Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga là một trong 4 mỹ nhân nổi tiếng nhất trước năm 1975 trong làng sân khấu nghệ thuật Sài Gòn, cùng với Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương. Sở hữu nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” và tài năng hơn người, nhiều người còn đánh giá Thanh Nga nổi bậc nhất trong số “tứ đại mỹ nhân” đã kể trên.
Nếu chỉ nhìn hình ảnh Thanh Nga, ấn tượng đầu tiên mà người ta thấy đó là một người rất đẹp, một nét đẹp dịu hiền đầy nữ tính. Nhưng không chỉ vậy, Thanh Nga không đẹp theo kiểu “bình hoa di động” vô năng như nhiều mỹ nhân khác muốn chen chân vào con đường nghệ thuật, mà Thanh Nga là một nghệ sĩ có thực tài, nếu không muốn nói là một trong những nữ nghệ sĩ tài năng nhất của sân khấu cải lương Việt Nam từ trước đến nay.
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh, là con gái của bà Bầu Thơ nổi tiếng.
Cha dượng của Thanh Nga là nghệ sĩ Năm Nghĩa, người sáng lập ra gánh hát cải lương Thanh Minh, và người có công lớn nhất trong việc gầy dựng và phát triển gánh hát này trở thành một đoàn cải lương nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn chính là bà Bầu Thơ. Đoàn Thanh Minh (sau này là Thanh Minh – Thanh Nga) đã đưa rất nhiều nghệ sĩ cải lương bước lên đài danh vọng từ những năm thập niên 1950 trở về sau, trong đó có Thanh Nga – Con gái cưng của ông bà chủ của đoàn hát.
Nếu nói về cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Nga, đã có vô số bài báo viết rất đầy đủ về sự nghiệp phi thường của bà. Ở trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu một khía cạnh khác về Thanh Nga mà không nhiều nơi nói tới, đó là những bước đi đầu tiên của Thanh Nga trong làng nghệ thuật, khi vẫn còn là một “mầm non sân khấu”, thông qua những bài báo được ra đời cách đây hơn 60 năm.
Đọc những bài báo này, chúng ta có thể hình dung được một cách chân thực và sống động về làng sân khấu kịch nghệ cách đây 60-70 năm, những tâm sự và trăn trở về nghiệp diễn của cố nghệ sĩ Thanh Nga trong những năm đầu tham gia nghệ thuật.
Thanh Nga – Một mầm non sân khấu cải lương
Tác giả: Giang Tan
Báo Kịch Ảnh năm 1956
Trong bài viết này có nhắc đến ông Lư Hoài Nghĩa, đó là tên thật của nghệ sĩ Năm Nghĩa, là cha dượng của nghệ sĩ Thanh Nga. Mẹ của Thanh Nga là bà Nguyễn Thị Thơ (Bầu Thơ), là vợ của ông hội đồng ở Tây Ninh và sinh ra 4 người con, trong đó có nghệ sĩ Hữu Thình (cha của nghệ sĩ Hữu Châu) và Thanh Nga.
Năm 1949, bà Thơ đi thêm bước nữa với ông Năm Nghĩa, rồi sau đó 2 người lập ra gánh hát cải lương Thanh Minh (sau này là đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga). Năm 1959, ông Năm Nghĩa đột ngột qua đời ở tuổi 49, để lại đoàn hát 100 người cho bà Bầu Thơ quản lý.
Thanh Nga năm 16 tuổi được bài báo này giới thiệu như sau: Thành thật, ngây thơ, thông minh, dịu hiền… Thanh Nga gây được cảm mến với mọi người ngay phút đầu tiên gặp em; múa giỏi, hát hay, nét mặt ăn ảnh, ăn ánh đèn nên Thanh Nga cũng thu phục được lòng ngưỡng mộ của khán giả lúc em bước chân lên sàn gỗ.
Nguyễn Thị Thanh Nga, con gái thứ ba của bầu Nghĩa đã được hầu hết khán giả mộ điệu sân khấu cải lương biết đến tên mỗi khi xem đoàn Thanh Minh trình diễn. Cái tên bầu Nghĩa đã xây dựng cho tên Thanh Nga thì cũng có thể nói tên Thanh Nga cũng đã xây dựng cho tên Lư Hoài Nghĩa.
Vì cả hai cha con đều lên sân khấu.
Vì cả hai cha con đều có một lối diễn xuất đặc biệt.
Thanh Nga mới 16 tuổi. Tuổi học và chơi. Thanh Nga cũng vừa học vừa chơi vì múa hát đối với Thanh Nga cũng như là một “trò chơi” mà cô bé ưa thích nhất. Đây chương trình mỗi ngày của cô bé:
Sáng 8 giờ đến 9 giờ học vũ với Vũ Lợi, người điều khiển ban vũ của Thanh Minh. Ngày ngày Thanh nga gặp các bạn trong ban. Nào Hoa, A, Búp, Thuận và Hoàng, người chị dâu của em trong những vũ khúc Mai Quế, Cô Gái Xuân, Khúc Ca Ngày Mùa… Học buổi sáng để tối đêm “hành” trên sân khấu. Có khi Thanh Nga vũ chung với chị em trong ban, có lúc vũ cặp với Vũ Lợi hoặc Vũ Thìn, anh ruột của em, hoặc có lúc vũ một mình như trong vũ trống, lối vũ của Trung Hoa do một Huê kiều dạy em. Bàn tay dẻo, bước chân đều, giọng trong và cao, và nhất là khuôn mặt rất ăn ánh đèn nên trong mọi vũ khúc, Thanh Nga đã trở thành một bông hoa duyên dáng làm cho mọi cặp mắt đều hướng về em.
Học vũ cũng để phục vụ cho đoàn.
Học ca vọng cổ cũng để phục vụ cho đoàn.
Buổi chiều từ 3 giờ đến 4 giờ học Anh ngữ, nhưng từ 5 giờ đến 6 giờ, Thanh Nga lại học ca vọng cổ với Út Trọng, tay đờn kìm điêu luyện của Thanh Minh. Hát cho đúng nhịp, cho giọng ăn với tiếng đàn là việc khó, Thanh Nga đang cố gắng làm tròn công việc ấy và Thanh Nga đã theo đuổi 9 năm nay, nghĩa là em đã lên sân khấu từ lúc 7 tuổi với vai Nghi Xuân trong “Phạm Công – Cúc Hoa”, vai Lệ Sương trong “Đàn Ó Biển” với 3 câu vọng cổ rất mùi mà Thanh Nga vẫn còn nhớ mãi. Hỏi em, em đọc lại không sót một tiếng như cô nữ sinh trả bài học thuộc lòng. Bảo em ca, nét mặt em trở nên buồn đột ngột, rồi em lên giọng, đúng giọng buồn của nhân vật trong truyện:
“Mẹ ôi! Con xin thưa mẹ nên dẹp bỏ những nỗi buồn đau để cho con trong tuổi ngây thơ mà phải vương lấy những nỗi đau buồn. mẹ ráng nuôi con cho đến tuổi trưởng thành, chớ mẹ nghĩ con mới 7 tuổi đầu…”
7 tuổi đã lên sân khấu và để thủ vai nhân vật đúng tuổi mình và để ca 3 câu vọng cổ dài dằng dặc, điều ấy cũng chứng tỏ được óc thông minh của Thanh Nga, và việc làm ấy cũng nói lên được lòng yêu tha thiết sân khấu cải lương của em. Cũng từ ngày ấy cho đến nay, không đêm nào trên sàn gỗ Thanh Minh lại thấy vắng bóng cô con gái cưng của ông bà Lư Hoài Nghĩa. Nào Lệ Hồng trong Con Vật Giữa Chợ Người, nào Công Chúa trong Con Yêu Trong Nhà Cổ, Thiên Thần Trên Thiết Mã với vai bé Khôi (cải dạng con trai), Sóng Gió Đồ Bàn với vai Công Chúa và Lệ Nga, bạn nữ thần trong Yêu Nữ Thần… Trong Đứa Con Hai Giòng Máu thì Thanh Nga thủ vai chính.
Ham vũ cũng như thích ca cải lương nên thì giờ học vũ cũng bằng thì giờ học ca và mỗi tối Thanh Nga đều có vũ và có ca… đem những gì đã thu lượm được ban ngày hiến trọn vẹn cho khán giả lúc ánh sân khấu bật sáng.
Thành thật, ngây thơ, thông minh, dịu hiền… Thanh Nga gây được cảm mến với mọi người ngay phút đầu tiên gặp em; múa giỏi, hát hay, nét mặt ăn ảnh, ăn ánh đèn nên Thanh Nga cũng thu phục được lòng ngưỡng mộ của khán giả lúc em bước chân lên sàn gỗ.
Em thích xi nê, ham những phim mạo hiểm khoa học, ca vũ nhạc, yêu tiếng đàn, mê tiếng trống, ghét những tuồng cao bồi phi ngựa rần rộ… Thanh Nga chẳng mến màu hồng, màu tím, chẳng chuộng màu đỏ, màu xanh, mà chỉ thích một mình màu trắng. Em có thú vui của người nhiều tuổi là mê chơi hoa nhưng chỉ mến hoa huệ hoa lài mà thôi. Hoa huệ, hoa lài thơm mà cũng một màu hoa trắng.
Hỏi em khi nào vui, thành thật em trả lời là khi ca đúng nhịp và được nghe tiếng vỗ tay của khán giả.
Sau những giờ ấy thì cô bé cười nói huyên thuyên với bạn bè, hết chọc cô này, lại tìm đến đùa dai với cô bạn nọ. Nhưng sau hậu trường mà bắt gặp cái nét mặt ấy tiu nghỉu như mèo bị cắt đuôi thì người ta cũng dễ biết cái buồn của Thanh Nga vừa rồi trên sàn gỗ, Thanh Nga đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thanh Nga buồn hơn cả lúc bị má em rầy oan, đổ tội cho em đã làm rách cuốn sách hay đã chọc ghẹo đàn em khóc.
Phụng sự nghệ thuật, em không bị dắt dẫn vượt mức “nghệ sĩ tính” của những thiếu nữ bị buông lỏng. Trong gia đình em giữ trọn bổn phận người con gái ngoan, dễ dạy, lại được sự dìu dắt sáng suốt của song thân, những người có ít nhiều kinh nghiệm với sân khấu, với cuộc sống, và trường đời, nên Thanh Nga có nhiều hy vọng đạt được kết quả tốt đẹp về sau: ngoài xã hội, người đàn bà hiền lương, trong phạm vi sân khấu, nghệ sĩ sẽ có cái vốn dồi dào để phụng sự cho nghệ thuật.
Màn bạc cũng còn chờ Thanh Nga, ước vọng trở thành cô đào điện ảnh cũng còn là ước vọng của cô gái 16 tuổi ấy, nhưng hiện nay em chưa được một hãng phim nào chú ý đến vì miếng đất cải lương và màn bạc tuy gần đó nhưng cũng còn cách nhau nhiều đường đi nước bước.
Đôi chân mềm yếu ấy đã đặt lên nhiều miền đất nước thân yêu nhưng Thanh Nga chỉ tha thiết Bến Tre với bờ hồ có bóng liễu rũ, Dalat có ngàn thông reo và hồ Than Thở thơ mộng…
Uyển chuyển, nhịp nhàng, dịu hiền, mơ mộng… những đặc tính của những tâm hồn đồng tuổi nhưng ở Thanh Nga chúng ta thấy rõ rệt hơn ở việc em đang làm và đang theo đuổi…
Nhưng ái ngại làm sao khi chúng ta nhìn đến sức khỏe của thiếu nữ 16 tuổi ấy với chương trình nặng nề hàng ngày phải lo tròn: phần lớn thì giờ phải phục vụ cho sân khấu, đêm nào cũng phải có mặt dưới ánh đèn… Con chim hót hay, nhảy giỏi nhưng cứ bị nhốt mãi trong lồng không được bay nhảy rong chơi ngoài trời, liệu rồi đây, một ngày gần thôi, đôi chân chim có được nhẹ nhàng thoăn thoắt nữa không, giọng hát chim có được trong trẻo và cao nữa không. Cũng vì vậy, ông bà bầu Nghĩa cũng nên lãng quên mọi quyền lợi khác nghĩ đến sức khỏe của con như vậy cũng là đang lo xây dựng tương lại cho con gái mình vậy.
–
Sau đây là bài báo thứ 2, viết năm 1962, ngay sau khi Thanh Nga hoàn thành xong vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp là Đôi Mắt Người Xưa. Lúc này “nữ hoàng sân khấu” đã vào nghề được 7,8 năm, trở thành ngôi sao sáng nhất của sân khấu cải lương:
Mười phút nói chuyện với Thanh Nga
Tác giả: Sĩ Trung, Lê Hoài Hà
Suốt 8 năm trời ròng rã, người ta đã nói nhiều viết nhiều về Thanh Nga rồi. Kẻ gọi Thanh Nga là “bà hoàng sân khấu”, người gọi Thanh Nga là “người đép sầu mộng của cải lương miền Nam”, nhưng cũng có người nhìn theo bước chân Thanh Nga mà thầm gọi tên nàng cùng mỹ danh của nàng với bao nhiêu mơ ước rào rạt, sôi bỏng trong lòng.
Tên tuổi nàng lóe sáng lên từ Giải Thanh Tâm 58 rồi như một vừng thái dương càng lên cao, càng chói lọi huy hoàng. Mỹ danh Thanh Nga không chịu cúi đầu trước thời gian, mỗi đêm qua, tài nghệ thêm sắc xảo, già dặn, mỗi tháng qua sắc đẹp thêm mặn mòi quyến rũ và mỗi năm qua tên tuổi càng trở nên vững vàng không đối thủ.
Tôi đã gặp nàng, quen với nàng ngay trong đêm đẹp nhứt đời nàng: đêm liên hoan phát Giải Thanh Tâm lần đầu tiên. Đêm ấy chỉ một mình nàng, một mình nàng thôi, đứng giữa khung cảnh vàng son của thời kỳ cực thịnh của nền ca kịch miền Nam. Không ai có thể ngờ cô bé Juliette thơ ngây, xinh xắn như con búp bê ngày nào, đêm nào đó còn làm con chim xanh nhỏ bé bay lượn trong vườn thượng uyển của nhà vua hoặc làm cô đào con duyên dáng, dễ yêu, lại chiếm được một giải thưởng đầu tiên dành riêng cho sân khấu của cải lương miền Nam.
Nhưng tất cả mọi người – từ thương đến ghét, đều phải công nhận rằng thuở ấy, không còn ai xứng đáng hơn Thanh Nga nữa. Đêm hôm ấy, tôi đã chứng kiến một sắc vóc lý tưởng tung hoành ngang dọc trên sân khấu dạ hội rồi mãi mãi trong suốt 7,8 năm dài đăng đẳng tôi vẫn còn thấy người nữ nghệ sĩ khả ái ấy đem sắc đẹp, dùng tài nghệ già dặn quyến rũ, mê hoặc người mộ điệu.
Thanh Nga có được phép mầu nhiệm gì mà trẻ lâu, đẹp lâu như thế đó? Thanh Nga học hỏi ở sách vở nào mà phát triển tài nghệ ngày thêm lão luyện như thế đó? Có ai hỏi thử nàng chưa? Tôi tin rằng chưa ai nghĩ tới điều đó để hỏi thử nàng!
Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga đã 16 tuổi. Một nửa cuộc đời nó đã sống khiêm nhượng với sự hiện diện của mồ ma Năm Nghĩa. Còn lại một nửa cuộc đời đó đã và đang nứt danh trong làng hia mão xứ nầy với sự có mặt của Thanh Nga. Suốt tỏng 8 năm trời, bảng hiệu Thanh Minh – Thanh Nga đứng vững trước bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, của kịch nghệ, một phần lớn đã dựa vào tên tuổi Thanh Nga.
Hôm nay, tôi gặp Thanh Nga không phải do một sự tình cờ mà do nơi một chủ định đã có sẵn từ nhiều tuần lễ trước. Bây giờ tuy có gầy ốm hơn xưa nhưng Thanh Nga vẫn còn nét trẻ đẹp, quyến rũ như thuở nào. Câu hỏi đầu tiên của tôi nhắm thẳng vào sự thay đổi đó:
– Sức khỏe Thanh Nga thế nào mà trông Thanh Nga gầy hơn trước nhiều vậy?
Nàng đáp bằng một giọng buồn hiu:
– Nga mất ngủ mấy lúc gần đây. Có lẽ vì vậy mà Nga gầy đi.
– Xin Thanh Nga cho biết lý do làm Thanh Nga mất ngủ.
Với nụ cười gượng nở trên môi, nàng cho biết:
– Nga chưa hẳn là tin là vì Nga đã ở tuổi trưởng thành nên Nga bắt đầu thấy lo nghĩ đến tương lai sự nghiệp, nhưng mỗi khi ngã lưng nằm xuống là tâm trí Nga bám chặt vào công việc làm ăn của má, của gia đình và sự tiến lùi của gánh nhà. Hễ nghĩ đến đó Nga lại trằn trọc khó dỗ giấc ngủ quá!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Nếu tôi không lầm thì dạo nầy gánh nhà phát đạt lắm kia. Đáng lẽ Nga phải vui và than thản tâm hồn lắm chớ?
Với ánh mắt buồn muôn thuở mỗi khi cần suy nghĩ đáp câu hỏi của ai, nàng trầm giọng tâm sự:
– Gánh nhà càng phát đạt, Nga càng lo nghĩ nhiều hơn. Cũng như má, Nga phải dè dặt ở tương lai, nghĩa là phải làm sao giữ vững thành quả đã và đang cầm nắm trong tay. Để có một bước giật lùi, gánh nhà sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trước kia Nga còn thơ dại thì không nói gì, chớ còn bây giờ đã lớn khôn, Nga phải chia sẻ bổn phận và trách nghiệm với mẹ già. Để một mình má Nga lo từ trong ra ngoài, Nga thấy thiếu trách nhiệm nhiều lắm!
Nàng soi mặt vào gương tủ, nói tiếp:
– Một phần vì lẽ ấy, một phần vì cố sức hát Tết, mỗi ngày đôi ba xuất, Nga không lấy làm lạ về sự sút kém da thịt.
Người giúp việc bưng ly trà đá đặt xuống trước mặt tôi, trong khi đó chị ta trao ly nhân sâm qua tay nàng. Nàng cười bảo:
– Nga tẩm bổ mỗi ngày. Chắc không lâu lắm, Nga sẽ… mập trở lại.
Tôi khôi hài:
– Có mập thì mập vừa thôi, đừng cho mập lắm đó. Đào hát mà mập quá coi không được đâu!
Nàng cất tiếng cười ngất, đưa ly nhân sâm lên môi uống một ngụm nhỏ. Tôi thấy con sâm hôn nhẹ lên đôi môi mọng đỏ của nàng.
Đợi nàng đặt ly sâm xuống bàn, tôi hỏi tiếp:
– Trong năm nay, Thanh Nga có chương trình hoạt động gì không? Đối với gánh nhà, Thanh Nga có kế hoạch như thế nào?
Trầm ngâm suy nghĩ một chặp, nàng đáp:
– Hiện giờ thì Nga chưa có chương trình, kế hoạch gì rõ rệt hết. Chỉ mới là… ý nghĩ mơ hồ vậy thôi. Nga dự định sẽ làm cho ban thoại kịch Thanh Nga hoạt động tích cực với một chương trình hoàn toàn đổi mới, vừa thu hút mạnh khán giả vừa thành công trên phương diện nghệ thuật. ở năm rồi vì Nga bận hát cho gánh nhà quá nên ban thoại kịch của Nga hoạt động hơi yếu. Còn về hoạt động của gánh nhà thì Nga đồng ý với má là sẽ phát triển cải tiến toàn diện từ mặt hình thức đến nội dung tuồng tích. Sẽ chựa lựa tuồng hay, tuồng có giá trị, cổ xúy anh chị em nghệ sĩ thi đua ca diễn và tìm một hướng đi mới lạ về hình thức dàn cảnh.
– Trong năm nay, Thanh Nga có thu dĩa hay đóng phim gì không?
– Hiện nay đã có các hãng phim, hãng dĩa đến thương lượng ký hợp đồng với tiền thù lao trọng hậu nhưng Nga chưa trả lời dứt khoát với đâu hết. Nga còn chờ xem má Nga có quyết định thực hiện những điều nằm trong chương trình kế hoạch kia không. Nếu có thì Nga phải dành mọi ưu tiên cho chuyện nhà. Còn bằng không thì Nga sẽ nhận lời mời của các hãng phim và các hãng dĩa.
Tôi thăm dò:
– Thanh Nga không nghĩ đến một thời gian tạm ngưng hoạt động để nghỉ xả hơi sau 7,8 năm trời khổ nhọc hay sao?
Nàng nhìn tôi, mỉm cười đáp:
– Có phải anh định hỏi đố tôi đó không? Nghe anh nói tới việc nghỉ xả hơi Nga buồn cười quá. Như anh đã biết Nga còn bầy em phải nuôi nữa. Chúng nó đứa nào cũng còn nhỏ dại cả. Chi phí của gia đình Nga nặng nề ghê lắm. Để má Nga lo một mình, Nga không đành lòng đâu. Tên tuổi Nga đã gắn liền với sự sống còn của gánh nhà rồi nên Nga không thể nào vắng mặt đêm đêm trên sân khấu được. Nghỉ xả hơi làm gì hở anh khi mà gánh nặng gia đình đang làm oằn vai má Nga. Dù có mỏi sức ngã quỵ trên sân khấu Nga cũng thấy vui sướng, mãn nguyện.
Tôi không giấu được sự xúc động khi nghe những lời tâm huyết của Thanh Nga. Tôi tin nàng nói sự thật; tôi quả quyết rằng nàng là đứa con có hiếu, nặng tình thương mẹ, nặng tình yêu đối với gia đình, đối với anh em ruột thịt. Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của nàng đối với gia đình bà Nguyễn Thị Thơ.
Tôi hỏi nàng về một vài sở thích ở lĩnh vực khác:
– Cuốn phim Đôi Mắt Người Xưa đã chiếu, Thanh Nga có cảm nghĩ gì về vai trò của mình?
Nàng tươi cười, đáp:
– Lúc chưa đi xem, Nga lo sợ lắm, không biết trong cuốn phim này, vai trò của mình có bị “méo mó” như trong cuốn phim trước đây không. Nhưng khi đã xem qua rồi, Nga thấy bớt lo hơn. Sự thật thì Nga vẫn chưa biết mình đã thành công hay thất bại, nhưng khi đọc báo thì nghe các chú các anh ký giả khen vai Lệ của mình, Nga tin là Nga đã đóng tròn vai trò ấy. Phim Đôi Mắt Người Xưa gây cho Nga niềm tin vào lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh của Nga.
– Thanh Nga sẽ tiếp tục đóng phim nữa chớ?
– Dĩ nhiên! Nhưng còn tùy ở lĩnh vực hoạt động ca kịch của Nga nữa. Như Nga đã nói hồi nãy, nếu rỗi rảnh thì Nga sẽ tiếp tục đóng phim với điều kiện hợp tác tương xứng.
Tôi hỏi một câu sau cùng:
– Sở thích thường ngày của Thanh Nga là gì? Đọc sách báo, thể thao, điện ảnh hay âm nhạc?
Bằng một giọng tự nhiên, nàng đáp gọn:
– Nga có nhiều sở thích lắm; sách báo – nhứt là tiểu thuyết tình cảm – xi nê, thể thao và tân nhạc, Nga đều thích nhưng vì công việc hát xướng bề bộn quá, Nga phải hạn chế bớt, đôi khi phải lánh xa lâu ngày. Làm thân nghệ sĩ, ai cũng tưởng sung sướng lắm nhưng riêng Nga, Nga cảm thấy mình bận rộn và mệt nhọc ghê lắm. Không biết các bạn đồng nghiệp khác nghĩ như thế nào.
Tôi nghĩ lời Thanh Nga nói là sự thật và chân thành nhứt đối với nếp sống về đêm. Nàng tiễn tôi ra về với nụ cười đầy tin tưởng.
chuyenxua.net biên soạn