Cùng với Phạm Duy và Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người xem là 1 trong 3 người có ảnh hưởng lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Đi cùng với đó, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy thì vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên dù thích hay ghét, ít người phủ nhận những đóng góp của ông cho âm nhạc Việt Nam với hàng trăm bài hát được đông đảo công chúng biết đến.
Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ đó, có thể chia chủ đề sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thành 3 chủ đề chính: Đó là nhạc về tình yêu, nhạc về quê hương, và thân phận. Ba chủ đề này đôi khi không có ranh giới rõ rệt, vì có những ca khúc vừa viết về tình yêu vừa viết về thân phận, hoặc các ca khúc Da Vàng của ông vừa viết về thân phận, vừa viết về thời cuộc quê hương. Trong bài viết này xin nhắc về những ca khúc thân phận nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đồng thời phân tích đôi nét về ý nghĩa nội dung từng ca khúc.
1. Phôi Pha
Tự sự về âm nhạc của mình, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một câu nói rất nổi tiếng được nhiều người yêu thích: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Trong những linh cảm đó, có một nhạc phẩm mang tên Phôi Pha rất bay bổng và trầm sâu.
Theo nhà văn Bửu Ý, một người bạn tâm giao cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Phôi Pha được nhạc sĩ sáng tác vào khoảng năm 1973 khi ông đã ngoài 30 tuổi. Dường như sự già dặn, từng trải trong tuổi đời, sự vững chãi trong tư duy âm nhạc đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở ra một “cuộc chơi lớn” trong ngôn từ và tư duy ở Phôi Pha.
Có người từng đánh giá Phôi Pha là bài ca – thơ hay nhất trong chuỗi những nhạc phẩm về tình yêu và thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ vì chất thơ, chất nhạc bay bổng, hoà quyện một cách thần sầu, còn chất đời và chất hư thì đẩy đưa nhau, thăng hoa nhau, trộn lẫn vào nhau trong một thế cân bằng, hài hoà như được nhạc sĩ đặt trên hai đầu của một chiếc bập bênh.
Ca khúc mở đầu bằng một tứ thơ rất lạ:
Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ đời người như gió qua….
Người nghệ sĩ lang thang trong những bước chân phiêu du của dòng tâm tưởng trên ranh giới mong manh của thực và hư, của hai bờ kiếp sống. Thứ tâm trạng đa mang đó bất chợt ùa về trong một đêm “trăng mới về”. Trong dòng suy tưởng miên man đó, người bắt gặp ánh trăng vừa nhô cao lên như là vừa gặp lại bạn cũ, là người bạn đã nhiều lần cùng bên nhau trong những bước chân giang hồ năm cũ, để rồi lại ngậm ngùi thở hắt: “Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già”.
Nhạc sĩ không nói thẳng từ già mà vòng vèo câu chữ đầy lắt léo rằng là “tuổi xuân đã già” như một sự hồi nhớ, nuối tiếc lê thê về một thời tuổi trẻ dọc ngang. Nhưng dù có nuối tiếc thì cũng chẳng thể làm gì bởi ai rồi cũng sẽ phải “một ngày kia đến bờ đời người như gió qua”. Hành trình đó chẳng ai có thể đổi thay, không thể chống đỡ.
Click để nghe Khánh Ly hát trước 1975
Không còn ai đường về ôi quá dài
Những đêm xa người
Chén rươu cay một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi
Trong mênh mông vũ trụ, trong bao la những phận người, cuộc đời này thật nhỏ bé và vu vơ chỉ như một cơn gió qua, đi là đi mất, sẽ chẳng để lại gì, chẳng lưu lại gì. Vậy nên, nếu như có lỡ muốn tìm “trở lại” thì cũng nên biết rằng: “Không còn ai đường về ôi quá dài”, sẽ chẳng có ai đồng hành trên cung đường cô độc, xa vời vợi đó. Cung đường đen thăm thẳm, tối tăm, vô vọng như những “đêm xa người”. Xa là xa mãi, chẳng thể níu giữ, chẳng thể hoài mong.
Có thể thấy một loạt hình ảnh liên tưởng so sánh được nhạc sĩ nối dài trong lời ca: “Không còn ai đường về ôi quá dài” tựa như “những đêm xa người”, và “những đêm xa người” tựa như “chén rươu cay” mà “một đời tôi uống hoài”.
Dòng suy tưởng như một sợi dây thắt nút, cứ thắt mãi thắt mãi hết nút này đến nút khác, chất chồng lên nhau những ý niệm cay đắng, bi kịch của đời người. Sợi dây ấy tưởng như sẽ siết chặt lòng người vào những hoài vọng u sầu, trầm luân không bao giờ dứt, lại bất ngờ được tháo gỡ ở câu hát tiếp theo: “Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi”.
Chỉ bằng một câu hát, nhạc sĩ đã truyền đi thông điệp ý nghĩa và tâm đắc nhất trong triết lý sống của mình, đó là dù cuộc đời có gieo bao đắng cay, sầu muộn thì cũng xin được “trả lại” bằng những “tin vui” mà “nhân gian chờ đợi”, xin được trả lại tình yêu đời, yêu người vô bờ bến. Trong âm nhạc Việt, hiếm có người nhạc sĩ nào dành cho cuộc đời và con người một tình yêu tuyệt đối, chưa từng oán thán như Trịnh. Tình yêu đó như một cứu cánh cho đời sống hiện hữu, đồng thời cũng là đòn bẩy cho những buông bỏ khi đã “đến bờ” bên kia của cuộc đời.
Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời làm mây trôi
Nhà văn Bửu Ý từng viết: “Trịnh Công Sơn là một người khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi một lúc, ngồi nơi này nhớ nơi kia, muốn sống gấp đôi, sợ không đủ thời giờ, lắm lúc không phân biệt ngày với đêm. Anh thích những chuyến tàu xuyên suốt, những chuyến xe đỗ rồi lại đi, anh thích rút ngắn không gian giữa rừng với biển, anh muốn rút ngắn thời gian giữa lạ với quen…”. Vì vậy mà không có gì lạ khi một ngày nhạc sĩ bỗng nổi hứng muốn “trải nghiệm” hành trình của một người đã “sang bờ” bên kia, muốn “hát lên những linh cảm” của mình về những giấc mơ hư ảo nơi phía bên kia thế giới.
Trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã bắt gặp rất nhiều những lần nhân vật tự sự “NGỒI”. Ví dụ như: “ru em ngồi yên đấy”, “ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”, “người ngồi đó trông mưa nguồn”,… “Ngồi” không chỉ là một động từ chỉ hành động, mà là một trạng thái tâm tưởng khi an nhiên, trầm lặng hoặc suy tư. Hình ảnh “về ngồi trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời nhìn từng khi mưa bay” tựa như một sự chiêm nghiệm, sự hồi nhớ về cuộc đời đã qua trong tâm tưởng bình lặng để nhìn rõ hơn, nhìn sâu hơn, để thanh thản “về lại nơi cuối trời làm mây trôi”. Áng mây phiêu lãng, bồng bềnh rồi tan vào hư vô, chẳng để làm gì cả, như một tâm niệm của nhạc sĩ trong đời sống: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi!”.
Click để nghe Nguyên Khang hát
Thôi về đi, đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồ những năm xưa
Câu hát “Thôi về đi đường trần đâu có gì” nghe như một sự động viên, vỗ vễ, mời gọi người đã đi xin hãy “quay về lại” với cuộc đời, bởi “đường trần đâu có gì”. Tất cả những khổ đau, sầu bi, cay đắng, chông gai trong đời rốt cuộc cũng chỉ là những ảo mộng trong tâm tưởng mà thôi. Tất cả những khổ đau, phù du ấy rồi cũng sẽ theo thời gian mà “phôi pha”, phai mờ. Chỉ có tình yêu là ở lại, bất diệt. Nếu như ai đó chưa tìm được tình yêu với đời sống, cả khi đang còn sống trên đời sống này hay khi đã về bên kia thế giới thì chỉ cần “ngồi” lại, chỉ cần buông xuống thì lại thấy ngay “tóc xanh mấy mùa”, lại hồi xuân, tươi trẻ, lại phơi phới trong niềm yêu đời.
Nhạc phẩm kết lại bằng hai câu hát phiêu bồng, thật đẹp: “Có nhiều khi từ vườn khuya bước về/ Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồ những năm xưa”.
Đó không phải là những bước chân nặng trĩu tâm tư “ôm lòng đêm” ở đầu nhạc phẩm mà là bàn chân nhẹ tênh “tựa hồ những năm xưa”, những năm tháng tươi trẻ, nồng nhiệt, yêu đời, yêu người. Bởi người đã “trở về” trong một tâm thế mới được gội rửa, được thanh lọc. Và phảng phất đâu đó trong lời hát nghe như có những dư hương ngọt ngào, thơm thảo. Đó là thứ hương thơm thuần khiết của tình yêu dành cho đời sống, dù có đi qua bao năm tháng, bao khổ đau trầm luân vẫn mãi còn đó, rải hương rắc ngọc cho đời sống.
2. Ru Ta Ngậm Ngùi
Đã từng có người hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rằng liệu việc ông viết rất nhiều ca khúc ru (Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Ru Đời Đi Nhé, Ru Em, Ru Tình, Ra Ta Ngậm Ngùi…) như vậy có phải là do trong thực tế ông đã ru rất nhiều phụ nữ ngủ hay không?
Nhạc sĩ đã trả lời nguyên văn như sau: “Ru như thế không phải là ru em. mà thực chất là tôi tự ru tôi, tự ru để thanh lọc tâm hồn không vương một chút oán hờn nào…”
Với lời trần tình đó của nhạc sĩ, có thể hiểu rằng âm nhạc hay những lời ru phiêu bồng, dù là viết tặng người này hay người nọ, thì với nhạc sĩ cũng đều như những con “thuyền chở đạo”, chở những suy tư, trăn trở, những nhân sinh quan của ông về cuộc đời, tình yêu và thân phận con người. Trong những khúc ru đó, ca khúc nổi bật nhất cho ý kiến “tôi tự ru tôi” của nhạc sĩ phải kể đến ca khúc Ru Ta Ngậm Ngùi.
Ngay từ tựa đề bài hát, chỉ bằng hai chữ “ngậm ngùi” người nghe đã phần nào hình dung ra tâm trạng của người nhạc sĩ khi sáng tác. Đó là sự xót xa, buồn thương lặng lẽ, ẩn mật cho thân phận mình, cho thân phận con người trong vòng quay của thời gian, của đời sống.
Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên!
Những câu hỏi trở đi trở lại đầy dằn vặt, suy tư của người nghệ sĩ có lẽ đã bắt đầu đứng bên kia bờ dốc của cuộc đời: “Môi nào hãy còn thơm?”, “Tóc nào hãy còn xanh?”, “Tim nào có bình yên?”. Từng câu hỏi bật lên tựa như những lời cầu khẩn. Có còn ai, có còn nơi nào “hãy còn” những nhịp đập của tình yêu, của tuổi trẻ, của tâm hồn để cho Ta nương náu, để làm sống lại Ta.
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi
Trong từng câu hát, nghe như có một cuộc hành trình đi tìm lại chính mình. Những môi, những tóc, những tim đã rệu rã qua năm tháng. Những tình yêu, tuổi trẻ, tâm hồn như những đụn cát khô đã sói mòn theo từng bước chuyển của nhân gian. Chẳng có gì là mãi mãi, chẳng có gì là bất biến.
Ngay cả bản thân Ta cũng không còn là Ta của thuở ban sơ, chẳng còn tự do yêu đương, mơ mộng, chẳng còn hồn nhiên nghê ngao rêu rao về đời mình. Tất cả những điều Ta xem như lẽ sống, níu giữ Ta lại để yêu thương đời sống này, đều đang phôi pha. Cả cái tên của Ta cũng đang mờ dấu trên đời sống, vậy nên câu hát “xin người hãy gọi tên” bật thoát ra như một sự níu giữ trong vô vọng. Bởi cuộc đời, nào có ai thoát được khỏi những quy luật muôn đời của nhân gian.
Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông
Xin chờ những rạng đông
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi trong DVD Một Đời Việt Nam năm 1991. Trong video này, Khánh Ly phục dựng và tái diễn lại hình ảnh Quán Văn năm 1968
Trong dòng suy tư, nhạc sĩ lội ngược về quá khứ, nhìn ngắm, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình qua bao biến cố. Những hình ảnh “tim lăn trên đường mòn”, “giọt máu cuồng điên”, “con chim đứng lặng câm”..., như những tiếng kêu ai oán vọng về từ quá khứ. Sự tiếc nuối tràn lên câu chữ, bởi Ta đã hoang phí một đời mòn mỏi, cuồng điên và câm lặng. Ta đã bỏ quên Ta của ban sơ để chạy theo, để quay cuồng trong vòng xoáy cuộc đời. Và “khi về trong mùa đông” thì “tay rong rêu muộn màng” mất rồi, đành đứng lại để mong chờ những “rạng đông” để được quay lại khởi đầu một lần nữa, để gội rửa những oán ân của một đời mòn mỏi.
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Nhưng rồi Ta lại chợt nhận ra sẽ chẳng có “rạng đông” nào đến cả: “đời sao im vắng?”. Ta trở về đối diện với chính mình trong mênh mông, hoang hoải, trong cô độc, lặng câm: “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm”.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ ai
Ta bàng hoàng nhận ra trò chơi cay đắng của cuộc đời. Trong khi Ta mải mê đuổi theo những hạnh phúc phù du, những cuồng điên nhiễu loạn, thì ngay trong bản thân mình Ta đã xoá trắng đi bao niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị, tinh khôi, xoá đi sự hồn nhiên, tự do của tâm tưởng. Ta quên mất chính Ta. Để rồi một ngày nhìn lại, Ta chẳng còn có thể tìm lại được gì đáng giá, dù chỉ là một sợi tóc trong trí nhớ nhỏ nhoi.
Ta như con thuyền vô định trôi dạt giữa dòng đời, không tìm được bến bờ hạnh phúc đích thực, không còn “ai” đón đợi, và “không chờ, không chờ ai”.
Em về, hãy về đi,
ta phiêu du một đờị
Hương trầm có còn đây,
ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi,
ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây…
Câu hát “Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời” thả xuống như một sự buông bỏ. Đó không phải là một “em” gái bằng xương bằng thịt mà là một hình ảnh ẩn dụ mà nhạc sĩ dùng để gọi tên cuộc đời. Ta đã một đời phiêu du mòn mỏi, đã chìm trôi vô định không tìm được bến bờ, đã mệt mỏi rồi.
Nếu “hương trầm có còn đây”, thì Ta cũng xin chỉ “thắp nốt chiều nay”, rồi thôi, rồi buông tay, để “xin được ngủ trong vòng nôi”, “xin ngủ dưới vòm cây”, để “ta ru ra ngậm ngùi”. Bởi chỉ có Ta tự ru Ta, Ta tự buông bỏ những chấp niệm, những oán ân của đời mình thì Ta mới có thể vượt lên, mới có thể tìm lại bản ngã của chính mình.
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi năm 1973
Nếu ai đó nói rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một “vị sư” đi giữa cuộc đời, tu giữa cuộc đời, đem những duyên ý huyền diệu của Phật Pháp gieo rắc vào âm nhạc bằng những ca từ rất đời thường để cảm hoá lòng người, để duyên hoá những ý niệm thì điều đó chắc chắn là chính xác. Bởi có thể thấy, hầu như trong khắp các nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn muốn truyền tải một ít giáo lý thiền môn đến người nghe. Ở nhạc phẩm Ru Ta Ngậm Ngùi, chất thiền, chất Phật, nhân sinh quan Phật giáo của nhạc sĩ đặc biệt đậm đặc hơn và thuần chuất hơn cả.
3. Một Cõi Đi Về
Một Cõi Đi Về là một nhạc phẩm khá đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ông sáng tác vào khoảng năm 1974, nhưng mãi đến tận năm 1980 mới được phổ biến. Nữ danh ca Khánh Ly trong một cuộc trò chuyện đã kể lại kỷ niệm về lần cuối cùng bà gặp Trịnh Công Sơn tại Huế trước khi sang Mỹ định cư, đồng thời có những tiết lộ khá thú vị về nhạc phẩm đặc biệt này:
“Đó cũng là lần đầu tiên, ông Sơn dạy cho tôi hát ca khúc Một Cõi Đi Về. Ông ấy nói với tôi rằng, mỗi con người sinh ra ai cũng có một cõi để đi về. Nên khi còn rất trẻ, ông ấy đã viết Phôi Pha, trong đó có câu “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa” để rồi sau này, ông lại viết “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Vì hoàn cảnh đặc biệt sau đó, Khánh Ly vội vã rời Việt Nam, còn Trịnh Công Sơn thì quay cuồng với những biến cố ở trong nước, mãi đến năm 1980 âm nhạc của ông mới dần được trở lại nhờ sự can thiệp của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó là bí thư thành ủy), từ đó bài Một Cõi Đi Về mới có dịp được công chúng biết tới.
Click để nghe Khánh Ly hát Một Cõi Đi Về
Một Cõi Đi Về là một nhạc phẩm mang đậm tính triết lý nhân sinh với những lời ca huyền hoặc, đầy ẩn mật:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Trịnh Công Sơn chỉ viết có hai chữ Đi và Về đầy bí ẩn, mà đã tiêu tốn biết bao tâm tư suy ngẫm, bao giấy mực của giới thưởng ngoạn, giới phê bình. Đi đâu? Và Về đâu? Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về ca khúc Một Cõi Đi Về, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những lý giải khá rõ ràng cho cái sự Đi – Về này:
“..Thuở nhỏ, tôi thích đến chùa vì sự tĩnh lặng, thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát “Một cõi đi về” và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi – về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật.”
Ngoài nhạc về tình yêu, về thời cuộc, thì “thân phận con người” là một đề tài lớn trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những ám ảnh về sự sống và cái chet, về sự Đi và Về khiến âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn lưng chừng ở tầng giữa hư vô và thực tại. Ông yêu đời sống, yêu con người bằng một tình yêu nồng nhiệt và bao dung nhất mực, nhưng đồng thời cũng chấp nhận thế giới bên kia như một phần của đời sống. Ông đem sự bình thản, tĩnh tại của tâm thức truyền vào âm nhạc, tạo thành thứ sinh khí lạc quan, ung dung, tự tại. Và cũng như thường lệ, Trịnh Công Sơn không truyền tụng thứ triết tự nặng nề, cao siêu, ông giản dị thả một dấu hỏi vu vơ vào cuộc đời, vào lòng người:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi?
Đi đâu loanh quanh cho đời mệt mỏi?
Đời người ngắn ngủi, vô thường, chẳng ai có thể thoát khỏi vòng xoay của tạo hoá, chẳng ai có thể tồn tại mà đào thoát khỏi quầng sáng của “đôi vầng nhật nguyệt”, của thời gian, của năm tháng. Loài người đã có mấy trăm ngàn năm lịch sử để “đi”, để tìm kiếm sự sống vĩnh hằng, để tranh đua, giành giật, nhưng nào có được gì hơn, vậy sao còn cứ “mãi ra đi”, sao cứ phải vẫy vùng, phải “loanh quanh cho đời mệt mỏi”.
Chi bằng, hãy dừng lại, hãy tận hưởng đời sống này như nó hằng có:
Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Vạn vật đều có một vòng tuần hoàn không suy chuyển, đời sống con người cũng vậy. Xuân – hạ – thu – đông bốn mùa chuyển sắc tuần tự như vòng quay của một kiếp người. Đời người hữu hạn trăm năm, hết mùa xuân, tàn mùa hạ là coi như đã sống hơn nửa đời người, đến “ngày đầu thu” thì ai cũng sẽ bắt đầu nghĩ về “mùa đông”, nghĩ về những ngày tháng cùng tận của kiếp người. Và ai cũng biết rằng, cỗ xe ngựa thời gian đang phi nước đại, những tiếng chân ngựa réo gọi “về chốn xa” đang ngày một vội vã, ráo riết.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Một Cõi Đi Về
Ở đoạn hát sau, mặc dù vẫn xoay quanh dòng tư tưởng Đi – Về đó, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đào sâu thêm nhiều ngõ ngách khác của triết thuyết thiền môn, với những hình ảnh, ca từ đầy tính ẩn dụ nhưng cũng vô cùng mỹ cảm, xoáy động tâm tư người nghe:
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhiều lần giải thích về cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong câu hát này. Ông cho biết các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một Cõi Đi Về mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ thế hệ sau này lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.
Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về
Bản thân nhạc sĩ Trịnh Công mặc dù rất “ưu ái” nhạc phẩm này và đã nhiều lần tự mình thể hiện, cũng phải thừa nhận rằng thật khó để lý giải cho cặn kẽ những ca từ mà ông đã viết. Ông từng tâm sự rằng:
“Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm”.
Quả thực, với một ca khúc quá đặc biệt như Một Cõi Đi Về, mọi sự lý giải theo thiển ý của riêng ai đó đôi khi lại thành dở. Giai điệu thì giản dị, khiêm nhường nhưng ca từ thì như một pháo đài lộng lẫy, với quá nhiều ngã rẽ trong một mê cung các ngõ ngách. Việc tìm lối đi, tìm một con đường để thấu cảm, để dẫn lối vào trái tim, vào tâm tưởng mỗi người, xin được nhường lại cho người thưởng nhạc.
4. Cát Bụi
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác Cát Bụi vào khoảng năm 1965, khi ông còn là một thầy giáo trẻ 26 tuổi nhưng những chiêm nghiệm, suy tư của ông về thân phận con người, về đời sống đã vô cùng sâu sắc. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không đơn thuần là âm nhạc mà luôn mở ra cho người nghe những ngả đường suy ngẫm khác nhau về đời sống, về thân phận của chính mình. Ngay mở đầu bài hát, nhạc sĩ họ Trịnh đã đưa ra một câu hỏi đáng suy ngẫm:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Những hiểu biết của con người về đời sống, về vũ trụ luôn vô cùng nhỏ bé. Thân phận của con người cũng vậy, chỉ tựa như một hạt cát vô danh giữa sa mạc mênh mông cát trắng. Loài người đã sinh sống và tan biến đi đã ngàn vạn năm trên trái đất này mà vẫn chưa thể trả lời câu hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Và ta sẽ đi về đâu sau khi chếƭ? Chỉ biết một điều rằng, sau khi qua đời, thân xác con người sẽ trở thành cát bụi. Và nhạc sĩ chỉ có thể vin vào điều duy nhất đó, thả một câu hỏi vu vơ vào thinh không: “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?”. Nhưng dù có là một “hạt bụi” hoá thành thì kiếp sống này nhất định cũng rất đáng, bởi:
Ôi, cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi trong băng Sơn Ca 7 trước 1975
Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về Phật giáo, dòng tư tưởng ảnh hưởng rất nhiều đến nhạc Trịnh. Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Những năm gần đây tôi thường nghỉ về Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nắm ngồi. Không làm công việc này mà nghỉ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hằng ngày.” Đó chính là thái độ sống “an trú trong hiện tại”, hài lòng với những gì hiện hữu, hiện thực, không hoài niệm quá khứ, cũng không tham vọng về tương lai.
Thân xác con người dù chỉ như một hạt bụi hoá thành, nhưng có “mặt trời soi một kiếp rong chơi” thì có gì là phiền muộn nữa. Những lời ca của Cát Bụi vì vậy cứ nhẹ nhàng cất lên, không một chút oán hờn thân phận:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi, cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào cht một ngày
Sống trên đời, làm gì có ai tránh được vòng quay của “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. Chớp mắt cái đã đi qua hết một kiếp người, chớp mắt cái đã tóc đen hoá tóc bạc. Thân phận con người cũng như chiếc lá trên cây, đến một lúc nào đó cũng phải úa vàng, rã rời rụng xuống. Cũng giống như “hạt bụi”, hoá kiếp thành những phận người, rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ “cát bụi mệt nhoài”, sẽ rơi rụng như chiếc lá úa kia, trở lại thành cát bụi.
Về câu hát “tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”, có ý kiến cho rằng đó là tiếng búa đóng đính xuống nắp quan tài khi con người nằm xuống. Nhưng thiết nghĩ, khi thân xác đã nằm xuống, đã trở về với cát bụi thì những nhịp gõ đó ai còn nghe thấy, còn nghĩ suy. Đó có thể là những nhịp gõ báo hiệu của thời gian, của năm tháng, báo hiệu về điểm dừng của một đời người, và người ta chỉ có thể cảm nhận một cách sâu sắc, rõ ràng nhất tiếng gõ nhịp đó khi đã về già, khi đã “mệt nhoài” thân xác. Điều này, rõ ràng một chàng trai trẻ đang còn rất sung sức và yêu đời không thể cảm nhận được. Nhưng Trịnh Công Sơn đã từng trải qua và thấm thía sâu sắc “nhịp gõ” ấy trong những ngày tháng “thập tử nhất sinh” trên giường bệnh khi mới chỉ 18 tuổi. Nhờ những trải nghiệm hiếm có đó, dù viết về một đề tài rất khó nhằn và đặc biệt là thân phận con người, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn có thể tuôn trào tự nhiên như chính hơi thở của ông.
Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui
Những câu hỏi về thân phận, về đời sống dù trở đi trở lại nhiều lần trong Cát Bụi, nhưng tuyệt nhiên không sầu muộn, bi luỵ mà nhẹ nhàng, lãng đãng, thâm trầm. Đồng thời với sự chiêm nghiệm sâu sắc là những gam màu tươi sáng, lấp lánh, bàng bạc phủ tràn lên bức tranh đời sống, lên thân phận con người. Có thể thấy, trong bất kỳ ca khúc nào của Trịnh, thứ ánh sáng kỳ diệu nhất mà ông ca tụng vẫn luôn là Tình Yêu. Thứ Tình Yêu nguyên sơ, tràn đầy, tự nhiên và chưa từng phôi pha trong âm nhạc Trịnh.
Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi
Nếu có ai đó hỏi rằng, thân phận con người mong manh, vô định, dễ “rụng rơi” như vậy thì sự tồn tại của con người có ý nghĩa gì? Xin hãy trả lời rằng, đó là Tình Yêu. Tình yêu giữa con người với con người, Tình Yêu của con người dành cho đời sống, vạn vật và cả cho thân phận mình. Chính nhạc sĩ họ Trịnh cũng đã từng nói: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.
Tình yêu là thứ chính yếu làm cho cuộc sống của con người trở nên tươi đẹp và ý nghĩa, để một ngày nào đó dù có phải nằm xuống, phải chia lìa với đời sống này vẫn có thể bình thản hát lên khúc ca da diết cho đời sống, cho thân phận:
Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi, cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay
Con người dù có bám rễ chằng chịt, sâu đậm vào trong đời sống như những cụm rừng thì đến lúc “lá xác xơ cây”, đến thời điểm cuối của đời người, cũng sẽ nghe những “nhịp gõ”, những “lời mời” vẫy gọi từ vực sâu. Chẳng điều gì có thể thay đổi hay hoán đổi được thân phận đó.
Nghe bản thu âm đầu tiên của cố danh ca Lệ Thu thập niên 1960 trong dĩa nhựa, nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm
Về câu hát cuối cùng: “Ôi, cát bụi phận này, vết mực nào xoá bỏ không hay”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần lý giải rằng: Ở Huế ngày xưa, khi một người được sinh ra, người quản lý hộ tịch sẽ viết tên người đó vào cuốn sổ theo dõi nhân khẩu. Và khi họ mất đi, người ta sẽ gạch tên người đó ra khỏi cuốn sổ, đặt dấu chấm hết cho một phận người. Phận người như cát bụi, làm sao hay biết được khi nào vết mực lưu tên mình bị xoá bỏ, nên ngầm chứa trong câu hát, dù không tuyệt vọng, bi quan vẫn khắc khoải, ngậm ngùi, xót xa cho thân phận con người.
5. Dấu Chân Địa Đàng
Ca khúc này được sáng tác vào khoảng năm 1964 khi ông đang dạy học ở B’lao (Bảo Lộc). Trước khi về Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn là một chàng sinh viên đa tài của trường sư phạm Quy Nhơn, được bạn bè vây quanh với những sự kiện âm nhạc, những buổi gặp gỡ, chuyện trò. Về Bảo Lộc dạy học, Trịnh Công Sơn như bị vứt vào một vùng đất hoang lạnh, vắng vẻ, heo hút, xa xôi. Nhất là khi màn đêm buông xuống, cô quanh trong căn phòng nhỏ, người nhạc sĩ đa sầu đa cảm chợt bùng lên những suy tư về thời cuộc, phận người,… để rồi ca khúc Tiếng Hát Dạ Lan ra đời, sau đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng.
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…
Nếu ai đã từng được lớn lên, hoặc đã sống ở một vùng quê xa đô thành nào đó, ở nơi mà ánh sáng điện vẫn là một điều xa xỉ, sẽ biết được rằng khi buổi chiều vừa dần khuất thì đêm đen sẽ lập tức rũ xuống đặc quánh, thế gian chỉ còn lờ mờ ánh sáng của vì sao lẻ loi, của những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ liếp nhà tranh thưa thớt, xung quanh sẽ là tiếng côn trùng và loài sâu đất rền rĩ một thứ âm thanh não nùng. Đó là bản hoà thanh của đêm tối, của những tiếng động như là đến từ một cõi hư vô…
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mấy miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng
Thời gian sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang trải qua những biến động to lớn, cả bên trong tâm tư tình cảm, lẫn ở hoàn cảnh bên ngoài. Những điều đó làm cho ông suy nghĩ nhiều về tình yêu, về phận người nhỏ bé giữa thời cuộc mà ông ví như là một loài sâu đất tự sinh tự diệt chẳng ai hay, cất lên những lời ca rầu rĩ từ trong u tối, những lời ca từ đất khô đó như là lời sau cuối mà loài sâu để lại ở chốn địa đàng.
Nói cách khác, loài sâu chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).
Như đã nói ở trên, ban đầu bài hát được mang tên là Tiếng Hát Dạ Lan, và cái tên này liên quan đến Dao Ánh, vì qua những bức thư tình gửi người yêu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết nhà của Dao Ánh trồng nhiều hoa dạ lan: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).
Bài hát có diễn biến thời gian là từ chiều, đến tối, rồi đến khuya, khi loài dạ lan bắt đầu lừng hương, nên Tiếng Hát Dạ Lan có thể hiểu là tiếng hát từ đêm tối.
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Mở đầu bài hát là một không gian rất khoáng đãng, bay bổng, thời gian đi thật gấp rút, cùng với tâm trạng của người được mô tả bằng những chữ rất chán chường: ngủ quên, than phiền, bàng hoàng… như là than tiếc cho cuộc đời đang bị bỏ phí trước thời gian trôi qua nhanh. Điều đó còn thể hiện rõ nét hơn bằng câu hát “một đời bỏ ngõ đêm hồng” ở đoạn sau:
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió từ vào trong đá xưa
Ðến bây giờ mắt đã mù, tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu, lời ca đau trên cao…
Bài hát có tên chính thức là Dấu Chân Địa Đàng. Có thể “địa đàng” này không phải là nơi chốn cụ thể như trong Kinh Thánh đã nhắc tới, mà nó có nghĩa là vết chân người để lại giữa chốn trần gian này, đó là những bước chân mỏi mệt, rã rời, đã chùng chân bao lần vì không đích hướng, đã bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp từng bước ngang qua và thành phôi pha, giờ chỉ còn lại một vùng bóng tối u mê và tịch mịch.
Rồi từ trong đêm tối, tiếng hát của loài sâu (hay là phận người) đã ngại ngùng hát lên khúc ca cuối cùng. Loài sâu nhỏ bé, hư vô đó không biết rõ cả sự tồn tại của mình, không biết đời sống của mình khi nào sẽ kết thúc, nên dù có hát lên câu nào thì cũng đều như là khúc cuối cùng của kiếp sống. Tiếng hát bắt nguồn từ đất khô, từ những nơi thấp bé, tối tăm để cất cao vang lộng khắp trời đêm. Từ nơi vút cao đó, lời ca vọng về nghe thật đau xót: Lời ca đau trên cao… Có lẽ vì đó là lời hát cho nỗi đau của kiếp người nhỏ bé như loài phù du trước sự mênh mang bất tận của dòng thời gian vĩnh cửu.
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu chân bước quên.
Ngoài 5 ca khúc này ra, không thể không nhắc đến 2 ca khúc thuộc thể chùm ca khúc Da Vàng khác viết cho thân phận là Vết Lăn Trầm và Phúc Âm Buồn.
Triết học hiện sinh có ảnh hưởng lớn tới Trịnh Công Sơn, đặc biệt là tác giả Albert Camus với trường phái triết hiện sinh phi lý và những tác phẩm của ông. Năm 1963, khi còn theo học ở trường sư phạm Qui Nhơn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đọc The Myth of Sisyphus của Albert Camus và nhận thấy sự hiện hữu của con người trên đời này là một chuỗi dài của sự phi lý, không khác gì anh chàng Sisyphus bị đày khổ sai bằng việc làm vô nghĩa: hằng ngày phải lăn một tảng đá lên núi, rồi thả tay cho đá lăn xuống núi, không nhằm một mục đích nào cả. Công việc này diễn ra nhàm chán và phi lý. Đó là cảm hứng để ca khúc Vết Lăn Trầm ra đời:
Vết lăn vết lăn trầm
Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền
Như có lần chim muông hằn dấu chân
Hình ảnh phiến đá nâu lăn trên sườn núi đó ví như đời người. Những biến cố xảy ra trong đời mỗi người giống như là những vết trầy xước của phiến đá lăn, nhưng rồi sẽ nhanh chóng bị phai mờ dần và đi vào quên lãng không khác gì dấu chân chim muông hằn trên cát. Điều đó cũng liên hệ tới đời người ngắn ngủi, sau khi nằm xuống thì chỉ sau mươi năm là trở thành lãng quên trong trí nhớ người đời.
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Vết Lăn Trầm trước 1975
Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về
Quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong
Người chợt nhớ mình như đá
Đá lăn vết lăn buồn
Đá trong nhạc Trịnh thường được dùng để đại diện cho nỗi buồn của kiếp nhân sinh, là sự hóa thân của kiếp người. Đá dường như cũng có linh hồn, có cảm xúc, có nỗi phiền muộn như con người. Nỗi buồn trong ca khúc này nảy sinh từ cảm giác lưu lạc, xa xứ của con người, một nỗi buồn luôn hiện hữu: Nơi đây là quê hương hay chỉ là chốn lưu đày? Người có cảm giác như là bị lưu đày trên chính quê hương điêu tàn, thấy mình đang phiêu du không biết tự khi nào, luôn mơ về chốn quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong. Quê nhà ở đây không còn là một nơi chốn xác định, mà là nơi ẩn trú an toàn giữa cõi đời.
Nhưng rồi người chợt nhớ phận mình như là đá, phiến đá lăn buồn vô nghĩa, không đích đến, không có chỗ nương náu.
Từ hoang xưa dấu thân anh dã cầm
Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang
Chờ ta da du một chuyến
Ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn
Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng
Không dễ dàng để giải thích ý nghĩa từng chữ nghĩa (vốn ít được sử dụng) trong đoạn nhạc này. Có thể hiểu rằng “dã cầm” là loài chim trời hoang dã, thứ mà nhạc sĩ tự ví với mình để thể hiện ước mong trở về nương náu chốn hoang xưa. “Bồn gió hoang” là để mô tả nơi in vết hằn phiến đá ở một nơi xa vắng. Còn “da du” hoàn toàn là ngôn ngữ sáng tạo của Trịnh Công Sơn, không có trong từ điển. Nhạc sĩ cũng đã nhiều lần sử dụng chữ “da du” trong những bức thư tình gửi cho người yêu Dao Ánh vào đúng thời điểm ông sáng tác Vết Lăn Trầm, như sau:
Một ngày nào đó anh sẽ da du qua những miền chưa hề ghé đến. Có những buổi sao mình thấy yêu thương quê hương đến thế này. Da thịt mình như được dựng nên bằng đất đỏ và tâm hồn như được xây bằng cỏ cây hoa lá, bằng tiếng đàn buồn bã của dân mình.
…
Anh mong có đủ một món tiền kha khá và rỗi rảnh để sống một cuộc đời phiêu bạt phù phiếm da du từ chốn này qua chỗ nọ rồi chết gục tình cờ. Như một loài hoa dại buổi chiều trên đồi anh bắt gặp héo úa. Có ai nhìn thấy ai đâu, trong những lúc quạnh hiu nhất mình chỉ còn cho mình khoảng không hun hút trước mặt mà soi cho cùng khắp những hư ảo của đời mình.
…
Anh gọi tên Ánh cho anh trong những ngày da du rừng núi này của anh. Ôi, xin những vách núi hãy ghi lại tiếng gọi này tha thiết…
Như vậy, có thể hiểu chữ da du của Trịnh Công Sơn nó gần với nghĩa phiêu du, phiêu bạt. “Vách núi” mà nhạc sĩ nhắc tới bên trên, rất có thể cũng là vách núi mà ông đã hình dung cho phiến lá Sisyphus lăn tròn trên vách núi như đã nhắc tới ở bên trên. Vách núi với nhiều vết hằn ghi lại những chuyến da du đời người, những vết tích đa số là buồn, đợi chờ một ngày “gió qua truông thiên đàng”, mơ về một ngày tốt đẹp hơn.
Rồi trong nỗi đau buồn của thân phận, con người chỉ còn cách an ủi, ru dỗ chính mình để xóa bỏ ám ảnh về nỗi đau của đá, thoát khỏi những đau khổ chốn trần gian:
Thôi ngủ yên đi con
Ngủ đời yên đi con
Che giấu thân đau rã mòn
Ngủ đời yên đi con
Như vết thương đau ngủ buồn
Như trùng dương đêm mắt thâm
Còn nghe ngóng…
Đá lăn vết lăn trầm
Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn
Ôi mắt thầm van xin lời thánh đêm
Bài ca dao trên cồn đá, trên ngai vàng quê nhà
Khi đã trải qua những khổ đau tột cùng, con người như mất tất cả, không còn chỗ bám víu, chỉ còn biết lưu thân mỏi mòn ở cõi tạm và nguyện xin tới đấng tối cao để nhóm lên chút hy vọng, để được nhìn lại chút bình yên nào đó được mô tả bằng hình tượng “ca dao trên cồn đá” và trên “ngai vàng quê nhà”.
Một thời ngủ yên tuổi xanh
Rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình…
Tuổi xanh là lứa tuổi tràn đầy năng lượng để cống hiến cho đời. Nhưng có một thế hệ đã từng “ngủ yên tuổi xanh”, cảm thấy mình lạc lõng trên quê hương, thiếu lý tưởng, sống cho qua ngày mai không có mục đích. Đó là cái mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nhận khi chứng kiến hoàn cảnh bi thảm của quê hương thời đó.
Còn với ca khúc Phúc Âm Buồn, đã như là tiếng thở dài triền miên của kiếp người hèn mọn trong sự chờ đợi một tin mừng không biết đến bao giờ có được. Bài hát có những sự nghịch lý, mà thực ra là sự nghịch lý đã có ngay từ tên bài hát gồm 3 chữ được 2 người cùng đặt tên.
Theo lời kể của ca sĩ Khánh Ly, một lần cô đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chơi, thấy ông đang sáng tác dang dở một ca khúc mang tên Phúc Âm, trong Kitô giáo, phúc âm có nghĩa là “Tin Mừng”. Đọc sơ qua lời bài hát thấy thật buồn, Khánh Ly nghịch ngợm thêm chữ “Buồn” đằng sau tựa bài hát. Vậy mà khi phát hành chính thức, nhạc sĩ để nguyên tựa đề là “Phúc Âm Buồn”. Đã là Tin Mừng nhưng lại còn buồn, là bởi vì bài hát nói về kiếp người trầm luân không biết khi nào mới thoát vòng khổ ải:
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đầy chốn đây
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người
Người nhìn những chuyến xe cuộc đời lần lượt qua đi, những tin mừng chờ hoài chưa được thấy:
Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi
Người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời
Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây…
Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Phúc Âm Buồn
Đến cuối cùng, người ta mới biết rằng “Phúc Âm” mà tác giả muốn nhắc đến, chính là bản thể của mỗi người, mỗi chúng ta chính là một phúc âm. Những đau đớn này, những giọt máu tuôn ra ngoài này chính là sự tái sinh, nhuộm cho đất này, nhuộm hồng nâng niu cho những hạt mầm nảy nở của tương lai:
Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
Nhuộm đất này, nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay…
Bài viết của Đông Kha – Niệm Quân (chuyenxua.net)