“Thờ cúng gia tiên vốn là nghi lễ chính của ngày Tết ở An Nam. Hầu hết những người Pháp sống ở đây đều không biết về lễ này, bởi vì về cơ bản nghi lễ này mang tính nội bộ trong gia đình, và sự hiện diện của người nước ngoài ở đó chỉ được chấp nhận trong những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi”. Đây là mô tả của ông Bouchet trong một quyển sách ít được phổ biến mang tên Au coer des rites et des traditions (Giữa những tập tục và truyền thống). Trong đó, ông đã cô đọng tất cả sự cảm thông của mình đối với Việt Nam trong suốt chặng đường sự nghiệp lâu dài của mình, kết thúc vào năm 1935.
Chúng ta đang ở trong mười ngày cuối của tháng Chạp. Theo cách nói của người An Nam, chẳng bao lâu nữa năm cũ sẽ đi qua, năm mới sẽ đến.
Vì vậy, người ta đang rầm rộ sửa soạn cho ngày lễ mà ở Pháp gọi là lễ ngày đầu tiên của năm, còn ở An Nam gọi là “Tết Cả”, nghĩa là lễ chính, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, có nghĩa là buổi lễ của bình minh đầu tiên.
Có một ngạn ngữ xưa rằng: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, thật đúng như vậy! Ở An Nam, thay vì nói “làm lễ” (célébrer une fête) thì người ta nói “ăn Tết” (manger la fête), đặc biệt là Tết Nguyên Đán. Tất cả các gia đình dù giàu hay là nghèo, người ta đều “ăn Tết” nhiều ngày.
Vậy chúng ta hãy xem ở nhà ông Thịnh, người ta sẽ “ăn” như thế nào trong ngày đầu năm nhé.
Sân lát gạch vừa được rửa sạch bằng nước và quét dọn cẩn thận. Các dụng cụ làm nông đã được cất vào một góc. Mặt tiền của ngôi nhà đã được quét vôi, màu hơi ngả màu hồng. Những cánh cửa được quét sạch, đánh bóng và dán các bức tranh đa sắc có hình các vị thần. Còn ở trên cao, người ta dán những tờ giấy đỏ tuyệt đẹp, có những dòng chữ nho chúc phúc của các thầy đồ trong làng viết.
Ông Thịnh cùng với người con trai là Minh đang làm danh thiếp, là những tờ giấy đỏ dài 20cm, rộng 10cm, trang trí những hình vẽ rất tinh tế chỉ bằng vài nét vẽ. Trong một tấm danh thiếp. có thể thấy họa sĩ đã múa cọ vào đó một cành trúc với chiếc lá mỏng, một tấm khác là phác họa nhành cây mận ra hoa lác đác, hoặc là hình tảng đá ẩn hiện dưới một cây khô ở bên khúc quanh của một con đường mòn.
Trên mỗi tấm giấy, ông Thịnh viết những câu chúc phúc và trường thọ theo những câu mẫu, hoặc chỉ đơn giản viết tên mình. Sau đó, ông gấp những tờ giấy đó làm bốn rồi bỏ vào những chiếc phong bì cũng màu đỏ và cũng có những hình vẽ trang trí màu vàng.
Trong gian chính rộng rãi của ngôi nhà, ta thấy ở trên tường treo những bức trướng tuyệt đẹp bằng lụa đỏ thêu chữ nho hay viết bằng mực tàu, tất cả đều mang nội dung chúc phúc và trường thọ.
Sau cùng là bàn thờ gia tiên, người ta đánh bóng và lau chùi cẩn thận các đồ vật sơn son thếp vàng. Ngay chính giữa là bài vị của tổ tiên được đặt theo thứ tự đã được quy định trong phong tục thờ cúng tổ tiên.
Trên bàn thờ sẽ không có hết bài vị của tất cả các vị tổ tiên đã khuất, vì có câu “ngũ đại mai chủ” (bài vị của đời thứ 5 được dỡ bỏ và chôn cất), mà thường là chỉ thấy có các bài vị của cha, ông nội, ông cố, ông sơ và ông vải.
Đôi khi trong những những bài vị này có thêm bài vị của tổ tiên lâu đời nhất, còn gọi là thủy tổ – người khai sinh ra dòng họ. Theo phong tục, phụ nữ cũng giống như nam giới, được quyền có bài vị thờ cúng.
Vậy bài vị là gì? Nó là một tấm ván khá dày, chiều dài, chiều rộng và độ dày của chúng được xác định theo sách Lễ, , đại khái là liên quan tới các bài vị gọi là các “thần chủ” hay gặp ở các gia đình quyền quý hay các gia đình khá giả. Bài vị ta gặp trong các nhà ở nông thôn thường được làm không có kích thước nhất định.
Người ta đặt bài vị lên một đế gỗ. Bất kỳ bài vị nào cũng được làm một cách khéo léo, đều tròn ở đỉnh và bao gồm hai phần, phần bên ngoài có thể nhìn thấy, phần bên trong được ẩn đi.
Phần bên ngoài được gọi là “phấn diện” vì mặt (diện) tấm bảng được sơn trắng bằng thứ phấn được dùng để vẽ các hình tượng của chư vị Phật. Phàn bên ngoài bao gồm một tấm bảng rất mỏng, thường được thay thế bằng một tờ giấy đơn giản mà người ta dán vào mặt ngoài của tấm bảng nhỏ, quay ra ngoài bàn thờ để mọi người nhìn thấy.
Trên tấm phấn diện đó người ta viết tên và địa vị người đã khuất và chữ ký của người con trai thờ tự ở phía dưới bên trái. Nhấc tấm phấn diện ra ta sẽ thấy phần thứ hai của tấm ván gọi là “hãm trung”. Đó là một khoảng không gian cao 6cm, rộng 2cm khoét sâu xuống tấm ván khoảng 5mm. Chính trong khoảng không gian này, người ta viết tên và địa vị của người đã khuất, cùng với tên huý của người đó, tức là tên không ai được gọi chỉ trừ lúc cúng giỗ. Đó là phần thiêng liêng nhất của chiếc bài vị.
Trong cái hãm trung này, người ta cũng sẽ viết ngày sinh bên phải, ngày mất bên trái.
Ta cũng cần chú ý tới hai cái lỗ nhỏ đục vào bài vị và thông với “hãm trung”, như thể là muốn cho phần riêng tư này kết nối với cái thế giới bên ngoài.
Chúng tôi vừa nói tới từ “thiêng liêng”, thật sự là như vậy, bởi vì phần bài vị này được xem là nơi lưu trữ hơi thở cuối cùng của người đã khuất. Nhà hiền triết Chu Hy nổi tiếng cũng đã ghi lại những câu khấn để người hành lễ trong gia đình sẽ làm theo, khi cúng bái thì chủ lễ làm như thể là linh hồn tổ tiên đang hiện diện ở ngay trong cái phần thiêng liêng của bài vị trên bàn thờ.
Ngoài những lúc cúng lễ, các bài vị được xếp vào một cái hộp nhỏ và được cất vào trong rương hoặc tủ. Người ta chỉ lấy các bài bị ra khi cúng lễ, khi đó các bài vị được đặt trên một loại ngai gọi là “mai”, hoặc trong một hốc tường gọi là “khám”.
Dĩ nhiên là trên bàn thờ ngoài các bài vị còn có những thứ khác nữa. Thường là ở giữa bàn thờ có một chiếc bát hương cắm đầy chân hương; ở bên phải và bên trái là hai cái chân đỡ; một chân đỡ cái bát trong đựng 3 quả cau tươi (hay 10 miếng cau khô) và một lá trầu không; cái chân kia đỡ một cái bát đựng nước cúng.
Nước cúng là ly nước tinh khiết, sách Gia Lễ cổ nhất ghi rằng Nước là đồ cúng quan trọng nhất và được gọi là rượu trời (liqueur azure). Trong các đồ hiến sinh và các lễ vật, những thứ rượu được quý nhất gọi là “rượu huyền” (liqueur obcure) tức nước giếng, rồi đến nước tinh khiết, theo huyền thoại, là nước được một ông quan dùng gương đồng lấy từ mặt trăng.
Cuốn sách Gia Lễ còn ghi nhiều điều khác nữa về các nghi thức cúng tế vào ngày lễ Tết.
Trước bàn thờ và trên một chiếc bàn thấp như ghế (mâm Triệt) người ta để những đồ lễ. Còn trên một chiếc bàn thứ ba, được chạm khắc và sơn son thếp vàng, ta thấy một cái khay trên để ba chiếc giống như cốc có chân bằng gỗ và có nắp. Nhấc các nắp ta thấy ba chiếc chén sứ nhỏ men xanh dùng để đựng rượu thờ cúng được cất đặc biệt vào những dịp lễ. Chiếc khay đó gọi là “mâm dài”.
Trước mâm dài là một chiếc đĩa sứ men xanh đựng đầy cam, chuối, phật thủ,… còn ở phía trước nữa lại bày ra những thứ giống y như ở bàn thứ nhất. Ông Thinh sẽ làm lễ cúng ở trước cái bàn thứ 3 này.
Và đây là thời điểm gần như cả nước An Nam sẽ bị rung chuyển. Trước mỗi nhà, ngói cũng như tranh, những xâu pháo dài gồm hàng trăm chiếc pháo nhỏ dài chỉ chừng 5cm, nổ lép bép, đì đùng ở tứ phía. Chẳng bao lâu nữa thì trong các sân trước mọi cửa nhà rồi sẽ dần dần chất thành đống những xác pháo bằng giấy đỏ vẫn còn bốc khói. Người ta sẽ không quét chúng đi trong bốn ngày Tết để khách tới thăm sẽ thấy được là gia chủ đã chu toàn mọi thứ lễ nghi trong ngày Tết cổ truyền.
Trong khi ở bên ngoài tiếng pháo đang nổ càng ngày càng đinh tai nhức óc thì trong nhà mình, ông Thịnh làm lễ trước bàn thờ, có mọi người trong nhà vây quanh.
Bằng một giọng chậm rãi, ông Thịnh chắp tay khấn lạy trước vong hồn tổ tiên, trươc bài vị trong đêm giao thừa, nhắc lại những câu khấn của những năm trước, vì ông có vinh dự là chủ gia đình và thực hiện lòng hiếu thảo của đạo làm con.
Ông thực hiện các nghi lễ đã được chuẩn bị trước với phong thái chậm rãi từ tốn. Trong khi ông Thịnh quỳ trước bàn thờ và dập đầu xuống nền đất vái 3 lần, thì ở bên cạnh là anh con trai của ông Thịnh là Minh đứng yên như tượng chăm chú theo dõi, anh biết rằng rồi sẽ tới ngày anh thay cha làm công việc này, vì cha anh và người thầy giáo già của anh cho anh biết như vậy.
Bà Thịnh cũng ở bên bàn thờ cùng với hai cô con gái. Bà ngồi trên cái chiếu cạp lụa đỏ, khoanh chân cúi rạp mình xuống sát đất vái lạy các vong hồn tổ tiên!
Trước khi làm lễ, tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ. Không ai dám ăn mặc quần áo rách người đầy bùn đất mà lại đứng trước những chiếc bài vị này, như vậy là bất kính, không biết những nguyên tắc thiêng liêng của sự hiếu thảo của đạo làm con, mà đạo trong con mắt các nhà hiền triết cổ là nghĩa vụ đầu tiên trong các nghĩa vụ.
Về sự hiếu thảo của đạo làm con, cuốn sách Lễ cổ dạy chúng ta ba điều: tôn kính cha mẹ mình; không làm điều gì khiến cha mẹ xấu hổ; chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ. Nếu bạn làm đầy đủ những nghĩa vụ đó bạn sẽ sống lâu; khi đó bạn sẽ là người có hiếu, là người con trai biết sự hiếu thảo của đạo làm con.