Trong thời gian gần 1 thế kỷ cai trị Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp đã xây không ít những tượng đài người Pháp trên khắp các thành phố lớn, và nhiều nhất là ở Sài Gòn. Tuy nhiên có lẽ không có tượng đài nào có số phận “lận đận” như tượng đài Gambetta, khi được mang đi đặt ở rất nhiều nơi, trước khi bị giật sập vào tháng 8 năm 1945.
Léon Gambetta (1838-1882) là thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao cộng hòa Pháp trong hai năm 1881-1882. Ông thuộc phái các nhà chính trị Pháp lúc ấy ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa Pháp. Gambetta qua đời lúc còn đang đương nhiệm năm 1882, và chỉ 1 năm sau đó, chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn đã cho dựng một bức tượng của ông ở vị trí ngã tư đường Norodom – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur), như trong hình dưới đây:
Một số hình ảnh khác của bức tượng Gambetta ở vị trí ngã tư đường này:
Tượng đài gồm 3 khối tượng: Gambetta ở vị trí cao nhất, vai phải hướng về dinh Norodom; tay trái chỉ về hướng thành Gia Định (thành Phụng) đã bị Pháp chiếm trước đó 24 năm (ngày 17-2-1859).
Mặt tượng đài Gambetta nhìn về phía sông Sài Gòn; lưng quay về cuối đường Pasteur hiện nay. Hai khối tượng còn lại tạc hai người lính Pháp.
Tượng Gambetta ở vị trí ngã tư đường này được khoảng 20 năm thì dời về vị trí Chợ Cũ. Đó là khoảng đầu thập niên 1910, chợ Bến Thành mới được xây dựng thay cho chợ cũ bên kinh chợ Vải (đại lộ charner, tức Nguyễn Huệ ngày nay), vị trí ở chợ cũ được giải tỏa để làm quảng trường, được đặt tên là Quảng trường Gambetta, và tượng đài Gambetta từ ngã tư Norodom – Pellerin được dời về quảng trường này. Vị trí quảng trường Gambetta ngày nay chính là cao ốc Bitexco Financial Tower 68 cao nhất Sài Gòn.
Dưới đây là hình tượng đài Gambetta sau khi được dời:
Tuy nhiên, tượng đài Gambetta ở vị trí này không được bao lâu thì phải nhường chỗ lại để xây kho bạc, là tòa nhà ngày nay vẫn còn, nằm trên đường Nguyễn Huệ:
Thời pháp, tòa nhà này là Kho bạc Sài Gòn, sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn, ngày nay là Kho Bạc Nhà Nước.
Để nhường chỗ cho Kho bạc, bức tượng Gambetta lại bị di chuyển qua vị trí của Vườn Ông Thượng (sau là Vườn Tao Đàn), như trong hình bên dưới:
Vị trí của bức tượng được đặt giữa công viên, đoạn sau này mở thành đường ngày nay là đường Trương Định đoạn qua Công viên Tao Đàn. Hiện nay xung quanh khu vực này vẫn còn một lối đi nhỏ vòng quanh khu đặt tượng đài.
Tháng 8 năm 1945, cách mạng tháng 8 nổ ra, chủ tịch ủy ban kháng chiến là Trần Văn Giàu đã ra quyết định cho giật đổ nhiều bức tượng Pháp, trong đó có tượng Gambetta, sau 62 năm tồn tại.
chuyenxua.net biên soạn