Trước 1975, người ở trong Nam quen gọi bia bằng chữ La-de. thí dụ rủ ai đó đi nhậu thì nói: Đi làm vài chai La-de. Chai la-de nghĩa là chai bia theo cách nói ngày nay.
Chúng ta đều biết rằng bia được người Anh gọi là Beer, người Pháp gọi là Bière, vì sao người Việt gọi thành chữ “la-de”?
Xuất xứ chữ La-de là từ chữ La-ve, vì người miền Nam thường phát âm chữ V thành D, thí dụ nói “đi về”, thì lại nói là “đi dzề”, hoặc miền Tây gọi là “đi dzìa”, và chữ La-ve thì đọc thành La-de.
Vậy chữ La-ve từ đâu mà có? Có nhiều người giải thích với nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng đều là phỏng đoán và chưa có ai đưa ra bằng chứng thuyết phục. Người Việt gọi bia là la-ve ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 (hoặc có thể trước đó nữa); trong tiểu thuyết Lời Thề Trước Miễu (viết đầu năm 1938), ở chương 7, tác giả Hồ Biểu Chánh đã có nhắc tới loại thức uống trong một nhà hàng có gọi là “rượu la-ve”. Còn trong tiểu thuyết Bức Thơ Hối Hận năm 1953, ông viết là “chai la ve”.
Rượu la-ve là gì? Đó không phải là loại rượu theo như cách hiểu hiện nay, mà rượu la-ve chính là “bia”, người Pháp gọi là Bière, nhưng người Việt xưa vẫn cứ gọi tất cả các loại nước uống có cồn là “rượu” như thói quen cũ, và để phân biệt với rượu truyền thống, người Việt thuở đó gọi bia là rượu la-ve.
Ngoài ra, giở lại 1 trang báo xưa, Công Luận báo, số 7278 ra ngày 17/11/1936, ta có thể thấy có quảng cáo loại rượu la-ve tên là Larue, “rất bổ dưỡng cho tất cả mọi người”, bất kể nam phụ lão ấu, như sau:
“Song rượu đời nay chẳng những là không say mà thôi, mà lại còn bổ dưỡng, hay ho nhiều chỗ khoái là khác.
Rượu gì mà khoái dữ vậy?
Rượu La-ve Larue, chớ rượu gì?
Đàn bà thiếu sữa cho con bú, thì phải làm sao?
Uống La-ve Larue, tức thì sữa ra dư dật.
Ông già yếu sức hay khát nước, thì phải làm sao?
Uống rượu La ve Larue, thì giải khát ngay; đã giải khát lại còn được tinh thần tráng kiện.
Con nít có nên uống La ve Larue không?
Nên lắm chớ. Vì cho con nít uống cho có chừng thì càng ngày càng mập mạnh. Đã vậy nó lại còn tránh khỏi sự uống nước bậy bạ mà sanh ra bịnh hoạn là khác.
Nói tóm lại, rượu La ve Larue là một thứ giải lao, giải khát, chẳng có thứ chi bì kịp nó.”
Ngày nay, ai cũng biết là bia có độ cồn nhẹ, nếu uống có chừng mực thì tiêu hóa tốt, nhưng dễ thấy rằng bài quảng cáo này đã thổi phồng quá mức tác dụng của bia. Gác lại chuyện đó, xin trở lại chủ đề chính, có thể thấy ngay từ thập niên 1920, và có thể là trước đó nữa, người Việt gọi thứ thức uống này là rượu la-ve, rồi sau này bỏ luôn chữ rượu, gọi là La-ve mà thôi, tức là loại nước giải khát ngày nay quen thuộc với tên gọi là Bia.
Về nguồn gốc của chữ La-ve, xin trích lại một trang trong cuốn sách xưa như hình bên trên, sách in năm 1929 – tiểu thuyết của tác giả Lê Sơn Tòng. Ông đồng thời là 1 soạn giả nổi tiếng của tuồng hát thời 100 năm trước. Truyện mang tên Lá Cờ Hào Kiệt (Gia Định Bến Cảnh), lúc đó gọi là thể loại “Ái tình tiểu thuyết”, có nhắc tới “chai la-ve” và mở ngoặc nguyên chữ tiếng Pháp là “la bierre”.
Như vậy la-ve là cách người Việt phiên âm từ chữ la bierre. Chữ này đọc là “la bi-e”, dần dần biến âm thành la-ve. Bierre trong tiếng Pháp là bia, tuy nhiên đây là chữ cũ, ngày nay lược bớt thành chữ bière. Còn “la” là một mạo từ trong tiếng Pháp (la, le, les…), thường dùng trước danh từ (giống chữ “the” trong tiếng Anh). Vì vậy khi nói tới thức uống này, người Pháp gọi là “la bierre”, người Việt đọc thành La-bi-e, rồi la-ve, cuối cùng là la-de.
Hãng bia đầu tiên ở Việt Nam, và cũng là hãng nổi tiếng nhất trước 1975 là BGI, hãng sở hữu nhãn hiệu bia Larue, sau đó là 33 Export. Bạn có thể đọc thêm bài đầy đủ về BGI trong bài viết này: Lịch sử hãng bia BGI: https://chuyenxua.net/bia-larue-va-33-export-cua-bgi-hang-bia-lon-nhat-va-lau-doi-nhat-dong-duong-thoi-xua/
chuyenxua.net biên soạn
Hay ghê