu vực Nhà thờ Đức Bà, chúng ta vẫn thấy rõ tượng Petrus Ký:

Tuy nhiên đến năm 1975 thì tượng bị tháo dỡ, chuyển về Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố (Nhà chú Hỏa, 97 Phó Đức Chính), hiện đang được dựng ở sân sau của tòa nhà, đối diện với tượng Quách Đàm (tượng Quách Đàm vốn được đặt ở chợ Bình Tây, là ngôi chợ do Quách Đàm xây, nhưng sau 1975 tượng cũng bị đem về Bảo Tàng Mỹ Thuật).

Tượng Petrus Ký trong Bảo Tàng Mỹ Thuật hiện nay

Phần chân tượng cũ thì chỉ còn lại khúc giữa và đã bị mẻ một góc do quá trình di dời, hiện đang để sân của Bảo tàng Mỹ Thuật:

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận