Khánh Hà là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc hải ngoại sau năm 1975. Cô sở hữu chất giọng đầy nội lực và quyến rũ, đã thể hiện thành công các ca khúc từ nhạc trữ tình đến nhạc trẻ, nhạc ngoại.
Giọng hát được đánh giá là tinh tế của Khánh Hà đã chinh phục được những đôi tai khó tính nhất, với từng chữ, từng nốt rất êm và đẹp, làm chủ được cảm xúc của những bài hát mà đa phần là buồn. Cho dù bài hát có buồn mấy thì khán giả vẫn tìm thấy những nét tươi sáng qua giọng hát rất tròn trịa và hoàn hảo của Khánh Hà.
Với Khánh Hà, ca hát là một cái nghiệp dĩ đã gắn liền với cả đời khi còn là thiếu nữ cho đến nay đã ở tuổi gần 70. Ngay ở cái tên là Khánh Hà, là tên thật cũng là nghệ danh, được viết tắt là K.H (ca hát) cũng là một sự tiền định cho sự nghiệp âm nhạc đạt được nhiều thành công suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Khánh Hà xuất thân từ một trong những gia đình nghệ sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam, có cha là nghệ sĩ Lữ Liên, các anh chị em của cô đều là những ca sĩ nổi tiếng bậc nhất là Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Thúy Anh Lan Anh và Lưu Bích.
Ca sĩ Khánh Hà tên thật là Lã Thị Khánh Hà, sinh ngày 28/2/1952 tại Đà Lạt. (Hiện nay trên mạng ghi sai tháng sinh thành 28/3). Chỉ vài tháng sau khi ra đời, cô cùng với gia đình di cư vào Sài Gòn.
Lúc nhỏ, Khánh Hà theo học ở trường tư thục Công Lý (trước đó là trường Tây nổi tiếng mang tên Charles De Gaulle) ở đường Công Lý, hiện nay đổi tên thành trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền.
Một thời gian sau đó, Khánh Hà chuyển vào học nội trú tại trường tiểu học ở Thủ Đức cùng với 2 em gái là Lan Anh và Thúy Anh. Lên trung học, cô theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ tam, đồng thời theo học ở Trung tâm văn hóa Pháp (Centre culturel français) và Hội Việt Mỹ (Vietnam-USA Society), cũng vì vậy mà ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, cô chủ yếu chỉ hát nhạc Pháp – Mỹ.
Khánh Hà đi hát lần đầu tiên khi 16 tuổi trong một chương trình văn nghệ phụ diễn Xổ Số Kiến Thiến Quốc Gia tại rạp Thống Nhất với bài Chiến Sĩ Của Lòng Em. Một năm sau đó (1969), Khánh Hà xuất hiện lần đầu tiên với loại nhạc trẻ trong chương trình “Hippies À GoGo” do Trường Kỳ tổ chức hàng tuần tại vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ. Cũng trong cùng năm đó, cô chính thức đến với nhạc trẻ cùng anh trai là Anh Tú, gia nhập ban nhạc “The Flowers” để đi trình diễn tại các club Mỹ.
Năm 1970, 3 anh em ruột là Anh Tú, Khánh Hà và Thúy Anh thành lập ban nhạc mang tên “The Blue Jets”, được một thời gian thì đổi tên thành “The Uptight”, đến năm 1972 thì đổi thành ban Thúy-Hà-Tú.
Sau khi sang đến hải ngoại, ban Thúy-Hà-Tú được tái lập vào thập niên 1980 với tên cũ là The Uptight.
Sự nghiệp của Khánh Hà trước năm 1975 vốn không quá nổi bật đã kết thúc vào tháng 3 năm 1975, sớm hơn 1 tháng so với các đồng nghiệp khác, vào lúc cô rời Việt Nam tỏng một dịp tình cờ.
Khi đang hát tại phòng trà “Đêm Màu Hồng” trên đường Nguyễn Huệ đầu năm 1975, trong số những người khách Hoa Kỳ thích giọng ca của Khánh Hà có một ký giả tên George, người mà cô gọi là một “quý nhân”. Ông cho biết là tình hình Miền Nam đã rất nguy ngập nên đã đề nghị làm giấy tờ để cô rời khỏi Việt Nam đến Hoa Kỳ với vai trò là một du khách. Khánh Hà nhận lời và rời Việt Nam tháng 3 năm 1975, chỉ 1 tháng trước biến cố lịch sử.
Thời gian đầu tham gia làng nhạc hải ngoại, Khánh Hà vẫn gắn bó với nhạc Pháp, Anh. Cho đến năm 1980, cô mới bắt đầu thường xuyên hát nhạc Việt, đầu tiên là với băng nhạc mang tên “Gợi Giấc Mơ Xưa”, do chính Khánh Hà tự thực hiện với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Tùng Giang được trung tâm Làng Văn phát hành vào năm 1981.
Từ đó, tên tuổi của Khánh Hà gắn liền với dòng nhạc trữ tình suốt gần 40 năm qua.
Cuối thập niên 1980, Khánh Hà thành lập một trung tâm băng nhạc riêng là Khánh Hà Production, phát hành khá nhiều băng đĩa của các tiếng hát Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Trịnh Nam Sơn, và của chồng là nam ca sĩ điển trai Tô Chấn Phong. Ngoài ra Khánh Hà còn tham gia hát tại các trung tâm ca nhạc lớn nhất hải ngoại là Thúy Nga, Asia, Làng Văn.
Khánh Hà đã trải qua 2 cuộc hôn nhân. Người chồng đầu tiên cũng là người yêu đầu tiên lúc cô chỉ mới 18 tuổi, vào thời mà mà cô gọi là “yêu mù quáng” dù gia đình ra sức cấm cản. Lấy nhau rồi mới nhận ra là không hề hợp nhau trong cả cách sống, sinh hoạt hàng ngày đến cách suy nghĩ.
Khi sang Mỹ, cô mang theo con nhỏ, thời gian đầu đi hát thì gửi con cho Anh Tú ở cạnh nhà. Cô kể lại:
“Anh Tú vừa là bác, nhưng vừa như là cha. Mỗi lần nó khóc hay nó hư, gọi anh Tú là thằng bé im re. Kể cả sau này khi nó ngoài 20 tuổi, nó có thể cãi mẹ nhưng không dám cãi anh Tú đâu. Nếu không có anh Tú chăm lo nó, không biết tôi có hát nổi không nữa. Tôi còn nhớ, trong một lần sinh nhật nó, bạn bè hỏi cha mày đâu, nó chỉ anh Tú. Thấy mà chảy nước mắt”.
Người chồng thứ 2 của Khánh Hà là Tô Chấn Phong, chàng ca sĩ lãng tử có giọng hát êm đềm mượt mà đã từng làm mê mẩn biết bao nhiêu cô gái.
Dù khoảng cách chênh nhau đến 13 tuổi (chứ không phải 20 tuổi như thông tin sai), nhưng Khánh Hà và Tô Chấn Phong tỏ ra là một cặp đôi trời sinh, thấu hiểu và gắn bó với nhau suốt 30 năm qua.
Lần đầu họ gặp nhau là mùa hè năm 1990, Tô Chấn Phong mời Khánh Hà thu âm trong một cuốn video với 2 ca khúc Bài Không Tên Số 8 và Bảy Ngày Đợi Mong, ban đầu vẫn là “chị em”, nhưng sau đó vì phải duyên số, tình yêu đến và đã gắn bó cuộc đời nhau cho đến nay.
Nhà văn Hồ Trường An đã nhận xét về giọng hát Khánh Hà là vừa đẹp vừa điêu luyện, là khuôn mẫu để các nữ ca sĩ cùng thời hoặc thuộc lớp hậu sinh bắt chước theo. Tiếng hát của Khánh Hà là tiếng hát man dại, tiếng vọng của những trái tim nhiệt tình và khát tình. Nó như ướt đẫm mật ngọt tình yêu, như rạo rực ngọn lửa ân tình chỉ chờ cơ hội bùng cháy thành họng hỏa diệm sơn. Nó lai láng, trào dâng, ngất ngây, lao theo một vận tốc đam mê khủng khiếp, lướt qua chông gai, qua sa mạc khô cháy, qua miền bão nổi lụt tràn… để đi lên tuyệt đỉnh của yêu đương.
Sau đây là 10 bài hát trong số nhiều ca khúc được yêu thích qua giọng hát Khánh Hà:
Một Mình – Lam Phương
Bài hát Một Mình là sáng tác tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Lam Phương thập niên 1990, và một trong những người hát bài này đầu tiên là Khánh Hà.
Cho dù sau này có rất nhiều ca sĩ hát lại bài này, nhưng không thể nào vượt qua được bản thu âm này của Khánh Hà vào năm 1996:
Click để nghe Khánh Hà hát Một Mình năm 1996
Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình đã có người nghe
Cho Em Quên Tuổi Ngọc – Lam Phương
Đây cũng là một trong những bài hát hay nhất của nhạc sĩ Lam Phương thời kỳ sau năm 1975, đã được hầu hết các nữ ca sĩ nổi tiếng nhất hải ngoại trình bày, như Ngọc Lan, Ý Lan, Thanh Hà, Lưu Hồng, và cả danh ca Bạch Yến. Bên cạnh đó thì Khánh Hà cũng để lại dấu ấn với ca khúc này:
Click để nghe Khánh Hà hát Cho Em Quên Tuổi Ngọc
Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào
Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào
Ðến muôn đời sau em không còn nhớ yêu thương bên nhau lần đầu…
Như Giấc Chiêm Bao – Lam Phương
Đây cũng là một trong những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Lam Phương thời kỳ sau 1975, một bài hát như chứa đựng tất cả những nỗi niềm khắc khoải sau khi ông đã đi qua được hơn nửa đời người:
Anh ơi còn những gì, ngoài một đời chia ly
Cuộc tình vừa ra đi bằng con tim sầu úa
Bằng ngày tháng buồn tênh
Đêm đêm ôm kỷ niệm
Trong giọt sầu lênh đênh
Click để nghe Khánh Hà hát Như Giấc Chiêm Bao
Giọt Nước Mắt Ngà – Ngô Thụy Miên
Từ khi khởi đầu sự nghiệp vào cuối thập niên 1960, Khánh Hà chủ yếu hát nhạc ngoại. Kể từ khi bắt đầu chuyển sang hát nhiều nhạc Việt từ thập niên 1980, tên tuổi cô gắn liền với những bài nhạc trữ tình êm đêm và tràn đầy cảm xúc, tiêu biểu là những bài nhạc Ngô Thụy Miên như Mùa Thu Cho Em, Từ Giọng Hát Em và Giọt Nước Mắt Ngà:
Click để nghe Khánh Hà hát Giọt Nước Mắt Ngà
Em đứng bên sông buồn
Nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha
Trên hai đóa môi hồng
Nụ cười đã đi xa
Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu…
Từ Giọng Hát Em – Ngô Thụy Miên
Bài hát này đã được nhiều danh ca cả trước và sau năm 1975 hát, nhưng giọng hát tròn đầy và mênh mang niềm nhớ của Khánh Hà đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người nghe:
Click để nghe Khánh Hà hát Từ Giọng Hát Em
Ta theo lời hát đó như theo ngàn mây trôi
đẫm ướt trên bờ môi
Trời còn làm mưa rơi
cho tình mình còn thắm tươi nồng nàn…
Mùa Thu Cho Em – Ngô Thụy Miên
Mùa thu trong âm nhạc đa số thường là buồn. Tuy nhiên với nhạc Ngô Tuy Miên thì mùa thu thật đẹp, dịu dàng, êm ái và ngát hương như những lời thủ thỉ, tình tự với người yêu:
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…”
Click để nghe Khánh Hà hát Mùa Thu Cho Em
Tháng 6 Trời Mưa – Hoàng Thanh Tâm (thơ Nguyên Sa)
Ca khúc nổi tiếng nhất của Hoàng Thanh Tâm – một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất ở hải ngoại thời điểm thập niên 1980. Ca khúc này được phổ thơ Nguyên Sa, giữ lại trọn vẹn những gì tinh túy nhất, tình tứ nhất trong thơ của thi sĩ nổi tiếng này:
Click để nghe Khánh Hà hát Tháng 6 Trời Mưa
Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
anh lạy trời mưa phong kín đường về
và đêm ơi xin cứ dài vô tận…
Mộng Sầu – Trầm Tử Thiêng
Một bài tình ca nổi tiếng của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã được sáng tác từ trước năm 1975, đã gắn liền với giọng hát Thanh Lan. Tại hải ngoại, Khánh Hà một lần nữa làm sống lại ca khúc với giọng hát đầy ưu tư khắc khoải:
Click để nghe Khánh Hà hát Mộng Sầu
Tình mình bây giờ như mưa trên sông
Mưa đầu sông, mưa cuối sông
Tình mình bây giờ như cơn gió đông,
Gió đầu đông, gió cuối đông…
Tình Yêu Như Bóng Mây – Song Ngọc
Nhắc đến sự nghiệp của nhạc sĩ Song Ngọc, người ta thường nhớ đến nhiều bài nhạc vàng bất hủ. Ngoài ra thì ông còn có những bài tình ca rất êm đềm và lãng mạn, từ bài hát đầu tay là Mưa Chiều, sau đó là Tiễn Đưa, và đặc biệt là bài hát viết về Đà Lạt mang tên Tình Yêu Như Bóng Mây, nói về một chuyện tình trên xứ lạnh, lãng đãng như mây lững lờ trôi trên những chập chùng đồi thông vi vút:
Click để nghe Khánh Hà hát Tình Yêu Như Bóng Mây
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho anh
Ngàn thông buồn chiều nay im tiếng
Ngôi giáo đường lặng đứng suy tư…
Trái Tim Ngục Tù – Đức Huy
Nhắc đến bài hát này, người ta thường nghĩ đến các giọng nam ca sĩ như Don Hồ, Tuấn Anh, Anh Tú, hoặc là Ngọc Lan. Tuy nhiên Khánh Hà cũng hát bài này với một niềm khắc khoải, như hát cho chính tâm trạng của mình:
Click để nghe Khánh Hà hát Trái Tim Ngục Tù
Em đã gọi anh lời buồn chân mây
Em đã chờ anh đến khi lá bay
Em đã nhiều lần bắt gặp mình trong gương
Chẳng hiểu vì sao, đời mình mãi lao đao…
Click để nghe video 10 bài hát Khánh Hà tuyển chọn
Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn
Tôi nhớ bài Một Mình của nhạc sĩ Lam Phương viết tặng riêng cho ca sĩ Họa Mi hát mà . Nên tôi nghĩ bài hát đó là phải Họa Mi hát trước..tôi đã từng nghe 2 bản thu âm này nhưng nói thật , tiếng hát của Khánh Hà mới làm cảm xúc tôi lắng động . Từng câu từ chất chứa nỗi cô đơn , tuyệt vọng và da diết .. Sáng mai thức giấc nhìn quanh một mình .. ngoài kia nắng lóe đàn chim giựt mình.. cứ như lời kể chính cuộc đời mình vậy