Xe hơi ở Sài Gòn, ô-tô ở Hà Nội thời xưa

Ngày nay, tên gọi của các loại xe cơ giới có 4 bánh, ở phía Bắc sẽ gọi là ô-tô, ở phía Nam gọi là xe hơi, hoặc xe con. Vậy nguồn gốc của các tên gọi này ra sao?

Xe hơi ở Sài Gòn, đầu đại lộ Lê Lợi, ngay công trường Lam Sơn

Tên gọi ô-tô vốn được gọi theo tiếng Pháp là automobile. Xe ô tô được nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc từ những năm cuối thế kỷ 19, phổ biến trong giới thượng lưu từ đầu thế kỷ 20. Vì vậy dễ hiểu vì sao người ta gọi tên loại xe này bằng cách “Việt hóa” từ tên tiếng Pháp automobile.

Một số hình cắt từ bài báo trên báo Hà Thành Ngọ Báo, có tòa soạn ở Hà Nội, thể hiện cách gọi là ô-tô đối với loại xe này ở Hà Nội và các tỉnh Bắc kỳ:

Hình trên báo Hà Thành Ngọ báo năm 1929
Hà Thành Ngọ báo năm 1933

Hiện nay khi nói về xe 4 bánh, người Pháp đã ít dùng chữ automobile, mà thay bằng chữ khác là voiture. Khi nói automobile thì người ta vẫn hiểu, nhưng ngày nay nó được xem là một “từ cổ” đã lỗi thời. Chữ automobile trong tiếng Pháp lại bắt nguồn từ việc ghép 2 chữ auto trong tiếng Hy Lạp (nghĩa là tự thân) và chữ mobilis trong tiếng Latin (nghĩa là vận động). Như vậy chữ automobile mang nghĩa là “tự động chạy”.

Xe ô-tô ở Hà Nội, đậu trước khách sạn Metropole nằm trước vườn hoa Con Cóc

Tuy nhiên, dường như ngay từ ban đầu, tên gọi ô-tô chỉ được sử dụng ở Hà Nội và các vùng phía Bắc. Ở Sài Gòn, cũng như hiện nay, người ta không xài chữ ô-tô mà gọi là “xe hơi”. Điều đó được chứng minh qua các bài báo từ năm 1923, tức là tròn 100 năm trước sau đây:

Đây là ảnh cắt 1 mẩu tin trong tờ báo Công Luận, có trụ sở tòa soạn ở đường Pellerin (nay là đường Pasteur – Sài Gòn).

Tòa soạn báo Công Luận ở Sài Gòn

Một số hình ảnh khác ghi chữ “xe-hơi” trên báo Công Luận và báo Sài Gòn, trụ sở ở Sài Gòn:

Báo Công Luận 1934
Báo Công Luận 1934
Báo Sài Gòn năm 1938
Trên báo Sài Gòn năm 1940
Báo Sài Gòn năm 1941

Chữ “xe hơi” bắt nguồn từ chữ Hoa 汽車, phát âm theo Hán Việt là “khí xa”, dùng để gọi loại xe chạy bằng hơi nước, hoặc khi chạy xịt hơi, xịt khói ra ngoài.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng ở phía Nam, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày có rất nhiều chữ xuất xứ từ tiếng Hoa, hoặc là dùng chữ Hán Việt. Người xưa gọi phi trường (không gọi là sân bay), gọi là phi cơ (không gọi là máy bay… hoặc những tên gọi địa danh đều xuất xứ từ phiên âm tiếng Hoa, như là Gia Nã Đại, Tân Gia Ba, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân… tất cả đều là những tên gọi được dịch từ phiên âm tiếng Hoa.

Lấy một ví dụ là thủ đô Roma của Italia (Ý Đại Lợi), chúng ta gọi là La Mã. Hẳn có nhiều người thắc mắc vì sao từ Roma thành La Mã? Đó là vì người Hoa không phát âm được chữ Ro, nên đọc thành Luo, còn chữ Ma giữ nguyên (chữ Mã trong tiếng Việt là con ngựa). Từ chữ tiếng Hoa là 罗马 – Luo-Ma, người Việt dịch thành La Mã.

Một ví dụ khác là nước Singapore, người Hoa phiên âm thành Xīn-jiā-pō – 新加坡. Trong đó Xin, tiếng Hán Việt là mới, Hán Việt đọc là Tân. Jiā là Gia, trong chữ gia tăng, còn 坡 là Pha (dốc, nghiêng), nhưng Hán Việt cũng đọc là Ba. Vì vậy từ Singapore người Việt xưa gọi là Tân Gia Ba.

Từ “xe hơi” cũng tương tự, thay vì phiên âm từ chữ phương Tây là ô-tô, người trong Nam lấy lại chữ “khí-xa” của Trung Quốc, nhưng không lấy nguyên chữ Hán Việt, mà dịch luôn thành chữ thuần Việt là “xe hơi”.

Ngoài ra trong Nam người ta cũng gọi loại xe này bằng chữ “xe con”. Tuy nhiên có thể chữ này chỉ được phổ biến sau năm 1955 ở miền Nam, để gọi các loại xe con, xe lớn… Trong báo chí thời kỳ đầu, không thấy ai gọi là xe con. Ngoài ra nếu nhìn lại biển chỉ dẫn giao thông ở Sài Gòn năm 1960, có thể thấy tên gọi chính thức là “xe hơi”.

Biển chỉ dẫn này được đặt ở ngã tư đường Pasteur – Thống Nhứt, nhìn về phía Dinh Độc Lập.

Hình ảnh xe ở Sài Gòn:

Đường Catinat (sau là đường Tự Do) thập niên 1920

Một chiếc siêu xe Packard Twelve – biểu tượng của quyền uy hồi thập niên 1930, đang đậu trên đường Catinat, góc đường Carabelli (ngay tiệm Brodard chỗ đường Nguyễn Thiệp ngày nay)

Một bài hình ảnh xe hơi ở Sài Gòn vào thập niên 1950:

Xe hạng sang Cadillac đang đi phía trước, Lúc này nhà hát đã được cải tạo bề ngoài theo kiến trúc Art deco, không còn mang kiến trúc tân cổ điển như thời trước thập niên 1940 nữa.
Một chiếc xe hơi hiệu Studebaker Champion đi trên đường Catinat. Nhà hát (municipal theatre) đã được sửa sang mặt tiền từ những năm thập niên 1940, chứ không phải là vào năm 1955 (khi thành trụ sở quốc hội) như nhiều thông tin cho biết
Xe hơi của Mỹ, Pháp cùng lưu thông trên đường Catinat, đoạn công trường Francis Garnier (nay là công trường Lam Sơn). Trong hình có thấy thấy xe Ford và Citroën Traction

Đường Catinat với thương xá Eden và Continental Palace
Một dãy xe Citroen Traction đậu được Municipal Theatre
Đường Catinat phía trước Nhà hát. Tòa nhà bên trái sẽ bị đập bỏ năm 1958 để xây dựng Caravelle Hotel
Xe Citroen, Renault, Ford. và xích lô trên đường Catinat, trước nhà hát Sài Gòn
Xe vận động bầu cử ở Sài Gòn năm 1953
1 chiếc xe hơi hiệu Chevrolet Master chạy ngang qua Bùng binh Bồn Kèn. Bên trái là auto-hall – cửa hàng bán xe hơi Bainier. Hình này được chụp trước năm 1953, bởi vì sau năm này thì tòa nhà Bainier đã được ông bà Ưng Thi mua lại để xây khách sạn REX vẫn còn cho tới nay
Xe Renault, Traction,Hillman đậu trước tòa nhà đầu đường Tự Do (Catinat cũ), tòa nhà này đã được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, ban đầu là The Grand Hotel de la Rotonde. Thời điểm này tòa nhà này có thể đã được chính quyền mua lại, vì không còn bảng hiệu tòa nhà
Trên đại lộ Nguyễn Huệ

Xe Traction ở Chợ Lớn
Xe Citroen Traction trước trụ sở Quốc Hội
Một chiếc Studebaker President

Vài hình ảnh độc đáo: Xe hơi bị chết máy vì ngập ngay giữa trung tâm Sài Gòn năm 1950:

 

Xe khách chạy tuyến Sài Gòn – Hà Nội thập niên 1920

Một số hình ảnh xe ô-tô trên đường phố Hà Nội xưa

Hình thập niên 1920:

Trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền)
Dưỡng đường Saint Paul (nay là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) nằm ở giữa 4 con đường, phía bắc giáp với đường Félix Faure (nay là đường Trần Phú), phía nam giáp với đường Gurue Duvillier (nay là đường Nguyễn Thái Học), phía đông giáp với Đại lộ Avenue Van Vollenhoveh (nay là đường Chu Văn An), phía tây giáp với Đại lộ Avelue Briere de Lisle (nay là đường Hùng Vương)

Đại lộ Puginier, nay là đường Điện Biên Phủ ở Ba Đình và Hoàn Kiếm
Bến xe điện Hà Đông – điểm cuối của tuyến xe điện Bờ Hồ (hồ Hoàn Kiếm) – Hà Đông dài 12 km

Hình ảnh thập niên 1940-1950:

Xe Ford trên phố Hàng Đào, đường ngang bên trái là phố Hàng Gai (Rue de Chanvre), bên phải là phố Cầu Gỗ
Khách sạn và cafe Cafe de la Paix ở só 33 Paul Bert (nằm đối diện bên kia đường của rạp cine Palace/Eden). Phía cuối đường (bên phải hình) là tòa nhà Godard

Những chiếc xe hơi hiếm hoi còn lại ở Hà Nội trong hình chụp năm 1959. Góc ngã tư nổi tiếng của Hà Nội, là trung tâm của thủ đô Liên bang Đông Dương thời thuộc địa, trung tâm của khu phố Tây, ngã tư Tràng Tiền – Hàng Bài – Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng. Hình này được chụp từ trên nhà Bưu điện Tràng Tiền nhìn xuống đối diện

 

Một số hình ảnh khác: Các dòng xe hơi nổi tiếng trên đường phố Sài Gòn thập niên 1960-1970:

 

Bên trái hình là một chiếc “Trắc xông” huyền thoại, bên phải là chiếc xe quân sự đang ở trước quảng trường chợ Bến Thành trước năm 1975. Siêu xe Citroen Traction Avant (người Việt gọi là Trắc xông) có vẻ đẹp cuốn hút toát ra từ đường nét thiết kế thân xe. Điểm nổi bật nhất của dòng xe hạng sang này chính là phong cách thiết kế mang đậm nét cổ điển lãng mạn với những đường cong duyên dáng mềm mại, vì vậy dòng xe này được ví như “Nữ Hoàng Thiên Nga”
Xe Traction 11 đậu trước nhà hàng Sing Sing, phía sau là ngã tư Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Đoàn Thị Điểm.
Một chiếc Traction trên đường Tự Do

Bên trái là phần đuôi của 1 chiếc Traction, bên phải là Notchback 1600 của hãng Volkswagen
Ngoài cùng bên trái là một chiếc taxi Renault, tiếp theo là Traction, chiếc xe màu xanh có thể là Hino Contessa. Chiếc xe thùng màu trắng là Landrover Series II, chiếc chính giữa hình là Austin và ngoài cùng bên phải phần đuôi của một chiếc Peugeot 403 lịch lãm
Bên trên là một chiếc Citroën DS19. Dòng xe DS của hãng Citroën của Pháp từ thập niên 1950 được xem là tổng hợp của những gì hiện đại và tinh túy nhất của xe ô tô, được tạp chí Classic & Sports Car vinh danh là chiếc xe đẹp nhất mọi thời đại. DS phát âm là DAY-ess, là cách chơi chữ của người Pháp, có nghĩa là “nữ thần”. Dòng xe DS có thiết kế hiện đại hoàn toàn khác biệt với các dòng xe khác, trông giống như một chiếc thủy phi cơ đến từ tương lai như trong các phim viễn tưởng
Ở hình bên trên có 2 chiếc xe là niềm ao ước của nhiều đại gia Sài Gòn xưa. Chiếc bên trái là dòng xe Austin Westminster, một chiếc xe sedan cỡ lớn được hãng xe hơi Austin của Anh bán từ năm 1954. Dòng Westminster được sản xuất với tên gọi A90, A95, A99, A105 và A110. Trong hình này là một chiếc A105 được sản xuất trước năm 1968. Chiếc màu đen bên phải là Peugeot 403. Cùng với 404, dòng xe của hãng xe danh tiếng Pháp này có thiết kế sang trọng và thanh lịch. Peugeot 403 được ra mắt năm 1955, từng là mẫu xe đầu tiên trên thế giới được trang bị ly hợp quạt điện tử.
Một chiếc Peugeot 403 trên đường Tự Do trước Hạ Nghị Viện. Có thể thấy chiếc xe này bị sơn vàng nửa trên bóng đèn, đó là luật của bộ công chánh và giao thông ngày xưa, để tránh đèn pha làm chói mắt xe đối diện
Một chiếc Peugeot 404 Berline ở góc Phan Đình Phùng – Đoàn Thị Điểm (nay là Nguyễn Đình Chiểu – Trương Định). Đã có gần 3 triệu chiếc Peugeot 404 các loại đã được xuất xưởng trên khắp thế giới trong vòng đời sản phẩm (từ năm 1960-1975)
Những chiếc Peugeot trên đường Tự Do
Xe màu trắng trong 2 hình bên trên là Peugeot 203, chiếc siêu xe của hãng xe Pháp được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Paris Motor Show năm 1947 và được sản xuất từ giữa năm 1948 – 1960 và đã có mặt tại Sài Gòn những năm 1950. Toàn bộ xe được thiết kế từ các đường cong mềm mại nhưng không làm cho nó trông mềm yếu mà ngược lại bộc lộ vẻ tròn trịa, cơ bắp và sang trọng. 2 tấm hình này được chụp tại Chợ Bà Chiểu, đoạn Bạch Đằng – Chi Lăng – Lê Quang Định

Màu đen là một chiếc Peugeot 403, còn xe màu xám là một chiếc “con bọ” nổi tiếng, các nước tiếng Anh gọi là Bug. Tên chính thức của dòng xe này là Volkswagen Type 1, cũng thường được gọi là Volkswagen Beetle, chiếc xe trong hình thuộc dòng Beetle 1200. Hình chụp năm 1965 trước rạp Đại Nam, đại lộ Trần Hưng Đạo.

Sau đây là những chiếc xe có nguồn gốc từ Mỹ được nhập cảng vào Sài Gòn cách đây hơn nửa thế kỷ.

Từ sau hiệp định Geneve, Mỹ thay thế Pháp gây ảnh hưởng ở miền Nam, cùng với đó thì các loại xe Mỹ xuất hiện trên đường phố Sài Gòn ngày càng nhiều. Theo tác giả Mai Tran, các xe Mỹ thường được sản xuất từ ba công ty lớn nhất thời bây giờ, đó là hãng General Motors (GM) với các nhãn hiệu lừng danh: Chevrolet (Chevy), Buick, GMC, Cadillac, Pontiac, GTO, Oldsmobile. Hãng Ford với nhãn hiệu Fairlane, Falcon, Rebel, Mercury, Edsel, Thunderbird… Hãng Chrysler có Plymouth, Belvedere, Baracuda, Jeep, Dodge, De Soto…

Thập niên 1960, dọc đường Nguyễn Huệ thường được gọi là Bến Xe Hoa, là những loại xe Hoa Kỳ thường có vây đuôi dài (tail fins), thường được mướn để làm xe đám cưới có trang trí treo hoa. Hình dưới đây là một dãy “xe đuôi dài” của hãng Chrysler và Chevrolet, gồm có Plymouth Fury Star 1958, Dodge Kingsway Delux 1958, Chevrolet Bel Air 1959.

Dòng xe trên đại lộ Nguyễn Huệ, chiếc màu đỏ là Chevrolet Impala 1960 flat top. Dòng xe này được ra mắt lần đầu năm 1958 và ngay lập tức gây được ấn tượng với dàn đèn sau mỗi bên 3 cái đối xứng, trở thành một trong những chiếc xe Mỹ sản xuất bán chạy nhất ở thị trường nội địa
Một chiếc Chevrolet Impala 1966
Chiếc màu xanh là Chevrolet Biscayne 1962. Đây là mẫu xe giá rẻ của dòng sedan cỡ lớn được Chevrolet sản xuất từ 1958-1975. Biscayne được đặt theo tên của Vịnh Biscayne, gần Miami, Florida, theo xu hướng của Chevrolet vào thời điểm đó là đặt tên xe theo các thành phố ven biển hoặc bãi biển như Bel Air và sau này là Chevrolet Malibu
Chevrolet Bel Air trước tòa Đô Chánh. Đây là một chiếc sedan fullsize (cỡ lớn) được Chevrolet sản xuất trong thời gian 1950-1975, có thiết kế đẹp mắt và hiện đại. Kính chắn gió được thiết kế quây tròn, cản trước cỡ lớn mạ crôm, và có vây cá hai bên đuôi xe


Xe màu đen là Chevrolet Bel Air 1965. Hình chụp Saigon năm 1966 trên đường Công Lý, gần Ngã tư Yên Đổ – Công Lý (nay là Lý Chính Thắng – NKKN). Hình của Donald MacKinnon

Chevrolet Bel Air Base Sedan 3.8L 1955 trên đại lộ Lê Lợi
Chevrolet Bel Air (màu bạc) trước Chợ Bến Thành
Một chiếc Chevrolet Camaro trên đại lộ Nguyễn Huệ thập niên 1960. Dòng xe này được thiết kế để cạnh tranh với Ford Mustang
Showroom của các hãng xe Renault, Austin và Chevrolet
Một chiếc Oldsmobile super 88 trước quảng trường Lam Sơn. Đây là chiếc xe cỡ lớn của Oldsmobile (nhãn hiệu thuộc tập đoàn GM – Mỹ). Từ năm 1950 đến năm 1974, Oldsmobile 88 là dòng xe bán chạy nhất của Oldsmobile, là một trong những chiếc ô tô hoạt động tốt nhất, nhờ kích thước tương đối nhỏ, trọng lượng nhẹ và động cơ V8 nén tiên tiến có hiệu suất cao
Chiếc xe màu đen là Oldsmobile 98. Vì đây là chiếc Oldsmobile đầu bảng nên được trang bị những công nghệ tối tân nhất: Hộp số tự động (Hydramatic), bộ điều chỉnh độ sáng đèn pha/cốt tự động (Autronic Eye), tính năng tự động bật và tắt đèn pha thông qua bộ đếm thời gian (Twilight Sentinel), trang trí nội thất và ngoại thất cao cấp nhất
Trước trụ sở Quốc Hội, có đầy đủ các loại xe Mỹ (Chevrolet Bel Air, Ford Fairland, De Soto) và Pháp (Citroen, Peugoet), Đức (Mercedes)
Ford Galaxie là một chiếc sedan cỡ lớn được Ford sản xuất tại Hoa Kỳ từ 1959 đến 1974. Cái tên Galaxie (tức ngân hà) được Ford sử dụng nhằm thu hút sự chú ý nhân sự kiện cuộc đua vào không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đang rất quyết liệt
Một chiếc Ford Falcon rất phổ biến vào thập niên 1960, dòng xe này được xem là phiên bản thu nhỏ của Ford Galaxie
Xe Mercury Turnpike Cruiser màu đỏ rất bắt mắt nên thường được thuê làm xe hoa đám cưới. Nhãn hiệu xe Mercury của hãng Ford, và dòng xe hàng đầu của Mercury chính là Turnpike Cruiser với thiết kế đẹp mắt, được trang bị hàng loạt tính năng hiện đại nhất thời điểm đó
Xe hoa Mercury Turnpike Cruiser trên đường Thống Nhất (lúc này chưa mang tên đường Lê Duẩn) năm 1979
Trên đại lộ Lê Lợi với các dòng xe Ford Fairlane 1956, Buick Electra 1959, Ford Fairlane 500 Skyliner, Mercury Turnpike…
Một chiếc Ford Prefect 100E đậu trên đường Trần Quang Khải ở Dakao năm 1966. Đây là chiếc xe của Ford Anh Quốc thiết kế và sản xuất
Một chiếc Ford Prefect khác đậu trên đường Tự Do, đằng sau là chiếc con bọ VW beetles. Bên trái là phòng trà Tự Do danh tiếng
Chiếc De Soto Firedom trước Dinh Độc Lập năm 1961. De Soto là thương hiệu xe của Mỹ được sản xuất và tiếp thị bởi bộ phận De Soto của hãng Chrysler từ năm 1928 đến năm 1961. Đây là thương hiệu nổi tiếng chuyên sản xuất xe du lịch và xe tải trong hơn ba thập kỷ tại Hoa Kỳ. Hơn hai triệu xe DeSoto đã được chế tạo cho các thị trường ở Bắc Mỹ
De Soto 1958 Fireflite (trái) và Simca Aronde màu đỏ đậu trên đại lộ Nguyễn Huệ
Một chiếc Dodge Coronet của hãng Chrysler trên đường Tự Do năm 1960
Dodge Kingsway trên đường Tự Do năm 1961
Một chiếc Dodge Coronet ở góc Trần Hưng Đạo – Đề Thám năm 1979
Trên đại lộ Nguyễn Huệ, chiếc xe màu đỏ là Datsun Sport của hãng Nissan của Nhật Bản (thường được gọi là Datsun Fairlady). Chiếc góc trái là Renault

 

Xe màu trắng trong hình này là Volkswagen Beetle trước chợ Bến Thành năm 1965. Đây là một trong những dòng xe được sản xuất nhiều nhất lịch sử và là biểu tượng của thế kỷ 20.


Kẹt xe ở Sài Gòn trong những ngày rối loạn cuối tháng 4 năm 75, chiếc màu xanh nổi bật là Ford Maverick được sản xuất ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1970. Chiếc màu trắng phía trước xe Ford là Peugeot 404 – dòng xe Pháp rất phổ biến ở Saigon trước 1975. Bên cạnh đó là 2 chiếc xe Jeep.


Đại lộ Nguyễn Huệ năm 1969, chiếc màu đen là Peugeot 404.


Đại lộ Lê Lợi năm 1965. Chiếc xe màu đen là sự kết hợp giữa 2 phong cách Ý và Pháp. Xe Simca có xuất xứ từ Ý, sau được Ford của Mỹ mua lại và ra mắt dòng xe SIMCA Versaille – Vedette tại Pháp. Ngay sau chiếc SIMCA là International Scout (IH) 4×4 của Mỹ, bảng số vàng thuộc sở hữu củ cơ quan/cá nhân là công dân quốc tịch Hoa Kỳ ở Sài Gòn.


Chiếc xe mui trần của hãng MG là MGB Roadster đến từ Anh quốc đang đậu trên đường Tự Do, đoạn giữa Thái Lập Thành và Nguyễn Thiệp. Chiếc xe này xuất xưởng lần đầu năm 1962, trở thành xe thể thao mui trần bán chạy nhất trong lịch sử.

Phía sau chiếc MG là Renault Dauphine.


Bên trái hình là một chiếc taxi hiệu Renault Dauphine.

Xe taxi Renault Dauphine cũng khá phổ biến trên đường phố Sài Gòn xưa, nhưng chỉ là số ít so với Renault 4CV

Sài Gòn năm 1954, xe giữa hình là một chiếc Renault 4CV đời thập niên 1950, có 6 thanh nhôm vắt ngang trước mũi (xe taxi ở Sài Gòn thời gian sau đó chủ yếu là Renault 4CV Affaires chỉ có 3 thanh nhôm).

Chiếc bên trái là taxi hiệu Renault Juvaquatre. Từ khi xe hơi xuất hiện ở Việt Nam cho tới những năm đầu thập niên 1960, xe con ở Sài Gòn đa số là xuất xứ Pháp, mà phổ biến nhất vẫn là Renault.


Đại lộ Nguyễn Huệ trước Tòa Đô Chánh năm 1969. Xe màu xanh giữa hình là Ford Consul Capri.


Đằng trước tòa nhà Hạ Nghị Viện đường Tự Do, bên trái là một chiếc Citroen 2CV, bên phải là Austin Westminster.

Xe Austin Westminster trên đường Tự Do, dãy nhà màu vàng nằm kế bên đường Nguyễn Thiệp.


Cảnh sát công lộ đang điều phối giao thông ở đường Tự Do trước trụ tòa Hạ Nghị Viện và công trường Lam Sơn. Chiếc màu đen là Austin Westminster. Xe góc bên trái cũng là một chiếc Austin, có thể là dòng 1100.


Xe màu trắng trước Continerntal Palace là Austin-Healey Sprite – Dòng xe mui trần 2 ghế.


Xe cộ trước chợ Sài Gòn cuối thập niên 1960. Chiếc màu xanh dòng xe Anh quốc Vauxhall Victor. Phía xa là xe Peugeot và Opel.


Một chiếc Mercedes đời thập niên 1950 đi ngang qua ngã 6 Phù Đổng lúc chưa có tượng Phù Đổng.


Mercedes-Benz W120 trên đường Tự Do


Ford Falcon đậu trước Tòa Đô Chánh, khu vực công viên Đống Đa, với các biểu ngữ ca ngợi quan hệ hữu hảo giữa Việt Nam và Đài Loan. Tòa nhà màu vàng (Sanyo) là thương xá Eden.


Trước khách sạn REX là chiếc xe Studebakers – tên hãng xe đã chìm vào quên lãng

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận