Bài báo này được viết năm 1944, đăng trên tuần san Indochine, tác giả bài viết là kiến trúc sư Louis Georges Pineau, người đã dành nhiều thời gian để sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Là người được giao quy hoạch Đà Lạt vào năm 1932, ông nổi tiếng với triết lý quy hoạch “vùng bất kiến tạo” để bảo tồn tối đa cảnh quan cho thành phố này, và triết lý đó đã được các nhà quy hoạch đô thị tuân thủ trong nhiều năm xây dựng Đà Lạt thời trước 1975. Hiện nay vùng bất kiến tạo theo đề xuất của Pineau dành cho Đà Lạt đã không còn vì cảnh quan đã bị phá vỡ và hỗn loạn.
Trong bài báo này, Pineau dành nhiều lời chỉ trích việc một số các công trình, khu đô thị ở Đông Dương đã được quy hoạch không theo một quy tắc chung về mỹ học.
“Ở một nền văn minh mà sự lịch thiệp không do bẩm sinh, không do giáo dục thì người thầy duy nhất là vẻ lịch sự của những địa điểm đẹp, dáng thanh nhã của những con đường, phong cách đẹp của những công trình nghệ thuật; và cuộc sống trong các đô thị phải tự nó làm nảy nở trong các cư dân của nó ý thức tự trọng và tôn trọng người khác, tức những thứ được gọi một cách chính xác là phép lịch sự” – Jean Giraudoux
Làm thế nào để làm đẹp các thành phố ở Đông Dương? Trước hết, phải biết rằng, ở thuộc địa, vấn đề này phức tạp hơn ở chính quốc. Đối với các khu phố cổ có lối sống, thói quen và văn minh khác với phương Tây sẽ cần có những giải pháp đặc thù hơn, khác với những giải pháp áp dụng cho các thành phố mới xây dựng hoặc nằm xa các thành phố cũ.
Chúng ta cần bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của An Nam, Lào và Cao Miên, đặc biệt là ở Huế, Luang Prabang, Phnom Penh. Sự có mặt của chúng ta không được làm mất đi tính độc đáo của những nơi này mà phải phát triển hơn nữa. Các khu phố, các công trình theo kiểu phương Tây của chính quyền bảo hộ hoặc các công trình thương mại của người Châu Âu phải kín đáo hoặc biệt lập. Những giải pháp cho Huế hiện rất tốt, tuy nhiên chiếc cầu sắt nối hai thành phố thực sự là một sai lầm về mặt thẩm mỹ. [tác giả muốn nhắc tới cầu Trường Tiền, nối 2 thành phố là thành phố cũ (kinh thành Huế) và thành phố mới bên kia sông Hương]
Khác với các thành phố cổ, các thành phố mới hình thành sẽ chủ yếu dành cho người Châu Âu hoặc cho các hoạt động mang phong cách Châu Âu. Ngoài ra còn có các điểm nghỉ mát trên cao và các bãi tắm do chúng ta mới tạo ra. Vì lý do này, người ta đã xây dựng một thành phố kiểu Pháp ở Đà Lạt, nơi có khí hậu giống như Pháp, và kết quả là các loại hình kiến trúc vay mượn kiểu dáng địa phương ở đây sẽ dần được thay thế.
Tương tự như vậy, Hải Phòng là một thành phố thương mại mang phong cách Pháp, ngoại trừ khu phố tàu, những địa điểm còn lại cần được quy hoạch và xây dựng độc đáo hơn. Vatchay [nay là Bãi Cháy?] phải là một cảng Châu Âu điển hình, với các tòa cao ốc to lớn, trang nhã và các khu nhà ở mang phong cách Âu Châu.
Những nơi có từ hai chủng tộc sinh sống trở lên sẽ không thể có một thành phố đồng đều và hài hòa. Sự chung đụng của các thành phần dân cư khác nhau với lối sống và mức thu nhập quá khác biệt thường phản ánh rõ nét lên bộ mặt của thành phố. Việc thống nhất là vô cùng khó khăn bởi không chỉ là sự khác biệt trong các tập tục ăn ở, mà còn là sự khác biệt, đối nghịch nhau trong kiểu dáng và kiến trúc xây dựng. Thêm vào đó, việc vội vã phát triển các thành phố và khu phố kiểu Châu Âu trong khi thiếu sự định hướng và cả thẩm mỹ xây dựng, khiến cho các khu nhà được tạo ra càng lộn xộn, tủn mủn và xấu xí.
Đối với các xứ ở Liên Bang Đông Dương, chúng ta phải tính tới những yếu tố có thể dung hòa và khác biệt trong sự giao thoa của hai nền văn minh, hai chủng tộc theo như quan điểm của các nhà dân tộc học. Chúng ta không thể làm giống như người Anh ở Ấn Độ, là xây lên một thành phố thuần Anh phục vụ cho quân sự và hành chính, cách xa các thành phố của dân bản xứ nhiều kilomet. Chúng ta cũng không thể làm theo cách thức đã làm ở Marocco là chia cắt hoàn toàn thành phố Pháp với thành phố Hồi giáo. Ở Đông Dương, người Pháp ở ngay trong hoặc ở gần những thành phố của các xứ bảo hộ, hoàn toàn không có sự tách biệt dù là vô tình hay cố ý nào. Ở Bắc Kỳ, chúng ta thậm chí còn thấy sự hòa trộn và thâm nhập trên diện rộng, các gia đình người An Nam liên tục thế chỗ trong các khu phố do người Pháp tạo ra. Điều này cho thấy cuộc sống xã hội nơi đây cực kỳ năng động, các tầng lớp không ngừng trộn lẫn vào nhau. Có thể cảm nhận rõ điều này khi nhìn vào hình hài của thành phố. Tương tự như vậy khi xét về mặt mỹ học. Ở những đô thị mà các tập tục cũ hầu như đã biến mất, tôn ti trật tự và nếp nghĩ trước kia bị thay thế bằng các giá trị mới, thì kết quả tất yếu đưa đến sẽ là một thảm họa xét về mặt mỹ học.
Ở Huế, dù một vài ngôi nhà mới xây trông khá khó coi trong tổng thể chung, người ta vẫn có thể thấy nhiều ngôi nhà theo kiểu An Nam truyền thống nằm giữa một khu vườn yên tĩnh, với một hàng rào cây được cắt tỉa sạch sẽ, che chắn phía trước. Trái ngược với những bức tường rào lởm chởm mảnh chai sắc nhọn và khá đắt đỏ ở Bắc kỳ là những hàng rào lửng được tạo thành bằng việc trồng cây và tạo hình khéo léo. Ngày nay, ở Hà Nội, khó mà tìm được những nơi như vậy, là vì tâm tính con người ta không giống nhau. Trong khi ở Huế, vẫn còn nhiều nhà nho quý tộc và quan lại thích làm việc cho chính quyền, thích lối sống thanh bạch và giản dị; thì ở Bắc kỳ, những người kinh doanh thành công thích phô trương sự giàu có của mình bằng các công trình ngạo nghễ và xa hoa.
Đáng buồn là chúng ta đã nhận ra quá trễ những đặc điểm của quá trình đô thị hóa từ thế kỷ XIX tại Đông Dương, đó là sự xuất hiện các đô thị không có phong cách riêng, quá dễ dãi, chấp nhận những ảnh hưởng của cái gọi là quốc tế. Khi chúng ta nhận ra sự thay đổi thì các đô thị đã trở nên ngột ngạt, thiếu truyền thống lịch sử với những xác nhà vô hồn, không đẹp mà cũng không có sức sống văn hóa của cư dân bản địa, vốn là thứ làm nên sự thanh tao của các đô thị.
Trong khi khiếu thẩm mỹ của người Đông Dương bị xuống cấp và kiểu dáng các kiến trúc bị thay đổi thì nền kiến trúc du nhập từ phương Tây chẳng thể đưa ra được khuôn mẫu nào, thậm chí quên luôn vai trò của mình. Chưa nói tới những phán xét nghiêm khắc đối với các công trình nghệ thuật trước đó hay những công trình mới xây gần đây, có thể nói tất cả những công trình này đều không đẹp và không độc đáo. Chưa kể phần lớn các công trình này đều được đặt tại những vị trí không thích hợp với giá trị của nó. Ở Hà Nội, ngoài Nhà hát Thành phố và Nhà Bảo tàng Finot [nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam], không còn tòa nhà nào đẹp, đặc sắc, tôn tạo được vẻ đẹp của thành phố. Tòa thị chính, trường đại học, bưu điện, dinh thống sứ,.. tất cả đều được xây dựng sát bên đường phố vừa bất tiện vừa chật chội, khiến du khách không thể nhìn hết được toàn thể cảnh quan. Mặt khác, kiến trúc của hầu hết các công trình này cũng không đặc sắc.
Tại Sài Gòn, chúng tôi không bàn tới Nhà hát lớn, Dinh Xã Tây, và Ga Sài Gòn, nhưng Dinh Thống đốc Nam Kỳ [sau này là dinh Gia Long] là một ví dụ điển hình của sự không thích hợp, khi được xây sát bên một con đường. Chỉ có Dinh Norodom [Dinh Toàn quyền – sau là Dinh Độc Lập] nằm ở đầu một đại lộ đẹp của thành phố, được một công viên lớn bao quanh là đáng được nhắc đến.
Cũng cần phải nói về việc bảo vệ các tượng đài, phổ biến nhất là kiểu hàng rào với những song sắt gớm ghiếc, kinh hãi, khiến cho các công trình trở nên xấu xí và vô duyên. Tuy nhiên, cũng có những kiểu bảo vệ duyên dáng khác khiến người ta ngạc nhiên và dễ chịu. Đó là Dinh Toàn Quyền ở Hà Nội [nay là Phủ Chủ tịch nước], nằm ở đầu đường Puginier, với những hàng rào cây được cắt xén tỉ mỉ và lối vào theo kiểu cổ điển quen thuộc nhưng lại gây ấn tượng bằng khuôn viên xanh mướt bao quanh.
Với Đông Dương bây giờ, điều cần thiết nhất có lẽ là cố gắng xây dựng những nét đặc trưng, độc đáo mang tính mỹ học cho các thành phố ven sông như Sài Gòn, Hà Nội, Vatchay, Cần Thơ,… Tương tự như vậy, có nhiều điều cần phải làm cho các thành phố của hoàng gia như Phnom Penh và Huế.
Giải pháp tốt nhất cho các thành phố mà thành phần dân cư đa dạng về mặt chủng tộc, lối sống và sinh hoạt là chia khu một cách khéo léo bằng việc phân bố dân cư vào các khu phố tương tự nhau. Các đại lộ lớn, các quảng trường, công viên, thậm chí các dòng sông, dòng kênh nếu được sẽ vừa có vai trò phân ranh vừa có vai trò kết nối giao lưu.
Các khu phố, các ngôi nhà cổ mang phong cách truyền thống sẽ được bảo tồn, được gia tăng giá trị, được tu bổ và nâng cấp để vừa đảm bảo không gian sinh hoạt cần thiết, thoải mái và vệ sinh cho cư dân vừa bảo vệ được những giá trị cũ không bị phá hủy, xâm lấn và làm xấu một cách tự phát. Trên tinh thần này, những khu phố cổ xinh đẹp ở Nam Định như phố Protectorat và phố Hàng Đồng sẽ là mục tiêu mỹ học, sẽ được bố trí phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Chúng ta cũng cần phải chống lại tình trạng làm xấu bộ mặt đô thị ở các đô thị nhỏ. Rất nhiều những nhà thầu ngu dốt và các chủ hiệu giàu có đã cố xây những công trình xấu xí, kệch cỡm, đạo nhái lại những công trình ở các đô thị lớn, phá vỡ kiến trúc độc đáo của các đô thị lâu năm và các làng quê. Nơi mà chỉ mới không lâu trước đó còn mang một phong cách đồng bộ và đáng yêu. Phải thừa nhận rằng, các tòa nhà hành chính thường là những thí dụ điển hình cho sự xấu xí này. Các chợ, trường học, lò mổ,… cũng thường được xây dựng bằng cách sao chép một cách máy móc và ngớ ngẩn các mẫu nhà có sẵn trong cẩm nang xây dựng, và trong rất nhiều trường hợp đã gò ép một cách phũ phàng những nét xấu của loại mái hai vạt và mái ngói.
Thật may, mọi thứ đang thay đổi. Các bản đồ quy hoạch thiết kế mới cho đa phần các thành phố lớn ở Đông Dương đã chú ý hơn đến vấn đề thẩm mỹ, bên cạnh các vấn đề khác. Các giải pháp đưa ra sẽ vừa đồng thời bảo vệ cái đẹp hiện hữu và vừa tôn tạo cái đẹp ở những nơi yếu kém. Các phương án quy hoạch đề xuất cho các công trình kiến trúc trong tương lai được thực hiện với tầm nhìn xa, thích hợp và to lớn hơn. Các bản quy hoạch không phải được viết ra cho có, mà nó phải được hiện thực hóa, được xây dựng thành hình thông qua sự phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ kiến trúc sư, để trở thành một công trình sống động và hữu ích. Công luận cần phải có cái nhìn nghiêm khắc, không khoan nhượng với những công trình cá biệt, làm xấu bộ mặt đô thị. Các công trình do chính quyền, cộng đồng và các hiệp hội lớn dựng lên cần phải bảo đảm tính thẩm mỹ, tính trang trọng, bề thế và tôn vinh giá trị dân tộc. Nói cho cùng, cái còn lại sau cuối của một nền văn minh, của một chế độ sẽ là những công trình nghệ thuật bền vững bằng đá, bằng xi măng.
Các công trình này là bài học thuyết phục nhất, bền chắc nhất mà dân tộc này có thể cho, dân tộc khác có thể nhận. Chúng ta không được quên điều này.
Tuần san Indochine số 188, ra ngày 6-4-1944
Dịch: Đông Kha
Bài đc viết từ 1944 mà sao tính thời sự vẫn còn nguyên đó. Lịch sử nó đi tròn làm sao.
Tác giả có 1 tầm hồn mới đồng điệu với thẩm mỹ Phương Đông làm sao.
Đọc xưa- mà cũng chưa phải là xưa lắm- để thấy nay, cái “nay” đáng phàn nàn, khó chịu, bực bội!