“Bài hát cũng như con người, luôn có số phận. Có những số phận sinh ra đã được trải hoa hồng, đi trên những con đường thênh thang, rộng mở. Có những số phận ngay từ lúc sinh ra đã bị thiệt thòi, sống lay lắt rồi vượt qua thời gian lại trở nên huy hoàng rực rỡ. Nhiều ca khúc của tôi để đến được với công chúng yêu âm nhạc là cả một chặng đường dài, thậm chí rất dài, và có số phận long đong…”
Đó là lời của nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc Hoa Sữa, người vừa qua đời vào sáng nay, 21/3/2022, hưởng thọ 86 tuổi.
Click để nghe nghệ sĩ Lê Dung hát Hoa Sữa năm 1978 trong phim Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ
Hồng Đăng là một nhạc sĩ nhạc đỏ nổi tiếng, nhưng với nhiều người Việt Nam, hầu hết biết đến ông với ca khúc Hoa Sữa, ban đầu là qua giọng hát của Lê Dung trong phim Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ năm 1978, sau đó là tiếng hát Nhã Phương năm 1986 trong băng cassette.
Đó là thời điểm đỉnh cao của 2 chị em Bảo Yến – Nhã Phương, thị trường âm nhạc quốc nội bị 2 chị em ca sĩ gốc Huế nào làm khuynh đảo, và Hoa Sữa là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Nhã Phương thời điểm đó, giống như Bảo Yến với Chiều Hạ Vàng.
Click để nghe Nhã Phương hát Hoa Sữa (1986)
10 năm sau Nhã Phương, đến năm 1997, tức là 20 năm sau khi ra đời, ca khúc Hoa Sữa của Hồng Đăng lại một lần nữa sống lại với giọng hát Thanh Lam. Cho đến nay, nhiều người cho rằng Thanh Lam là người trình bày thành công nhất Hoa Sữa. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã nhận xét như sau:
“Bài Hoa Sữa nhiều ca sĩ thể hiện nhưng mỗi một ca sĩ biểu diễn bằng một tình yêu riêng. Ngay như Hồng Nhung hát rất cảm xúc, Hồ Quỳnh Hương hát cũng rất hay, Thanh Lam hát thì có người không thích, nhưng nhiều người lại bảo rất thích, không ai hát được bằng Thanh Lam”
Click để nghe Thanh Lam hát Hoa Sữa năm 1997
Em vẫn từng đợi anh
Như hoa từng đợi nắng
Như gió tìm rặng phi lao
Như trời cao mong mây trắng
Em vẫn từng đợi anh
Trên những chặng đường quen
Tiếng hát ai xao động
Thoáng mùi hoa êm đềm…
Ca khúc Hoa Sữa được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác năm 1978 theo “đặt hàng” từ đạo diễn Đức Hoàn để làm nhạc nền cho phim Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng nói rằng ban đầu ông không có ý tưởng nào để viết nhạc, sau đó nhờ có nhà thơ Nguyễn Hương Trâm gợi ý viết về hoa sữa, loài hoa mà trước đó vì là người xứ Nghệ nên ông không biết tới. Ông nói:
“Nào tôi có biết đến hoa sữa là thế nào đâu, nghe đến đấy tôi lấy cái ý đấy viết ngay một bài hát cũng chỉ trong mấy phút là xong, lấy tên là “Hoa Sữa”. Vậy mà người ta xúc động”.
Dựa theo kịch bản phim được đạo diễn gợi ý, nói về tình yêu đẹp của một đôi trai gái, dù không thể đến được với nhau những cả 2 đều trân trọng những kỷ niệm về nhau, nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác một ca khúc có giai điệu chậm rãi và dạt dào tình cảm, trong đó hoa sữa chính là chững nhân cho tình yêu: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm có lẽ nào anh lại quên em”.
Nhạc sĩ đã so sánh nỗi nhớ của người con gái với những sự vật thiên nhiên lãng mạn, luôn song hành:
“Em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng.
Như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng”.
Tình cảm của người con trai được miêu tả cụ thể hơn, gắn với ký ức của hai người.
“Anh vẫn từng đợi em trên những chặng đường quen,
tiếng hát ai xao động, thoáng mùi hoa êm đềm”.
Đôi nét về nhạc sĩ Hồng Đăng:
Ông tên thật là Phan Hồng Đăng, sinh ngày 1/1/1936, quê quán ở Nghệ An, là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ông đã sáng tác nhạc từ đầu thập niên 1950, từng là Phó tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc. Ông đã sáng tác hơn 700 tác phẩm nhiều thể loại, ngoài ca khúc còn có hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu…
Ngoài ca khúc Hoa Sữa được sử dụng trong phim Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ, ông còn có những ca khúc nhạc phim khác là Lênh Đênh (phim Đời Hát Rong), Biển Hát Chiều Nay (các phim tài liệu về biển), Nỗi Nhớ Đêm Đại Dương (phim Những Hạt Muối Của Biển), Không Gian Xanh (phim Vùng Trời)…
chuyenxua.net